Giải mã xung đột thương mại Mỹ - Nhật Bản: Nhìn từ quá khứ tới hiện tại

ANTD.VN - Theo dòng lịch sử, vào thập niên 1980, nước Mỹ thời Tổng thống R. Reagan tuyên bố chiến tranh thương mại với Nhật Bản khi tiến hành tăng thuế xe ô tô, mô tô lên 45% và 100% đối với sản phẩm điện tử. Kết quả là, nước Mỹ giành thắng lợi nhưng không nhiều, Nhật Bản thì thua thảm. Kịch bản đó đang được tiếp diễn đến ngày nay, song khác ở cách thức thể hiện và bản chất.

Chính sách áp thuế: Bổn cũ soạn lại

Những năm 1980 của thế kỷ trước, Nhật Bản được coi là mối đe dọa kinh tế lớn nhất của nước Mỹ, không chỉ vì những cáo buộc về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, mà còn vì những lo ngại về thao túng tiền tệ, chính sách công nghiệp do nhà nước bảo trợ của Nhật, sự suy yếu của ngành chế tạo Mỹ và thâm hụt thương mại lớn của Mỹ với Nhật Bản. Theo thống kê lúc đó, Nhật Bản chiếm tới 42% thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ trong nửa đầu thập niên 1980. Trong cuộc đối đầu với Mỹ, Nhật Bản cuối cùng đã phải nhượng bộ, nhưng họ đã phải trả giá đắt khi làm như vậy, gần 3 thập niên mất mát với kinh tế đình trệ và giảm phát.

Mỹ tiếp tục dùng "cốt truyện" của những năm 80 để tiến hành tấn công các xung đột thương mại không những với Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), mà còn với chính đồng minh Nhật Bản khi tập trung chủ yếu vào 2 lĩnh vực chính là ô tô và hàng nông sản. Song, theo giới chuyên gia, về quy mô và bản chất của cuộc xung đột này không lớn và phức tạp như trường hợp với Trung Quốc, không gây tác động xấu đáng kể nào đến thương mại và kinh tế toàn cầu. Sau đây là những "lớp cắt" trong cuộc xung đột thương mại Mỹ-Nhật Bản hiện nay:

Thứ nhất, đối với lĩnh vực ô tô, các nhà sản xuất Mỹ cho rằng, sản phẩm của họ bị ngăn chặn vào thị trường Nhật Bản bởi các rào cản môi trường và nhiều chính sách của chính phủ nước này. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, sự cạnh tranh từ phía các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản là lớn nhất trong khi nhu cầu người tiêu dùng Nhật Bản đối với ô tô của nước ngoài, đặc biệt là Mỹ không cao. Thực tế, tổng số ô tô Mỹ xuất khẩu sang Nhật Bản chỉ chiếm 1% trong năm 2018; tổng số xe nhập khẩu (không chỉ từ Mỹ) bán được ở Nhật Bản chỉ là 351.020 xe, thấp hơn so với số xe được sản xuất từ các hãng của Nhật Bản vào năm 2017.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm chính thức Nhật Bản hồi tháng 5-2019 (Nguồn: AP)

Thứ hai, đối với hàng nông sản, Nhật Bản được coi là hàng rào bảo vệ hàng nông sản nội địa khá cao. Phía Mỹ cho rằng, khi có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thì xuất khẩu nông sản của Mỹ gặp nhiều khó khăn và bất lợi. Hiện nay, thuế đánh vào thịt bò đông lạnh của Mỹ nhập khẩu vào Nhật Bản có thể tăng tới mức 50% (từ mức 38,5%) nếu kim ngạch vượt quá mức nhất định theo luật bảo vệ hiện tại; trong khi đối với các đối tác CPTPP thì thuế lại được giảm từ 38,5% xuống 26,7%. Nhật Bản là một thị trường nông sản tiềm năng lớn của Mỹ khi dân số 114 triệu người đi kèm nhu cầu sản phẩm chất lượng cao. Song, Nhật Bản đang chịu thâm hụt trong buôn bán nông sản với thế giới là 47 tỷ USD trong năm 2018, trong đó thâm hụt với Mỹ là 12 tỷ USD.

Thâm hụt thương mại

Một bộ phận thương mại lớn nhất giữa hai nước và liên quan đến lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Mỹ là ngành ô tô. Năm 2017, buôn bán hai chiều là 204,2 tỷ USD thì riêng ô tô Nhật xuất sang Mỹ chiếm 50 tỷ USD, tương đương với 75% thâm hụt của Mỹ với Nhật Bản. Do đó, để giải quyết được thâm hụt thương mại trong lĩnh vực ô tô và phụ tùng ô tô với Nhật Bản, Tổng thống Mỹ D. Trump cần đạt được hai mục tiêu quan trọng là: (1) giúp tăng trưởng ngành sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô ở Mỹ; (2) giảm thâm hụt thương mại.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ cách giải quyết thâm hụt lớn trong thương mại ô tô của  hính quyền ông D. Trump, vì thuế đánh vào ô tô (của Nhật) nhập khẩu vào Mỹ là 2,5% trong khi Nhật Bản lại không đánh thuế vào ô tô nhập khẩu từ Mỹ. Thêm vào đó, nghiệp đoàn ô tô Mỹ còn kêu gọi áp dụng hạn ngạch thương mại (Quota) đối với ô tô và phụ tùng từ Nhật. Do đó, Nhật Bản lo ngại trong thời hạn 90 ngày kể từ tháng 1-2019 sau khi bản báo cáo điều tra về thâm hụt mậu dịch của Mỹ mãn hạn thì Mỹ có thể đánh thuế vào ô tô và phụ tùng ô tô của nước này.

