Đức trục xuất cựu vệ sĩ trùm khủng bố quốc tế Osama bin Laden

ANTD.VN -Ngày 13-7, một tòa án Đức đã ra phán quyết trục xuất Sami A, đối tượng Hồi giáo cực đoan tình nghi từng là vệ sĩ của trùm khủng bố quốc tế Osama bin Laden.

Sami A, 42 tuổi, đã được đưa về Tunisia trên một chiếc máy bay xuất phát từ thành phố Duesseldorf, miền Tây nước Đức.

Sami A đã sống ở Đức hơn 20 năm, tuy nhiên mối nghi ngờ tên này là phần tử cực đoan nguy hiểm tăng lên khi gần đây chính sách nhập cư của Đức được siết chặt.

"Tôi có thể xác nhận rằng Sami A đã được gửi trở lại Tunisia vào sáng nay và bàn giao cho chính quyền Tunisia", phát ngôn viên Bộ Nội vụ Annegret Korff nói với các phóng viên.

Theo báo chí địa phương, người trong ảnh được cho là Sami A

Trước đó, Sami A đã lập luận thành công chống lại việc trục xuất vì cho rằng anh ta có nguy cơ bị tra tấn tại quê hương của mình.

Tuy nhiên, toà án tiếp tục duy trì lệnh trục xuất và lệnh này được gửi bằng bản fax tới địa phương vào lúc 8h 27 phút cùng ngày.

Bị coi là một mối đe dọa an ninh dựa trên quan hệ nghi ngờ với các nhóm Hồi giáo, Sami A đã nhiều năm đã phải báo cáo với cảnh sát nhưng chưa bao giờ bị buộc tội về hành vi phạm tội nào.

Anh ta luôn phủ nhận là cựu vệ sĩ của thủ lĩnh Al-Qaeda cuối cùng Osama bin Laden, kẻ chủ mưu đằng sau vụ tấn công ngày 11-9 ở Mỹ.

Thẩm phán trong một phiên toà xét xử tội phạm khủng bố năm 2015 tại thành phố Muenster của Đức nói rằng họ tin Sami A đã trải qua huấn luyện quân sự tại một trại của Al-Qaeda ở Afghanistan vào năm 1999, 2000 và thuộc về đội bảo vệ bin Laden.

Chính quyền Đức đầu tiên bác bỏ yêu cầu xin tị nạn của Sami A vào năm 2007 nhưng những nỗ lực của công tố viên nhằm trục xuất tên đã bị tòa án ngăn cản nhiều lần vì nguy cơ bị tra tấn tại Tunisia.

Một phán quyết tòa án không liên quan đến vụ việc này trong tháng trước với một người đàn ông Tunisia khác - bị cáo buộc trong cuộc tấn công tại bảo tàng Bardo ở Tunis năm 2015- đã giúp mở đường cho việc trục xuất Sami A.

Trong trường hợp này, các thẩm phán Đức phát hiện ra rằng bị cáo đã không phải đối mặt với sự đe dọa của án tử hình vì Tunis đã có lệnh cấm thi hành án tử hình từ năm 1991.

Bộ trưởng nội vụ Đức, Horst Seehofer, đã dùng tiền lệ trên để nói rằng ông hy vọng Sami A sẽ là người kế tiếp đồng thời kêu gọi các sĩ quan di trú đưa trường hợp của Sami A trở thành "ưu tiên".

Sami A có vợ và con là công dân Đức.