Đội "nữ chiến binh" chống buôn người ở biên giới Nepal - Ấn Độ

ANTD.VN - Hôm đó là giữa trưa ở Bhairchawa, một trong 23 trạm kiểm soát biên giới giữa Nepal và Ấn Độ. Trong không khí hỗn loạn bởi tiếng ồn giao thông, tiếng còi xe và âm thanh của khoảng 100.000 người qua lại mỗi ngày, một số phụ nữ cùng với lực lượng chức năng cần mẫn làm việc tại bàn kiểm tra an ninh. Họ là nạn nhân của nạn buôn người đang làm nhiệm vụ hỗ trợ phát hiện tội phạm xuyên biên giới.

Biên giới dài 1.750km và tương đối mở giữa Nepal và Ấn Độ là cung đường của những kẻ buôn người nhưng lại là cơn ác mộng đối với những người cố gắng ngăn chặn chúng. Nơi đây đã trở thành một trong những tuyến buôn người phổ biến nhất thế giới.

Đội "nữ chiến binh" chống buôn người ở biên giới Nepal - Ấn Độ ảnh 1Pema, nạn nhân của nạn buôn người ngồi làm việc cùng với cảnh sát biên giới để có thể phát hiện những kẻ buôn bán và đưa người qua biên giới Nepal - Ấn Độ

Phát hiện tội phạm bằng con mắt “nhà nghề”

Một trong những người đang làm nhiệm vụ hôm đó là Pema. Pema cho biết, cô có thể phát hiện ra các nạn nhân “tiềm năng” vì bản thân cô đã từng bị bán qua biên giới này khi mới 11 tuổi. Sinh ra ở một ngôi làng hẻo lánh phía Bắc Nepal, Pema bị một người bạn của cha mẹ bắt đi, đánh thuốc mê và bán vào nhà thổ ở Ấn Độ. Sau nhiều năm bị hãm hiếp và tra tấn, cô được Maiti Nepal - Tổ chức từ thiện chống buôn người giải cứu trong một cuộc đột kích vào nhà thổ.

Pema sống trong khu tạm trú của Maiti Nepal và từ đó được đào tạo để trở thành 1 trong 39 nạn nhân buôn người làm việc cho tổ chức này như một lực lượng bảo vệ vùng biên. Nhóm này làm việc tại 9 trạm kiểm soát giữa hai nước và phối hợp với lực lượng cảnh sát biên giới.

Trong lúc nhìn dòng người qua lại, Pema phát hiện một gã đàn ông đang cố gắng vượt qua biên giới, tay giữ chặt cánh tay của một cô gái mặc áo khoác da màu đỏ. “Cô ấy đang đi giày cao gót và bị vấp ngã, không thể đi bình thường được. Cách ăn vận quá lịch sự... Một trong những điều mà những kẻ buôn người thường làm là mua quần áo mới cho phụ nữ để có được lòng tin của họ”, Pema lý giải. Người phụ nữ này đến gần, đề nghị xem thẻ căn cước của họ. Cô gái không có giấy tờ, còn người đàn ông nói rằng anh ta là một doanh nhân làm việc ở Ấn Độ và đi cùng bạn gái mình. Cặp đôi này lập tức bị chia tách, Pema và cảnh sát biên giới bắt đầu thẩm vấn gã đàn ông. 

Điều nghi ngờ là sự thật, đó là một màn kịch đã cũ, cô gái trẻ đã bị gã đàn ông dụ dỗ trên mạng xã hội và thuyết phục bỏ nhà đi trốn cùng nhau. “Anh ta định đưa cô ra khỏi Nepal để bán cho một nhà thổ, điều này xảy ra mỗi ngày”, Pema nói. Khi biết được sự thật, cô gái òa khóc. Cô được đưa đến một trong những ngôi nhà của Maiti Nepal, nơi cô ở tạm cho đến khi có thể được đưa về với gia đình.

Hành động để giúp người

“Thật khó để họ chấp nhận sự thật rằng bạn trai của họ là một kẻ buôn người, chỉ vờ yêu đương rồi bán qua biên giới” - Sirta, một trong các thành viên của đội “nữ chiến binh” chống buôn người nói - “Điều tương tự cũng xảy ra với tôi. Bạn trai tôi đã bán một quả thận của tôi và sau đó bán cả tôi. Tôi còn sống được đến hôm nay vì đã được giải cứu”. 

Bà Anuradha Koirala, người sáng lập Maiti Nepal cho biết, số vụ lừa đảo phụ nữ và trẻ em gái Nepal ngày càng gia tăng khi người ta nghĩ rằng sẽ tìm được một cuộc sống tốt hơn ở Ấn Độ sau trận động đất năm 2015. Theo thống kê, trong 1 năm sau trận động đất, nhóm bảo vệ biên giới của tổ chức này đã ngăn chặn được 4.000 phụ nữ Nepal bị đưa sang Ấn Độ. Họ là những người sống ở vùng nghèo khó với tỷ lệ mù chữ cao. Chính cha mẹ của các cô gái khuyến khích họ đi mà không biết đang giao con mình cho những kẻ buôn người. “Chúng tôi không thể chịu đứng nhìn điều này xảy ra với những người khác. Chúng tôi phải hành động và hành động khẩn cấp”, bà Anuradha Koirala nói.

Hơn 23.000 phụ nữ và trẻ em gái trở thành nạn nhân của nạn buôn người năm 2016, theo báo cáo thường niên do Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Nepal. Tuy nhiên, các tổ chức phi Chính phủ Nepal cho rằng, con số có thể tăng lên 40.000 người mỗi năm. Năm ngoái, theo một nghiên cứu được Lực lượng biên giới vũ trang Ấn Độ Sashastra Seema Bal thì các vụ buôn người từ Nepal đến Ấn Độ được phát hiện đã tăng 500% kể từ năm 2013.