Thông điệp và sáng kiến của Việt Nam tại Đối thoại Shangri-La 2019

Góp phần giải quyết căng thẳng, tranh chấp trong khu vực bằng đối thoại hòa bình

ANTD.VN - Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng tại Đối thoại Shangri-La 2019 khi các đề xuất, sáng kiến đưa ra nhằm thúc đẩy những cam kết biến hợp tác trên bàn đàm phán thành hợp tác thực chất để giải quyết tranh chấp.

Góp phần giải quyết căng thẳng, tranh chấp trong khu vực bằng đối thoại hòa bình ảnh 1Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch phát biểu tại phiên toàn thể của Đối thoại Shangri-La 2019

Đối thoại Shangri-La 2019, diễn đàn an ninh quan trọng của khu vực đã khép lại sau 3 ngày nhóm họp tại Singapore với sự tham gia kỷ lục của các đoàn đại biểu cấp Chính phủ đến từ 57 quốc gia và vùng lãnh thổ, với dư âm khác nhau mà nổi lên là cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong đó, sự tham gia của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch dẫn đầu cùng với những thông điệp và sáng kiến nêu ra được xem là những đóng góp quan trọng vào mục tiêu mà Đối thoại Shangri-La theo đuổi ngay từ những ngày đầu là góp phần giải quyết căng thẳng, tranh chấp trong khu vực bằng đối thoại hòa bình.

Đối thoại Shangri-La 2019 diễn ra trong bối cảnh những căng thẳng, đối đầu và tranh chấp chủ quyền vẫn bao trùm những địa bàn chiến lược trọng yếu trong khu vực, từ Đông Bắc Á tới Đông Nam Á và đặc biệt là Biển Đông. Tham vọng đòi hỏi chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông cùng những hoạt động quân sự ráo riết của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa tham vọng này đã khiến căng thẳng ở Biển Đông tiềm ẩn nguy cơ lớn đe dọa môi trường hòa bình và ổn định vốn được xem như nhân tố sống còn cho sự hợp tác và phát triển của khu vực.

Đáng lo ngại nhất là tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đã dẫn tới cuộc đối đầu an ninh giữa cường quốc đang trỗi dậy này với cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ. Ngay trước thềm Đối thoại Shangri-La 2019 diễn ra từ ngày 31-5 đến ngày 2-6, đối đầu Mỹ - Trung Quốc trên Biển Đông khi Bắc Kinh phản ứng trước việc Lầu Năm góc điều tàu khu trục tuần tra sát đảo nhân tạo mà Trung Quốc cưỡng chiếm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã “đổ thêm dầu vào lửa” căng thẳng nhiều mặt giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này.

Là một bên liên quan trực tiếp tới tranh chấp tại Biển Đông, Việt Nam luôn chủ trương thông qua đối thoại hòa bình, chứ không phải đối đầu căng thẳng, để giải quyết tranh chấp. Quan điểm đó là sợi chỉ nam xuyên suốt lập trường của Việt Nam trên tất cả các diễn đàn quốc tế và khu vực, trong đó có Đối thoại Shangri-La từ trước tới nay.

Điều đó thêm một lần nữa được khẳng định trong bài phát biểu quan trọng nhan đề “Giải quyết tranh chấp trong không khí hòa bình, với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng” của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch trong phiên họp toàn thể của Đối thoại Shangri-La 2019. Trong bài phát biểu được đánh giá cao khi đi thẳng vào vấn đề quốc phòng và an ninh nóng nhất khu vực hiện nay này, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đã nêu bật thông điệp cốt lõi, đó là “giải quyết tranh chấp trong không khí hòa bình, với tinh thần đối tác và vì trách nhiệm cộng đồng”.

Lập trường và nguyên tắc cốt lõi ấy cụ thể hóa bằng những biện pháp như các bên liên quan tăng cường đối thoại, tham vấn, cùng nhau quản lý rủi ro và ngăn ngừa xung đột. Theo đó, những cơ chế hợp tác khu vực hiệu quả do ASEAN dẫn dắt như: Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF); Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á; Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (AMM) và Diễn đàn Biển ASEAN; Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (AMM+) cùng nhiều cơ chế đối thoại khác, bao gồm cả Đối thoại Shangri-La… góp phần quan trọng kiểm soát bất ổn, cạnh tranh và ngăn ngừa xung đột.

Những cơ chế hợp tác và đối thoại trên sẽ cùng hướng tới việc tìm kiếm những tiếng nói và công thức rất phù hợp với tình hình nhằm biến hợp tác trên bàn thành hợp tác thực chất để giải quyết những căng thẳng, tranh chấp trong khu vực, đặc biệt trên Biển Đông.