Hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc "lao đao" sau bê bối gián điệp

ANTD.VN -Huawei liên tục mất đi nhiều hợp đồng của mình tại các quốc gia lớn trên thế giới sau nhiều lần bị tố cáo sử dung phần mềm gián điệp, do thám. Mới đây, Chính phủ Nhật Bản đã ra quyết định ngừng sử dụng các thiết bị công nghệ của 2 hãng trên do lo ngại vấn đề an ninh mạng.

Năm 2018, các công ty công nghệ Trung Quốc liên tục phải đối mặt với loạt cáo buộc từ Mỹ cùng nhiều quốc gia khác về vấn đề bảo mật an ninh.

Đầu năm nay, Mỹ đã áp dụng lệnh cấm các công ty công nghệ nước này bán hàng cho ZTE khiến họ gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, Huawei liên tục bị các nước cấm tham gia vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng mạng 5G.

Dù đã lên tiếng và phủ nhận mọi cáo buộc về việc trở thành công cụ của chính quyền Trung Quốc nhằm thu thập thông tin và đánh cắp dữ liệu, tuy nhiên Huawei vẫn phải nhận những biện pháp cấm vận tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Bị tố dùng chip gián điệp

Năm 2018, Trung Quốc nhận không ít chỉ trích về việc gắn chip gián điệp vào  thiết bị di động. Hàng loạt hãng công nghệ Mỹ, trong đó có Amazon và Apple, đã trở thành mục tiêu theo dõi của cơ quan gián điệp Trung Quốc thông qua một con chip siêu nhỏ được cài lên hệ thống máy chủ được sử dụng bởi các hãng công nghệ này.

Trụ sở Huawei ở Thâm Quyến (Trung Quốc)

Theo Dân trí, những con chip gián điệp này đã được Apple và Amazon phát hiện từ năm 2015 thông qua những cuộc điều tra nội bộ. Apple và Amazon sau đó đã âm thầm gỡ bỏ những máy chủ bị gắn chip gián điệp ra khỏi trung tâm dữ liệu của mình trước khi thông báo sự việc với nhà chức trách Mỹ. Chính phủ Mỹ sau đó đã tiến hành một cuộc điều tra tuyệt mật về những con chip gián điệp.

Những con chip gián điệp được gắn lên hệ thống máy chủ thông qua các nhà máy lắp ráp sản phẩm của Super Micro Computer (còn được biết đến với tên gọi Supermicro) tại Trung Quốc. Supermicro có trụ sở tại Mỹ, là một trong những nhà cung cấp bo mạch chính cho máy chủ lớn nhất thế giới. Cũng như phần lớn các hãng công nghệ khác, quá trình sản xuất các bo mạch chính của Supermicro được thực hiện bởi các đối tác Trung Quốc.

Các bo mạch chính của Supermicro được sử dụng rộng rãi ở khắp nơi trên thế giới, từ các hệ thống máy chủ đến những sản phẩm đặc biệt như máy chụp phim MRI, các hệ thống vũ khí...

Tuy nhiên sau đó, Apple, Amazon và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận, song chính phủ Mỹ vẫn quyết định sẽ ban hành lệnh cấm vận với các thiết bị điện tử này.

Bị cấm ở nhiều nơi trên thế giới

Theo trang ANTT, đầu năm 2018, kế hoạch hợp tác với nhà mạng di động hàng đầu của Mỹ là AT&T của hãng công nghệ điện tử Huawei để bán điện thoại thông minh tại Mỹ đã sụp đổ vào phút chót vì những lo ngại về an ninh. Sự kiện này đã giáng một đòn mạnh vào tham vọng mở rộng thị trường ra toàn cầu của "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc.

Huawei liên tiếp bị mất hợp đồng và bị cấm ở nhiều quốc gia

Theo đó, AT&T bị buộc phải hủy bỏ hợp đồng với Huawei sau khi các thành viên của Ủy ban tình báo của lưỡng viện Quốc hội Mỹ gửi một lá thư tới Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) ngày 20-12-2017, bày tỏ mối quan ngại về ảnh hưởng của các công ty Trung Quốc đối với ngành công nghiệp viễn thông Mỹ.

Bức thư cũng thể hiện mối bận tâm của các nhà lập pháp Mỹ về "gián điệp Trung Quốc nói chung và vai trò của Huawei trong các phi vụ gián điệp đặc biệt".

Trước Huawei, Ủy ban đầu tư nước ngoài của Mỹ cũng đã bác bỏ ý định thâu tóm công ty chuyển tiền MoneyGram của doanh nghiệp Trung Quốc Ant Financial với lý do liên quan tới những vấn đề an ninh quốc gia.

Ant Financial công ty tài chính thuộc tập đoàn Alibaba của tỉ phú Jack Ma, cũng là chủ sở hữu báo SCMP.

Sau đó, Tổng thống Donald Trump đã ký lệnh cấm chính phủ nước này mua các thiết bị điện tử của hãng Huawei.

Mạng di động 5G của Huawei cũng bị cấm sử dụng

Bên cạnh Mỹ, thêm hai nước là New Zealand và Australia đã ngăn các công ty viễn thông sử dụng thiết bị Huawei cho mạng di động 5G. Chưa dừng lại ở đó, nhiều nhà mạng châu Âu cũng tuyên bố dừng hoặc cân nhắc việc mua thiết bị của Huawei.

Mới đây đầu tháng 12, VnExpress đưa tin chính phủ Nhật Bản cũng sửa đổi các quy tắc nội bộ về mua sản phẩm công nghệ từ Trung Quốc.

Quyết định được Tokyo đưa ra được cho là do lo ngại về nguy cơ rò rỉ thông tin tình báo và tấn công mạng từ các thiết bị này. Hoạt động của Huawei và ZTE tại nước ngoài gặp nhiều hạn chế do hai tập đoàn bị nghi ngờ có liên hệ mật thiết với chính phủ và quân đội Trung Quốc.

Hồi tháng 8, chính phủ Nhật cũng có kế hoạch không cho phép Huawei cùng ZTE tham gia đấu thầu hợp đồng xây dựng hệ thống thông tin công nhằm mục đích ngăn chặn tấn công mạng, rò rỉ thông tin mật.

Sau Nhật Bản, vị trí của Huawei tại thị trường Pháp dường như cũng trở nên lung lay. Theo Thanh niên, Pháp sẽ không cấm Huawei, mà thay vào đó là xem xét bổ sung sản phẩm của hãng vào danh sách các mặt hàng bị “cảnh giác cao”. Quốc gia châu Âu là nơi có nhiều biện pháp bảo vệ cho những bộ phận quan trọng của mạng viễn thông, cũng là một trong năm nước đầu tiên thực hiện thử nghiệm 5G.

Trong bối cảnh các hãng điện thoại Pháp tìm kiếm nhà cung ứng để xây dựng mạng lưới 5G, Huawei đang bị chặn ở một phần cơ sở hạ tầng viễn thông Pháp thông qua các sửa đổi trong pháp lý và quy định.

Nhà điều hành viễn thông lớn nhất Pháp Orange sẽ không dùng thiết bị Huawei trong mạng lưới 5G ở nước này vì “lời kêu gọi phải thận trọng” từ phía chính quyền, CEO Orange Stephane Richard cho biết. “Chuyện người Trung Quốc là gián điệp có tính tưởng tượng, song nguyên tắc phòng ngừa vẫn có”, ông Richard cho hay.

Mất khả năng tiếp cận thị trường của nền kinh tế lớn thứ nhì châu Âu sẽ là đòn mạnh giáng vào Huawei, sau một loạt lệnh cấm và rắc rối hãng vướng phải.