Lãnh đạo cấp cao của hai nước Mỹ - Nhật Bản (Nguồn: NYTimes)

Nhật Bản muốn thương thảo ngay với Mỹ để tránh xung đột do tăng thuế, bởi trước đó Tổng thống Trump đã viện Khoản 232 đánh thuế vào nhôm và thép vì lý do an ninh quốc gia, nên lần này, có thể ông Trump cũng sẽ viện dẫn vào thâm hụt thương mại với Nhật, nhất là trong lĩnh vực ô tô. Nhật Bản muốn tránh xảy ra xung đột thương mại với Mỹ vì xuất khẩu đối với Nhật Bản không chỉ là tăng trưởng mà còn là nền tảng của mô hình tăng trưởng và là cấu phần tất yếu tạo ra chu kỳ kinh tế của đất nước.

Trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản với dân số già đi nhanh chóng, lực lượng lao động giảm sút, thị trường nội địa ngày càng thu hẹp nên càng phải dựa vào thị trường bên ngoài để tồn tại. Và Mỹ là thị trường không bao giờ được để mất trong xuất khẩu ô tô và phụ tùng ô tô của Nhật Bản. Mặc khác, dường như đòi hỏi của Mỹ là Nhật Bản phải loại bỏ hàng rào thuế đối với hàng chế tạo và nông sản của Mỹ nhập khẩu vào Nhật Bản.

Đồng nghĩa với việc nông dân Nhật Bản phải chấp nhận sự cạnh tranh lớn từ hàng nông sản Mỹ, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền có truyền thống dựa vào sự ủng hộ lớn từ các cử tri nông nghiệp và các nhóm có khuynh hướng bảo vệ nông nghiệp Nhật Bản sẽ phải chịu thêm nhiều áp lực chính trị trong nước. Nhiều khả năng, Nhật Bản sẽ nhượng bộ Mỹ trong lĩnh vực nhập khẩu nông sản để đổi lại sự nhượng bộ của Mỹ trong lĩnh vực ô tô nhằm tránh xung đột thương mại, bảo đảm nền kinh tế Nhật Bản.

Chuyến thăm lịch sử đến Nhật Bản

Ngày 25-5-2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu chuyến thăm chính thức 4 ngày tới Nhật Bản - quốc gia có mối quan hệ đồng minh thân thiết ở châu Á-Thái Bình Dương này. Tổng thống đời thứ 45 của Mỹ trở thành nguyên thủ đầu tiên chính thức diện kiến Tân Nhật hoàng Naruhito.

Ngày 27-5-2019, Tổng thống Trump đã có buổi hội đàm chính thức với Thủ tướng Nhật Abe Shinzo. Chuyến thăm của ông Trump mang nhiều ý nghĩa quan trọng không chỉ với mối quan hệ giữa hai quốc gia đồng minh trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Osaka (Nhật Bản) sẽ diễn ra vào cuối tháng 6 này, mà còn ảnh hưởng đến nhiều vấn đề xung quanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, từ thương mại, kinh tế cho đến địa chính trị. Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hoan nghênh chuyến thăm cấp Nhà nước "mang tính lịch sử" tới Nhật Bản của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ. Tuy nhiên, hai bên đã né tránh vấn đề thỏa thuận chống thâm hụt thương mại hai nước.

Hiện tại, Nhật Bản được coi là đồng minh quân sự lớn nhất của Mỹ, Mỹ hiện đang có 50.000 lính đóng quân ở Nhật Bản (Nguồn: AP)

Không những vậy, bên cạnh những lời tốt đẹp ca ngợi tình hữu nghị, tình đồng minh giữa hai nước, ông D. Trump và ông Shinzo Abe cũng thừa nhận hai bên vẫn tồn tại một số bất đồng về chính sách thương mại và vấn đề Triều Tiên. (1) Về chính sách thương mại: Tổng thống D. Trump đe dọa sẽ áp đặt mức thuế cao với các nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản, điều mà ông đã thực hiện với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện nay. Cuộc chiến giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới này đã làm tổn thương nền kinh tế thế giới và khiến các đồng minh của Mỹ, trong đó có Nhật và EU lo ngại. Tại cuộc họp báo, ông D. Trump cũng cho biết, Mỹ chưa sẵn sàng thực hiện một thỏa thuận với Trung Quốc nhưng ông dự kiến điều này sẽ được thực hiện trong tương lai.

(2) Về vấn đề Triều Tiên, ông Trump bày tỏ lạc quan về triển vọng phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và nhắc lại rằng, ông không cảm thấy phiền bởi các vụ phóng tên lửa tầm ngắn gần đây của Triều Tiên. Đồng thời tin tưởng, ông sẽ đạt được thỏa thuận hòa bình với Triều Tiên vào một ngày không xa. Trong khi đó, ông Shinzo Abe mặc dù ủng hộ cách tiếp cận của ông D. Trump với Triều Tiên, nhưng lặp lại lập trường của Tokyo rằng, các vụ thử tên lửa tầm ngắn gần đây đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.

Theo giới chuyên gia, Nhật Bản vẫn bị thâm hụt thương mại nặng nề với Mỹ, trong khi, Mỹ đang gia hạn trì hoãn gói thuế quan mới nhằm vào mặt hàng ô tô Nhật Bản trong những tháng tới. Quan chức hai bên vẫn chưa thể kết thúc các đàm phán thương mại. Ngoài ra, Nhật Bản hiện có quá nhiều đối thủ trong khu vực, vì vậy, thời gian tới, họ cần có thêm những người bạn và đồng minh lớn; song tránh làm mất lòng Mỹ vào thời điểm này, trong bối cảnh Mỹ đang gia tăng sức ép kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, thách thức ngôi vị số một của Mỹ.