Định vị lại đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều Tiên

ANTD.VN - Những động thái đáng chú ý liên quan tới vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai cho thấy, hai bên đang định vị lại cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa còn nhiều cam go.

Định vị lại đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều Tiên ảnh 1Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đứng bên tên lửa Hwasong-15 trong một lần tới thị sát cơ sở ở Sanum-dong 

Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định để ngỏ khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, song chưa xác định thời điểm. Thông tin này được Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton xác nhận khi phát biểu trên kênh truyền hình ABC của Mỹ.

Như để khẳng định thêm quyết tâm đối thoại của ông chủ Nhà Trắng, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ nhấn mạnh rằng, nước này không ảo tưởng về những năng lực của Triều Tiên, song Tổng thống Donald Trump vẫn tin tưởng vào mối quan hệ cá nhân giữa ông với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Cũng theo ông John Bolton, Tổng thống Donald Trump “đã đầu tư nhiều thời gian để nỗ lực củng cố mối quan hệ này” bởi cho rằng triển vọng phi hạt nhân hóa Triều Tiên “thực sự là một điều hết sức phi thường”.

Tổng thống Donald Trump tiếp tục nhấn mạnh tới mong muốn giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân thông qua con đường đối thoại khi mà đang có những diễn biến “ngược chiều” trên bán đảo Triều Tiên. Đó là những thông tin về việc Triều Tiên có những động thái được cho có thể tái khởi động không chỉ việc thử tên lửa mà cả hạt nhân vốn đã “án binh bất động” kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất vào tháng 6-2018.

Cơ quan Tình báo quốc gia (NIS) Hàn Quốc cho biết đã phát hiện các hoạt động trở lại tại các cơ sở nghiên cứu tên lửa của Triều Tiên ở Sanum-dong. Nơi đây được biết đến là khu sản xuất tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15, loại tên lửa ICBM đầu tiên của Triều Tiên có khả năng vươn đến lãnh thổ của Mỹ. Trước đó, NIS và các chuyên gia Mỹ thông báo Triều Tiên đã tiến hành khôi phục một phần cơ sở phóng tên lửa Sohae, ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai.

Trong khi đó, trang mạng “38 North” chuyên theo dõi về Triều Tiên và Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế của Mỹ (CSIS) cũng đưa ra các hình ảnh vệ tinh thu được cho thấy Triều Tiên đang khôi phục hoạt động tại bãi thử động cơ tên lửa Dongchang-ri mà nước này bắt đầu tháo dỡ năm 2018. Cũng có những thông tin về những hoạt động gia tăng tại cơ sở lắp ráp tên lửa ở Sanum-dong, làm nảy sinh suy đoán Triều Tiên đang chuẩn bị phóng tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa mang theo vệ tinh.

Việc một người nổi tiếng thực tế và thực dụng theo quan điểm “Nước Mỹ trên hết” như Tổng thống Donald Trump vẫn bày tỏ mong muốn có Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba sau khi có những động thái trên đây của Triều Tiên gây nhiều bất ngờ. Tuy nhiên, theo giới phân tích, điều này có nguyên nhân ẩn chứa bên trong của nó. Việc những động thái “ngược chiều” từ phía Triều Tiên có thể chỉ là những động thái nhằm “nâng giá” trước một tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa được cho còn đầy cam go và khó khăn trước mắt.

Giới phân tích cho rằng, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên tại Singapore mới đưa ra được cam kết mang tính định hướng mà không có lộ trình, bước đi cũng như ràng buộc trách nhiệm của hai phía trong tiến trình phi hạt nhân hóa nên đã hầu như không có tiến triển trên thực tế sau cam kết. Còn Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội giúp hai bên hiểu rõ hơn thực tế cũng như đòi hỏi thực sự của nhau đối với phía bên kia trong tiến trình này. Và điều đó rất quan trọng để giúp hai bên xác định chính xác hơn những vấn đề mà họ cần đặt ra để đàm phán trong tương lai.

Xác định đúng điểm, nội dung thực chất cần đàm phán mới mang lại bước tiến tiếp theo cho tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.