Điều gì xảy ra khi Eo biển Hormuz - "yết hầu" dầu mỏ thế giới bị bóp nghẹt?

ANTD.VN - Với vai trò được ví như “yết hầu” trên tuyến đường biển quan trọng bảo đảm tới hơn 30% lượng dầu thô và 33% lượng khí hóa lỏng của thế giới, điều gì sẽ xảy ra khi Eo biển Hormuz bị phong tỏa bởi cuộc đối đầu Mỹ-Iran?

Điều gì xảy ra khi Eo biển Hormuz - "yết hầu" dầu mỏ thế giới bị bóp nghẹt? ảnh 1Chiếm toàn bộ khu vực phía Bắc Eo biển Hormuz, Iran có lợi thế án ngữ nguồn cung dầu lửa từ Vùng Vịnh 

Ngay sau khi xảy ra vụ tấn công tàu chở dầu của Na Uy và Nhật Bản gần Eo biển Hormuz hôm 13-6, giá dầu thô đã có dấu hiệu tăng. Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 13-6, giá dầu tại Mỹ tăng 2,2% lên 52,22 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent trên thị trường Anh cũng tăng 2,2% lên 61,31 USD/thùng. 

Nhưng đó vẫn chưa phải là kịch bản tồi tệ nhất. Theo một chuyên gia của hãng RBC, giá dầu có thể tăng lên mức 60-80 USD/thùng do bất ổn ở Vùng Vịnh. Thậm chí một số chuyên gia Ngân hàng Bank of America dự báo giá dầu có thể tăng vọt lên 100 USD/thùng nếu căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang. 

Mọi mối lo đều xuất phát từ Eo biển Hormuz, vốn quan trọng ngay từ thời cổ đại. Chỉ dài 39km, điểm hẹp nhất là 33km nhưng Eo biển Hormuz có vai trò nối thông Vịnh Ba Tư với Biển Oman, rồi tới Biển Arab để đi khắp thế giới. Đây là tuyến đường thủy duy nhất để 8 nước trong khu vực Vịnh Ba Tư đi ra các vùng biển quốc tế.

Trong khi đó, Vịnh Ba Tư lại là khu vực có trữ lượng dầu khí lớn nhất toàn cầu, thậm chí còn được mệnh danh là vùng biển giàu có bậc nhất thế giới. Những nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới như Kuwait, Saudi Arabia, Qatar, Iran, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UEA) đều nằm quanh Vịnh Ba Tư và phải dùng tuyến đường biển qua Eo biển Hormuz để xuất khẩu dầu lửa. Trung bình, mỗi ngày có hàng chục tàu chở dầu khổng lồ đi qua tuyến đường thủy này.

Chiếm toàn bộ khu vực phía Bắc Eo biển Hormuz, Iran có lịch sử hàng hải hàng nghìn năm và từng thống trị Vịnh Ba Tư. Vùng nước sâu tại Hormuz lại nằm phần lớn trong lãnh hải Iran nên có thể nói không có tàu chở dầu nào đi trong khu vực này mà không phải đi qua lãnh hải của Iran. Chính vì thế, việc Mỹ đổ lỗi cho Iran tấn công 2 tàu chở dầu của Na Uy và Nhật Bản có thể dẫn đến nguy cơ đối đầu quân sự giữa Washington và Tehran, khiến tuyến đường biển qua Eo biển Hormuz bị tê liệt.

Nếu Washington gia tăng lệnh cấm vận nhằm vào Iran, nhất là trong lĩnh vực dầu lửa, Tehran có thể sẽ phản đòn bằng việc đóng cửa Eo biển Hormuz. Phó Tổng thống Iran Mohammad Reza Rahimi từng tuyên bố nếu dầu của Iran bị phong tỏa, thì “sẽ không có một giọt dầu nào lọt qua được Eo biển Hormuz”. Còn Tư lệnh Hải quân Iran thì cảnh báo: “Đóng cửa Eo biển Hormuz dễ như trở bàn tay đối với các lực lượng hải quân Iran vì Iran có quyền kiểm soát hợp pháp trên tuyến đường này”.

Trong cuộc đối đầu Mỹ - Iran, chưa biết bên nào có lợi thế. Biết rõ tầm quan trọng của Eo biển Hormuz nên Mỹ đặt Tổng hành dinh của Hạm đội 5 tại Bahrain trong Vịnh Ba Tư. Với các tàu sân bay hiện đại cùng các tàu khu trục, tàu đổ bộ, tàu hộ tống, tàu tiếp vận…, Mỹ có ưu thế hơn hẳn Iran về trang thiết bị quân sự. 

Thế nhưng, Iran lại có ưu thế về bố trí lực lượng. Nước này có 6 hòn đảo chiến lược nằm chặn lối thông từ Vịnh Ba Tư tới Biển Oman. Chúng hình thành một vòng cung và thực sự là tuyến phòng thủ của Iran chống lại khả năng xâm lược từ bên ngoài. Iran lại có trong tay các tên lửa đất đối biển có khả năng uy hiếp các tàu của Mỹ. Nếu muốn, Iran có thể đặt toàn bộ Eo biển Hormuz trong tầm bắn của tên lửa. 

Chính vì thế, Tehran tỏ ra khá tự tin trong cuộc đối đầu với Mỹ. Trong bối cảnh các nền kinh tế hàng đầu thế giới phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung dầu lửa từ Vùng Vịnh, bóp nghẹt “yết hầu” - Eo biển Hormuz sẽ khiến giá dầu lửa tăng vọt, đây chẳng khác nào hành động tự sát.