Facebook bị điều tra vì rò rỉ dữ liệu cá nhân 50 triệu người dùng

ANTD.VN - Facebook đang đối mặt với “búa rìu” dư luận liên quan tới thông tin cho rằng Công ty tư vấn và phân tích dữ liệu Cambridge Analytica của Anh thu thập và sử dụng trái phép thông tin của 50 triệu người dùng Facebook. 

Facebook bị điều tra vì rò rỉ dữ liệu cá nhân 50 triệu người dùng ảnh 1Trụ sở hãng Cambridge Analytica tại London, Anh 

Giới chức Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang thúc đẩy nỗ lực mở một cuộc điều tra khẩn cấp về thông tin trên. Điều phối viên Brexit của Nghị viện châu Âu (EP) Guy Verhofstadt kêu gọi EP tiến hành điều tra vụ “bê bối” này trong khi Ủy viên EU phụ trách về tư pháp Vera Jourova cũng hối thúc giới chức bảo vệ thông tin độc lập ở châu Âu điều tra làm rõ vụ việc. Bà Jourova dự kiến sẽ gặp ban lãnh đạo Facebook trong chuyến thăm Mỹ vào tuần này để tìm hiểu thêm thông tin. Trong khi đó, Ủy viên EU phụ trách về kỹ thuật số Mariya Gabriel cho biết các quan chức EU đang theo dõi vụ việc, đồng thời khẳng định bảo vệ thông tin cá nhân là “giá trị cốt lõi” của EU.

Trước đó, Ủy ban về quyền tự do dân sự thuộc EP đã gửi thư yêu cầu Facebook ra đối chứng trước cơ quan này trong khi Ủy ban Kỹ thuật số, văn hóa, truyền thông và thể thao thuộc Hạ viện Anh đã yêu cầu nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg trình diện để cung cấp bằng chứng về vụ việc và đưa ra phản hồi. 

Trước đó, giới chức Anh cho biết đang điều tra xem liệu Facebook có thực hiện đúng quy định nhằm đảm bảo an toàn dữ liệu hay không. Ủy viên Thông tin Elizabeth Denham đang xin lệnh khám xét văn phòng Công ty Cambridge Analytica có trụ sở tại London sau khi có thông tin rằng doanh nghiệp từng được ê kíp tranh cử của Tổng thống Donald Trump thuê trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016  đã thu thập thông tin cá nhân của hàng triệu người dùng trên Facebook nhằm phục vụ cho chiến dịch tranh cử của ông Trump. Cuộc điều tra nhằm vào việc liệu Facebook có bảo vệ dữ liệu cá nhân trên nền tảng mạng xã hội này không và khi phát hiện ra dữ liệu bị thất thoát, họ có hành động phù hợp và người dùng có được thông báo về vụ việc hay không.

Ủy ban Thương mại Mỹ (FTC), cơ quan giám sát cạnh tranh và tiêu dùng thị trường, cũng khẳng định đang tiến hành điều tra để xác định liệu Công ty Cambridge Analytica có vi phạm các điều khoản của một sắc lệnh quy định Facebook phải nhận được sự đồng ý của người dùng về việc thu thập và chia sẻ dữ liệu cá nhân trên tài khoản hay không. Theo Báo Washington Post, nếu FTC kết luận Facebook thực sự đã phá vỡ thỏa thuận này, công ty có thể phải nộp phạt lên tới 40.000 USD cho mỗi lần vi phạm. 

Đây không phải lần đầu tiên Facebook đối mặt với tâm bão trong vấn đề bảo vệ người dùng. Hồi tháng 1, Cơ quan giám sát cạnh tranh liên bang Đức Bundeskartellamt cáo buộc Facebook đã bất cẩn và cẩu thả trong việc thu thập cũng như sử dụng các dữ liệu từ người dùng ở nước này mà không được sự cho phép của họ. Theo cơ quan trên, thông tin của người dùng đã được Facebook thu thập một cách có hệ thống từ trang web riêng của mình hoặc từ các nguồn thứ ba như Instagram và Whatsapp, mà không để cho người dùng biết, cũng như không cho họ có cơ hội phản đối. 

Đối mặt với tâm bão, Facebook cam kết áp dụng mọi chính sách của hãng để bảo mật thông tin cá nhân và sẽ nghiêm túc tìm hiểu sự việc này. Mặc dù vậy, Facebook khẳng định đã thực thi các nguyên tắc về quyền riêng tư cũng như xây dựng video hướng dẫn người dùng kiểm soát xem ai đang tiếp cận thông tin cá nhân của họ. Hãng cũng đã gặp gỡ cơ quan hữu trách, các nhà lập pháp và chuyên gia về quyền riêng tư trên khắp thế giới để đưa nội dung vào các quy định và chính sách dữ liệu.  

Còn hãng Cambridge Analytica thì bác bỏ việc sử dụng dữ liệu với mục đích sai trái, đồng thời khẳng định đã từng xóa bỏ toàn bộ dữ liệu của Facebook từ một ứng dụng thứ ba hồi năm 2014, sau khi nhận ra rằng việc sử dụng thông tin này là trái với quy định bảo vệ dữ liệu. Công ty cũng ngay lập tức đình chỉ công tác đối với Giám đốc điều hành Alexander Nix để phục vụ cuộc điều tra. Và dù kết quả điều tra chưa ngã ngũ, Liên minh châu Âu (EU) vẫn quyết định sẽ công bố đề xuất Quy định Bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) nghiêm ngặt hơn trong việc bảo mật dữ liệu đối với nhiều tập đoàn công nghệ đình đám của Mỹ như Facebook, Google hay Twitter vào tháng 5 tới.