Giải mã bí mật về "Thuyết nói dối lớn" của trùm phát xít Hilter

ANTD.VN - Trong thế kỷ XX, Adolf Hitler là nỗi ám ảnh kinh hoàng nhất, một kẻ cuồng tín thống trị bằng cách bán linh hồn dân tộc cho quỷ dữ, cho sự căm thù và chết chóc. Từ một Hạ sỹ quan, Hitler đã vươn lên trở thành Quốc trưởng - vị chỉ huy cao nhất của một dân tộc và với 'thuyết nói dối" Hitler đã đẩy dân tộc Đức và cả thế giới vào cuộc Chiến tranh thế giới lần 2 - được đánh giá là khốc liệt nhất trong lịch sử.

Kẻ độc tài nhất lịch sử nhân loại Adolf Hitler

Adolf Hitler sinh ngày 20-4-1889 tại thị trấn Brainau am Inn (Áo), gần biên giới Đức - Áo; là con thứ 3 từ cuộc hôn nhân thứ 3 giữa Alois Hitler và bà Klara Poelzl. Cha của Hitler là một người nghiêm khắc và độc đoán, ngay từ khi Hitler còn nhỏ, ông đã luôn hướng con trai mình theo con đường trở thành một công chức. Tuy nhiên, tuổi thơ của ông trùm phát xít Hitler gắn liền với sự buồn chán và hầu như không có bạn bè. Thậm chí, Hitler còn không học xong trung học và bỏ học năm 16 tuổi.

Adolf Hitler thời 2 tháng tuổi (Nguồn: AP)

Trong những tháng ngày ở Vienna (Áo), Hitler ôm áp giấc mơ trở thành họa sỹ, nhưng đã 2 lần nộp đơn theo học tại Viện nghệ thuật Vienna đều bị từ chối. Trong thời gian đam mê hội họa, nhà độc tài Hitler sống ở thủ đô Vienna và kiếm sống bằng việc bán những tấm bưu thiếp phong cảnh do mình vẽ cho khách du lịch.

Sau khi bị từ chối, Hitler thường đến thư viện đọc những cuốn sách ca ngợi về chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa dân tộc, theo dõi sát sao hoạt động của các chính đảng, nghiên cứu các tạp chí và tổng kết kinh nghiệm của họ...

Chính thói quen này đã giúp Hitler nhìn rõ mặt mạnh, mặt yếu của những phong trào chính trị đương thời, dần dần đưa Hitler trở thành một nhà chính trị bậc thầy với kỹ năng hùng biện đáng sợ.

Năm 1914, Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ và Hitler tham gia chiến đấu cho một trung đoàn của Vương quốc Bayern, một phần của đế chế Đức. Cuộc đại chiến đã mang đến cái chết cho hàng triệu người, nhưng lại mang đến cho Hitler bước khởi đầu mới, quá khứ với mọi cảnh tồi tàn, cô đơn và thất chí đều lùi dần vào bóng tối. "Tôi đã nhận thức định mệnh của mình, tôi quyết định tham gia vào chính trị", Hitler kể lại sau khi nước Đức bại trận.

Thành công nhờ tuyệt chiêu "nói dối"

Tư tưởng Hitler được hình thành từ những động lực vô đạo: tuổi thơ bất hạnh, thời niên thiếu chán chường, những thất vọng trong hoạt động nghệ thuật, việc bị thương khi tham gia chiến tranh thế giới lần thứ nhất, sự khinh miệt của giới quý tộc và quân đội, hay sự căm ghét vô cùng đối với người Do Thái...

Những tư tưởng ấy của Hitler dần dần trở thành một hệ thống học thuyết bài bản và được hiện thực hóa, xâm nhập, thẩm thấu vào dân chúng Đức, đặc biệt là tầng lớp thanh niên.

Từ khi Hitler gia nhập và trở thành lãnh tụ Đảng Quốc xã (1-4-1920), tư tưởng ấy được thể hiện cụ thể, chi tiết trong tác phẩm "Cuộc tranh đấu của tôi", khởi thủy là tác phẩm "Bốn năm rưỡi tranh đấu chống lại dối trá, ngu xuẩn và hèn nhát" (Mein Kampf).

Hilter không tin tưởng bất kỳ ai ngoại trừ chính bản thân (Nguồn: TASS)

Mein Kampf được coi là cuốn sách gối đầu giường của thanh niên Đức Quốc xã và là tác phẩm nguy hiểm nhất thế kỷ XX bởi nó nặng nề phân biệt chủng tộc và bài trừ Do Thái.

Cốt lõi trong tác phẩm đó là tư tưởng về chủng tộc của Hitler, ông xem mọi thứ trong đời sống như là sự đấu tranh trường kỳ và thế giới như là khu rừng, trong đó chủng loài nào mạnh hơn sẽ sống sót và thống trị: "Thế giới là nơi sinh vật này tồn tại trên sinh vật khác và cái chết của sinh vật yếu tạo nên sự sống cho sinh vật mạnh...".

Trong Mein Kampf, tiêu chí đưa ra để phân loại là văn hóa, vì thuyết này có tên là "Học thuyết chủng tộc văn hóa".

Theo đó, loài người được chia làm 3 loại: (1) Sáng tạo ra văn hóa, trong đó đặc biệt tôn vinh dân tộc Đức thượng đẳng, tôn vinh chủng tộc Aryan ưu việt của người German; (2) Tiêu thụ văn hóa; (3) Phá hoại văn hóa, tiêu biểu là chủng người da đen và người Do Thái.

