Hàng không thế giới "cầm cự" trước Covid-19

ANTD.VN - Toàn bộ ngành công nghiệp hàng không toàn cầu đã gặp khủng hoảng bởi bệnh dịch Covid-19, trừ Nam Cực. Nhu cầu đi lại sụt giảm đã khiến các hãng hàng không cắt giảm thê thảm lịch trình chuyến bay, máy bay và yêu cầu nhân viên nghỉ phép không lương để… cầm cự.

Hàng không thế giới "cầm cự" trước Covid-19 ảnh 1Sân bay Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) vắng hiu hắt trong mùa dịch Covid-19

Sáng sớm 5-3, chiếc máy bay của hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ Turkish Airlines đã quay trở lại Istanbul mà không có bất kỳ hành khách nào theo yêu cầu nhà chức trách      Singapore. Trước đó hôm 3-3, một hành khách tới Singapore trên chính chiếc máy bay này đã được phát hiện dương tính với Covid-19.

Cơ quan quản lý hàng không Singapore cho biết, 3 phi công và 11 phi hành đoàn khác của chuyến bay TK54 đã cất cánh rời Singapore về Istanbul vào khoảng 2h ngày 5-3. Khi tới nơi, nhóm này cũng sẽ bị đưa vào cách ly. Trên chuyến bay TK54 hạ cánh xuống sân bay Changi hôm 3-3, một hành khách đã được xác định nhiễm Covid-19. Bộ Giao thông Singapore trong một tuyên bố trên trang web của mình cho biết, nhà chức trách đang truy tìm hành khách trên chuyến bay này. Tờ Straits Times cho biết, 200 hành khách có thể tiếp xúc với trường hợp nhiễm Covid-19 nói trên. Một số đã trở về nhà tại Singapore để tự cách ly, một số khác thì đưa vào diện cách ly ở khách sạn. Sự việc có thể gọi là đáng tiếc với Turkish Airlines, nhưng đó là một trong số nhiều hãng còn duy trì được các chuyến bay, dù sao vẫn còn hơn viễn cảnh xấu nhất là phá sản, ngừng bay. 

Ngày 5-3, hãng hàng không Flybe của Anh đã chính thức tuyên bố ngừng bay do lượng khách hàng giảm sút vì dịch Covid-19. Có lẽ đây là một trong những hãng đầu tiên tuyên bố ngừng hoạt động kể từ đầu mùa dịch. “Nếu bạn định bay bằng Flybe, vui lòng đừng tới sân bay trừ khi đã sắp xếp một chuyến bay thay thế với một hãng hàng không khác. Xin lưu ý rằng Flybe rất tiếc không thể sắp xếp các chuyến bay thay thế cho hành khách” - thông cáo của công ty viết vào ngày 5-3. Được thành lập năm 1979, có thời điểm đây là hãng hàng không khu vực độc lập lớn nhất châu Âu, chuyên chở 8 triệu hành khách mỗi năm và khai thác hơn 200 tuyến bay. “Rất buồn khi nghe Flybe đã ngừng hoạt động sau khi phục vụ hành khách trong 4 thập kỷ. Nhân viên chính phủ sẽ có mặt tại các sân bay của Anh sẵn sàng hỗ trợ” - ông Grant Shapps, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Anh viết trên Twitter vào cùng ngày.

Gần đây, Flybe vốn đã gặp khó khăn. Hồi tháng 1-2020, Chính phủ Anh tuyên bố rằng họ đang bàn thảo với lãnh đạo công ty về vấn đề tài chính và các lựa chọn giải cứu. Nhưng những thách thức tài chính của Flybe kết hợp với sự bùng phát Covid-19 đã dẫn đến tác động đáng kể về nhu cầu của hành khách nên họ không còn đủ sức trụ lại.

Mỗi khi xảy ra thảm họa mang tính toàn cầu, ngành công nghiệp hàng không vốn là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng ngay lập tức. Ví dụ, vụ tấn công khủng bố     11-9-2001, dịch bệnh SARS năm 2003 và khủng hoảng tài chính 2008 đều gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với một lĩnh vực luôn phải vật lộn để kiếm lợi nhuận ổn định. Lần này, theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế, đợt dịch Covid-19 có thể sẽ khiến các hãng hàng không mất hàng chục tỷ USD và giảm 4,7% lưu lượng lưu thông toàn cầu, đánh dấu sự sụt giảm nhu cầu tổng thể đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đã khiến hơn 90.000 mắc bệnh và tiếp tục lan rộng khắp toàn cầu, một số sân bay bận rộn nhất thế giới lâm vào tình trạng vắng ngắt, thậm chí giống như “thị trấn ma”. Ở Mỹ, các hãng hàng không toàn cầu, bao gồm United, Delta và American đã tạm dừng các chuyến bay đến Trung Quốc, nhưng cũng đã cắt giảm các tuyến khác ở châu Á. Cathay Pacific cho biết họ sẽ giảm 40% công suất và đình chỉ các tuyến nối với một số điểm đến ở châu Á, châu Âu, Trung Đông và Australia. United Airlines đã công bố hôm 4-3 rằng họ sẽ cắt giảm 20% các tuyến quốc tế.