Góc khuất trong ngành công nghiệp sản xuất vàng đỏ ở Tây Ban Nha

ANTD.VN - 10 người phụ nữ Ma rốc lên tiếng nói rằng, các cơ quan chức năng đã “phớt lờ” khi họ tố cáo bị buôn bán, hành hung và tấn công tình dục trong những trang trại dâu tây ở Tây Ban Nha. Ngành công nghiệp dâu tây còn được gọi là công nghiệp vàng đỏ, đóng  góp gần 600 triệu Euro mỗi năm cho nền kinh tế Tây Ban Nha.

Góc khuất trong ngành công nghiệp sản xuất vàng đỏ ở Tây Ban Nha ảnh 1Một trong những phụ nữ Ma rốc tố cáo đã bị tấn công và khai thác tình dục khi làm việc trong trang trại dâu tây ở Tây Ban Nha

Từ quê nghèo đến miền đất hứa? 

Tháng 4-2018, Samira Ahmad quyết định bỏ lại con nhỏ, rời quê hương Ma rốc đến làm việc tại những cánh đồng dâu tây ở miền Nam Tây Ban Nha. Trong túi cô là visa Tây Ban Nha và một hợp đồng hứa hẹn mức lương hấp dẫn 40 Euro/ngày, được bao ăn và chỗ ở. Samira Ahmad hy vọng, nỗi buồn phải xa gia đình sẽ được bù đắp bằng khoản tiền mà cô kiếm được.

Một năm trôi qua, cuộc sống của Ahmad đã bị hủy hoại. Cô vẫn phải sống trong nghèo khổ và đã ly dị chồng. Trong 10 tháng qua, Ahmad sống ẩn mình cùng với 9 người phụ nữ Ma rốc khác. Họ cùng nhau đi tìm công lý vì đều là nạn nhân của nạn buôn người, tấn công tình dục và bóc lột tại trang trại dâu tây. “Trước khi rời khỏi Ma rốc, tôi như một anh hùng trong mắt mọi người. Không ai trong làng tôi từng có cơ hội làm việc ở một đất nước giàu có như Tây Ban Nha. Nhưng đó là quyết định tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi. Tôi đã nghe đồn về những gì xảy ra với một số phụ nữ đến Tây Ban Nha trước đó nhưng tôi bỏ qua tất cả. Tôi không nghĩ rằng, những câu chuyện này có thể xảy ra ở một đất nước giàu có như thế”, Ahmad nói.

Ahmad và 9 phụ nữ Ma rốc khác cho biết đã trải qua bạo lực tình dục nghiêm trọng và kéo dài tại nơi làm việc. Những phụ nữ phải sống trong các container vận chuyển chật chội và bẩn thỉu. Hàng trăm nữ công nhân dùng chung một vài vòi hoa sen và nhà vệ sinh bị hỏng. Họ không được cung cấp thực phẩm và nước nếu không làm việc chăm chỉ. “Nông trại ở rất xa thị trấn nên chúng tôi hoàn toàn bị cô lập. Những người phụ nữ khác làm việc trong trang trại nói rằng, đã bị tấn công và quấy rối tình dục. Có trường hợp đã bị hãm hiếp hoặc ép quan hệ tình dục để đổi lấy thức ăn và nước uống. Một số phụ nữ bị bắt làm gái mại dâm cho đàn ông địa phương - những người chờ đợi bên ngoài trang trại trong xe hơi của họ hàng đêm”, Ahmad nói.

Mỏi mòn đi tìm công lý

Aicha Jaber làm việc trong cùng trang trại với Ahmad kể lại rằng, ngay khi đến trang trại, cô đã bị quấy rối và tấn công tình dục.  May mắn Aicha Jaber được những người phụ nữ khác làm việc trong trang trại giải cứu. Sau khoảng 6 tuần ở trang trại, Jaber, Ahmad và 8 người phụ nữ khác đã đến đồn cảnh sát địa phương để báo cáo đã bị lợi dụng, hãm hiếp và tấn công tình dục. Tuy nhiên, vụ việc rơi vào im lặng trong khi 10 phụ nữ trở thành những người vô gia cư và không có tiền để mua thức ăn.

Trong vài năm qua, các báo cáo về lạm dụng thể chất, tình dục với người lao động thời vụ Ma rốc ở Tây Ban Nha đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông địa phương và quốc tế. Bộ Lao động Ma rốc, cơ quan chịu trách nhiệm tuyển dụng và cấp thị thực cho người lao động nhập cư cho biết, chưa nhận được khiếu nại chính thức từ người dân. 

Alicia Navascues, chuyên gia của Soones 24 - Tổ chức hoạt động nhân quyền bảo vệ phụ nữ nói rằng, phụ nữ Ma rốc đang bị tổn thương nghiêm trọng. “Nhiều phụ nữ Ma rốc nói rằng, họ phải làm việc trong tư thế cúi người liên tục và chỉ có một lần nghỉ 30 phút mỗi ngày. Môi trường làm việc khắc nghiệt dưới lớp nhựa kính, nhiệt độ lên tới 40 độ C. Tại Ma rốc, họ cố tình tìm kiếm những người phụ nữ nông thôn để đưa đến Tây Ban Nha làm công việc này. Những người phụ nữ nông thôn thường chỉ biết tiếng Ả-Rập, không hiểu các hợp đồng được viết bằng tiếng Tây Ban Nha hoặc đề đạt yêu cầu của mình. Đó thực chất là một sự dối trá”, Alicia Navascues nói. 

Ước tính, khoảng 20.000 phụ nữ Ma rốc sẽ đến Tây Ban Nha để giúp thu hoạch dâu tây trong năm nay. Phụ nữ chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động thời vụ ở Tây Ban Nha. Tây Ban Nha và Ma rốc có ký kết phối hợp thực hiện chương trình về lao động thời vụ vào năm 2001. Theo đó, Ma rốc sẽ giúp Tây Ban Nha trồng và thu hoạch 400.000 tấn dâu tây dự kiến sẽ được xuất khẩu đến các siêu thị ở Anh, Pháp và Đức. Hiện Tây Ban Nha là nước xuất khẩu dâu tây lớn nhất châu Âu. 

(*) Tên nhân vật được thay đổi