Trên cơ sở thuyết này, Hitler đề ra lý thuyết đề cập đến vai trò của từng chủng tộc. Tạo hóa sinh ra con người là khác nhau, vì thế vai trò và địa vị giữa các chủng tộc cũng khác nhau. Cho nên, những người tài giỏi, ưu tiệt dương nhiên phải thống trị những kẻ hèn kém.

Bí ẩn về thuyết "không gian sinh tồn"

Vấn đề đặt ra là làm sao phải nhân giống để phát triển những bộ phận tinh túy nhất của loài người. Từ đó, trong đầu óc của "gã quái vật" Hitler mới nảy sinh thuyết về "không gian sinh tồn". Nhưng bằng cách nào để mở rộng không gian sinh tồn.

Adolf Hitler và người tình Eva Braun (Nguồn: AP)

Thứ nhất, phát triển công nghiệp. Đó là cách người Đức làm trong Chiến tranh thế giới thứ nhất nhưng cách làm này phụ thuộc vào nguyên liệu và thị trường mà theo Hitler một dân tộc phải phụ thuộc không thể gọi là "thượng đẳng".

Thứ hai, phát động chiến tranh. Dường như đây là cách tốt nhất để làm cho người Đức xứng đáng với địa vị của mình hướng tới mở rộng không gian sinh tồn.

Như vậy, học thuyết không gian sinh tồn là hệ quả của thuyết "chủng tộc văn hóa", là tư tưởng chủ chốt thứ 2 của Hitler.

Tư tưởng mở rộng không gian sinh tồn của Hitler ra đời trong điều kiện bị các cường quốc Versailles ngăn cản. Vậy phát động chiến tranh trong vòng kiềm tỏa ấy Hitler cần thực hiện 3 biện pháp: (1) tuyên truyền khuấy động; (2) ngoại giao buộc các cường quốc Versailles phải nới lỏng vòng kiềm tỏa; (3) dùng vũ lực để chiếm ưu thế. Từ đó ra đời "thuyết nói dối lớn".

Thuyết nói dối lớn: vũ khí lợi hại nhất của Hitler

Lý thuyết căn bản "Thuyết nói dối lớn" cho rằng, lời nói dối lớn như thế nào cũng không phải là vấn đề, mọi người sẽ dần tin vào điều đó nếu bạn lặp lại nhiều lần. Bằng cách đó Hitler đã lừa dối cả dân tộc Đức. Và tuyên tuyền, làm cho các cường quốc Versailles tin rằng, Đức là con đê cuối cùng để ngăn chặn làn sóng "cộng sản" lúc bấy giờ (tâm điểm là Liên Xô) đang hùng mạnh, mở rộng không gian bao trùm hầu khắp thế giới.

Khi đó, những người Đức bình thường đã nguyện yêu quý và trung thành gần như mù quáng với Hitler; họ không nhìn thấy mưu đồ chính trị thâm độc của ông ta.

Đám đông người dân ủng hộ Hitler năm 1933 (Nguồn: AP)

Một trong những đặc điểm nổi bật của chủ nghĩa phát xít Hitler, đó là đã có một hệ tư tưởng rất hoàn chỉnh, phản động nhưng cũng thấm đẫm tính mị dân và lừa bịp. Hitler đã biết cách góp nhặt, pha chế tất cả những gì phản động đen tối nhất trong quan niệm xã hội học tư sản trước đó, biến thành "coctail" ngọt lịm khiến binh lính Đức mê hoặc mà nhất nhất nghe theo, có thể kể đến như "chủ nghĩa toàn German", "thuyết chủng tộc cao đẳng", "học thuyết Duhring - xã hội phản động", "chủ nghĩa bài Do Thái"...

Từ đó, sự kế thừa những tư tưởng phản động cũ, cộng hưởng với những yếu tố thời đại đã biến tư tưởng của Hitler trở thành tư tưởng phản động bậc nhất thế giới. Tư tưởng này ngày càng "ăn sâu, bám rễ" vào người Đức khi quốc gia này một lần nữa bị giáng đòn mạnh bởi suy thoái kinh tế toàn cầu vào năm 1932.

Trong hoàn cảnh như vậy, con người bắt đầu chìm trong những nỗi sợ hãi kỳ quái và những hy vọng không tưởng, điều này giúp cho tư tưởng mị dân của "thuyết nói dối lớn" được đà phát huy sức mạnh, lôi kéo đông đảo người dân đi theo.

Trên thực tế, ngày 19-8-1934, nước Đức thực hiện trưng cần dân ý; gần 90% trong tổng số 46 triệu cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ Hitler, đưa ông trở thành "kẻ độc tài" của nước Đức.

"Thuyết nói dối lớn" của Hitler đã đưa nhân loại bước qua một ngưỡng cửa mà từ đó có thể nhìn thấy vực thẳm. Ngày 1-9-1939, phát xít Đức bất ngờ tấn công Ba Lan, châm ngòi cho cuộc chiến tranh thế giới lần 2, được đánh giá là tàn khốc nhất chưa từng có trong lịch sử nhân loại, sức tàn phá của nó được đo bằng tất cả các cuộc chiến của 1.000 năm trước đó cộng lại./.