Hậu Brexit: Nước Anh trước nguy cơ bị tội phạm buôn người hoành hành

ANTD.VN - Cảnh sát Anh ước tính hiện có ít nhất 13.000 người là nạn nhân của tình trạng bóc lột lao động, lạm dụng tình dục hoặc nô lệ hiện đại ở nước này. Trên thực tế, con số này  còn cao hơn gấp nhiều lần, đang cảnh báo nguy cơ ngày càng khó kiểm soát những đường dây buôn người xuyên quốc gia, đặc biệt vào thời điểm Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Hậu Brexit: Nước Anh trước nguy cơ bị tội phạm buôn người hoành hành ảnh 1Trẻ em tại trại tị nạn Calais bày tỏ mong muốn được tiếp nhận vào Anh

Các tổ chức xã hội cảnh báo việc Anh rời EU có nguy cơ “giúp” những kẻ buôn bán trẻ em từ Pháp sang đảo quốc sương mù có thêm cơ hội, do các lực lượng thực thi pháp luật giữa hai bên sẽ ngừng hợp tác sau Brexit. 

Hội Ngăn chặn hành động tàn ác với trẻ em quốc gia (NSPCC) nhấn mạnh, Anh cần duy trì và thúc đẩy quan hệ đối tác xuyên biên giới với Pháp. Đây là điều kiện thiết yếu để việc bảo vệ trẻ em và đối phó với tình trạng buôn người. Tổ chức Chống nạn nô lệ quốc tế cũng nhận định, Anh phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương nhất - khỏi những kẻ buôn người tại châu Âu.

Các cơ quan an ninh và tư pháp châu Âu gồm Europol, Eurojust và cơ quan ủy quyền bắt giữ của châu Âu là những tổ chức then chốt hỗ trợ Anh tìm ra các nạn nhân và truy tố những kẻ buôn người. Quỹ Chống buôn người cảnh báo các cuộc điều tra chung giữa Anh và châu Âu có thể bị ảnh hưởng nếu Anh mất nguồn hỗ trợ từ châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh nguồn nhân lực đang bị cắt ngày càng nhiều. 

Trong khi đó, Cơ quan chống Lạm dụng lao động (GLAA) cho rằng hiện chưa thể xác định Brexit sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực đối phó với những kẻ buôn người của Anh như thế nào, tuy nhiên cuộc “ly hôn” này là yếu tố chính ảnh hưởng đến việc thu thập thông tin tình báo trong những năm tới. 

“Rừng Calais” là tên của khu trại tị nạn ở thành phố cảng Calais, phía Bắc nước Pháp, tiếp giáp eo biển Dover giữa Anh và Pháp. Đây trở thành “điểm nóng” của người tị nạn kể từ năm ngoái, sau khi khoảng 6.000 - 8.000 người di cư, chủ yếu là người Afghanistan, Sudan và Syria tập trung về đây.

Đa phần trong số này đều xem đây là bước đệm để họ tìm cách trốn vào Anh. Vì thế, trong bối cảnh an ninh lỏng lẻo sau khi Anh rời EU, khu vực biên giới tiếp giáp giữa đảo quốc với Calais của Pháp sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho những đối tượng buôn người hoạt động hoặc lẩn trốn.

Theo thống kê, trong số 274 trẻ em sống tại các trại ở Calais đưa sang Anh trong khoảng thời gian từ tháng 8-2016 đến tháng 11-2017, có 1/3 trẻ em bị lạm dụng tình dục, bị đánh đập và phải ở tại những căn lều ổ chuột bẩn thỉu.

Cho đến nay, các cuộc đàm phán chính thức về mối quan hệ an ninh hậu Brexit giữa EU và Anh vẫn chưa bắt đầu, mặc dù Thủ tướng Anh Theresa May đã đề xuất triển khai một Hiệp ước an ninh-quốc phòng vào năm 2019. Anh đã gửi một báo cáo trình bày quan điểm của mình và muốn xúc tiến đàm phán để đi tới một thỏa thuận.

Một quan chức cấp cao EU cho biết: “Một hiệp ước an ninh trong tương lai nghe có vẻ hợp lý, vì không ai muốn một khoảng tối trong lãnh thổ châu Âu mà các chiến binh và mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia có thể lợi dụng... Tuy nhiên, lập luận đó không khiến cho việc đạt được thỏa thuận dễ dàng hơn”. 

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hy vọng vào tháng tới sẽ đạt được một thỏa thuận liên minh 10 quốc gia, bao gồm cả Anh, được gọi là Sáng kiến Can thiệp châu Âu. Paris tuyên bố đây sẽ là một lực lượng nhanh nhạy và quyết đoán hơn so với các lực lượng tinh nhuệ hiện nay của EU trong cuộc chiến chống tội phạm. Vì vậy, trước khi một thỏa thuận Brexit đạt được giữa Anh và EU, London có thể cảm thấy vững tâm hơn trong việc đối phó với nạn buôn người, tội phạm ma túy hay tội phạm mạng xuyên quốc gia.