Gian nan đường trở về Anh của một nữ sinh gia nhập IS

ANTD.VN - Một nữ sinh trung học ở phía Đông London rời Vương quốc Anh vào năm 2015 để gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bày tỏ mong muốn trở về nhà khi cô đang mang thai 9 tháng. Tuy nhiên, đường trở về Anh của cô còn khá gian nan.

Nữ sinh Shamima Begum rời khỏi Anh năm 2015 để gia nhập IS

Trốn chạy khỏi IS

Shamima Begum, 19 tuổi, nói rằng cô chạy trốn khỏi hang ổ cuối cùng của các phiến quân thánh chiến ở Baghuz, miền Đông Syria, vì cô mệt mỏi với cuộc sống trên chiến trường và lo sợ cho đứa con sắp sinh của mình sau khi hai đứa con khác tử vong. “Tôi yếu lắm”, Begum nói với tờ Times từ trại tị nạn al-Hawl ở Đông Bắc Syria, “Tôi không thể chịu đựng được những đau khổ và khó khăn khi ở lại chiến trường. Nhưng tôi cũng sợ rằng đứa trẻ tôi sắp sinh sẽ chết như những đứa trẻ khác nếu tôi ở lại. Vì vậy, tôi đã chạy trốn khỏi IS. Bây giờ tất cả những gì tôi muốn làm là trở về nhà ở Anh”.

Cô và 2 nữ sinh khác của trường Bethnal Green, Kadiza Sultana và Amira Abase, đã trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông khi họ bay từ Gatwick, Anh đến Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 2-2015, sau đó vào Syria. Begum và Abase đều 15 tuổi, trong khi Sultana mới 16 tuổi. Họ đã nói với bố mẹ rằng họ chỉ đi chơi. 

Begum cho biết ban đầu cô sống ở Raqqa, nơi cô kết hôn với một phiến quân IS người Hà Lan sau ba tuần. Theo Begum, cuộc sống ở đó xen lẫn giữa sự bình thường và sự tàn bạo. “Hầu hết đó là một cuộc sống bình thường ở Raqqa, cứ thỉnh thoảng lại xảy ra ném bom. Nhưng khi lần đầu tiên chứng kiến cảnh hành quyết con tin, tôi không hề cảm thấy bối rối hay sợ hãi”, Begum chia sẻ. Theo cô, Sultana và Abase cùng với một nữ sinh khác cùng trường tên là Sharmeena Begum cũng kết hôn với phiến quân IS. Sharmeena Begum là người đã đến Syria trước ba nữ sinh nói trên 2 tháng và không phải là người thân của Shamima Begum. 

Sultana được cho là đã chết vào năm 2016 trong một cuộc không kích vào Raqqa, và Shamima Begum đã xác nhận điều này trong cuộc phỏng vấn với tờ Times. “Tôi rất hối tiếc khi đến đây”, Shamima Begum nói. Begum cho biết gia đình cô đã chuyển xuống thung lũng Euphrates khi IS rút lui, và sống tại thành trì cuối cùng của nhóm phiến quân này ở Baghuz.

Nhưng sau cái chết của cô con gái 1 tuổi và đứa con trai 3 tháng tuổi trong những tháng gần đây vì bệnh tật và suy dinh dưỡng, cô quyết định bỏ trốn. Cô rời khỏi Baghuz hai tuần trước, còn chồng cô đã đầu hàng một nhóm chiến binh liên minh với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và cô đã không gặp chồng kể từ đó, theo Times.

Anh “đau đầu” tìm hướng giải quyết

Cô cho biết, Sharmeena Begum và Abase được cho là vẫn ở trong thành trì cuối cùng của IS. “Tôi đã nghe được thông tin từ những người phụ nữ khác chỉ hai tuần trước rằng hai người này vẫn còn sống ở Baghuz”, Shamima Begum nói, “Tuy nhiên, sau các vụ ném bom, tôi không chắc liệu họ có sống sót hay không”. Cô cho biết thêm: “Tôi chỉ muốn về nhà để sinh con. Đó là tất cả những gì tôi muốn ngay bây giờ”.

Luật sư đại diện cho gia đình Shamima Begum, nói rằng cô nên được phép trở về Anh và các quan chức chống khủng bố nên coi cô là nạn nhân. Luật sư Tasnime Akunjee nói: “Bernard Hogan-Howe khi còn là quan chức cảnh sát London nói rằng, các cô gái nên được coi là nạn nhân miễn là không có bằng chứng nào cho thấy họ phạm tội. Cô ấy đã bị chấn thương tâm lý và tôi hy vọng rằng cô ấy có thể quay trở về. Bất cứ ai bị mất hai đứa con cũng cần rất nhiều sự giúp đỡ”.

Vấn đề công dân Anh trốn sang lãnh thổ do IS kiểm soát ở Syria là cơn ác mộng đối với chính quyền Anh. Đối với những người đã tham gia tổ chức khủng bố, giới chức Anh rõ ràng không muốn họ quay trở lại. Tuy nhiên, vấn đề với người phụ thuộc của họ lại phức tạp hơn. Cơ quan chỉ huy chống khủng bố của cảnh sát London được cho là sẽ kiểm tra xem liệu Shamima Begum có tham gia vào hoạt động khiến cô trở thành mối nguy hiểm cho an ninh quốc gia Anh hoặc có thể bị buộc tội ở Anh hay không. 

Sự xuất hiện của Shamima Begum đang mang thai đứa con thứ ba, đặt ra một vấn đề nan giải cho Bộ Ngoại giao nước này rằng liệu cô có thể được đề nghị hỗ trợ lãnh sự, và có thể được giúp đỡ ra khỏi trại tị nạn mà phóng viên Times tìm thấy cô hay không. Cuối cùng, Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid sẽ quyết định liệu Shamima Begum có được phép quay lại Anh hay không.