Điều ít biết về Viện sĩ Valeri Legasov - người điều tra thảm họa Chernobyl

ANTD.VN - Vào dịp kỷ niệm 2 năm ngày xảy ra thảm họa Chernobyl, Viện sĩ Valeri Legasov, người từng làm việc 4 tháng tại hiện trường vụ tai nạn hạt nhân trầm trọng nhất lịch sử xảy ra ngày 26-4-1986 được tìm thấy đã chết trong căn hộ của mình. Trong khi đó, ông phải báo cáo kết quả cuộc điều tra vào ngày hôm sau. 

Viện sĩ Valeri Legasov tại khu vực xảy ra thảm họa Chernobyl

Bay trên khu vực lò phản ứng bị nổ 5-6 lần/ngày 

Valeri Legasov sinh năm 1936 tại Tula, Nga. Sau khi nhận tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc của trường Đại học Công nghệ Hóa học Mátxcơva mang tên D. I. Mendeleev, V.Legasov xin vào làm việc tại Khu tổ hợp Hóa học Siberia tại thành phố Seversk nơi sản xuất plutonium phục vụ chương trình vũ khí hạt nhân của Liên Xô. 

V.Legasov trở thành Tiến sĩ Hóa học năm 36 tuổi, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô năm 45 tuổi và đã được nhận Giải thưởng Nhà nước và Lenin cho các công trình tổng hợp những hợp chất hóa học của khí hiếm. Ông trở thành Phó Giám đốc thứ nhất Viện Năng lượng nguyên tử mang tên Kurchatov vào năm 1984...

Rạng sáng 26-4-1986, một vụ nổ đã xảy ra tại lò phản ứng số 4 Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Pripyat, Ukraine. Viện sĩ V.Legasov lập tức được cử đến đây. Khi đó, ông là nhà khoa học duy nhất trực tiếp làm việc tại hiện trường. V.Legasov đã sử dụng máy bay trực thăng quân sự bay quanh khu vực lò phản ứng bị nổ 5-6 lần/ngày trong khi mức độ phóng xạ đã vượt quá 500 roentgen/giờ - chỉ số tối đa của máy đo tia X đặt trên máy bay.

Để đo nồng độ phóng xạ, V.Legasov đi xe bọc thép đến sát lò số 4, ra khỏi xe và thực hiện các đo đạc cần thiết. Nhờ đó, ông khẳng định, lò phản ứng số 4 đã dừng lại, nhưng quá trình đốt cháy 2.500 tấn graphite (than chì) được sử dụng làm chất làm chậm, chất truyền nhiệt trong lò vẫn tiếp tục. Do vậy, phải ngăn chặn phần còn lại của lò tiếp tục nóng lên và giảm lượng phát thải sol khí phóng xạ vào bầu khí quyển. Ông cũng đề nghị dùng máy bay trực thăng thả hỗn hợp gồm các chất có chứa boron, chì và đất sét dolomit xuống khu vực lò số 4 để ngăn chặn cháy tâm lò. Có hơn 5.000 tấn vật liệu hỗn hợp đã được thả xuống đây. 

Viện sĩ Valeri Legasov

Bị yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo bà Inga, con gái của Viện sĩ V.Legasov, cha bà biết rõ những gì đang diễn ra và mình bị nhiễm phóng xạ ở mức độ nào. Nhưng để đánh giá được quy mô của thảm họa, ông phải hành động như vậy. Viện sĩ V.Legasov  trở về Matxcơva vào ngày 5-5-1986 và thừa nhận rằng, ở khu vực thảm họa không có mặt nạ phòng độc, thuốc chữa bệnh, lương thực thực phẩm, nước sạch… Sau khi báo cáo cấp trên về tình hình thảm họa, ông là người duy nhất trong Ủy ban Chính phủ quay trở lại Chernobyl. Do ở gần lò phản ứng hạt nhân bị nổ 4 tháng và bị nhiễm phóng xạ liều cao, V.Legasov bị khàn giọng, ho không ngớt, mất ngủ, ăn ít và ngày càng gầy đi… 

Tháng 8-1986, tại Hội nghị đặc biệt của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ở Vienna, Áo với sự tham gia của 500 chuyên gia đến từ 62 quốc gia, Viện sĩ V.Legasov trình bày bản báo cáo trong 5 giờ đồng hồ. Sau hội nghị đó, ông trở nên nổi tiếng ở châu Âu, được vinh danh là “Người đàn ông của năm” và lọt vào top 10 nhà khoa học ưu tú nhất trên thế giới. 

Tuy nhiên, vẫn có người yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông vì tiết lộ dữ liệu mật. Khi xem xét danh sách những người được đề nghị trao giải thưởng vì tham gia khắc phục hậu quả thảm họa Chernobyl, người có thẩm quyền khi đó đã gạch bỏ cái tên V. Legasov. 

Tháng 9-1986, V.Legasov bị viêm tụy, bệnh phóng xạ mức độ 4, tủy xương bị ảnh hưởng. Ngày 27-4-1988, V.Legasov đã treo cổ tự vẫn tại nhà riêng. Trong khi đó, ông phải báo cáo Chính phủ Liên Xô kết quả cuộc điều tra về nguyên nhân thảm họa Chernobyl vào ngày hôm sau. Tháng 9-1996, Viện sĩ V.Legasov được truy tặng danh hiệu Anh hùng nước Nga.