Điện Kremlin so sánh các cáo buộc của Mỹ như vụ giả bằng chứng tấn công Iraq năm 2003

ANTD.VN - Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Russia 1 vào ngày chủ nhật 16/6/2019,  ông Dmitry Peskov người phát ngôn của điện Kremlin cho biết, chiến tranh vùng Vịnh lần 2 được thực hiển bởi lực lượng đa quốc gia do Mỹ đứng đầu chống Iraq năm 2003 thực sự là bài học nhãn tiền cho những đe dọa và cáo buộc giữa lúc tình hình căng thẳng hiện nay ở Vịnh Ba Tư.

“Chúng tôi không quên lọ bột trắng đó. Chúng tôi nhớ và vì thế đã học được cách thể hiện sự kiềm chế trong mỗi phát ngôn và nhận định của mình, ông Dmitry Peskov bày tỏ.

Đại điện của điện Kremlin đã đề cập đến hình ảnh “khó quên” tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong những tháng trước khi cuộc chiến tranh Iraq nổ ra. Cố gắng biện minh cho cuộc xâm lược sắp tới của Mỹ vào đất nước Trung Đông, Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell khi đó đã trưng ra một lọ thuốc bột mầu trắng để minh họa cho sự nguy hiểm của bệnh than, một loại vũ khí sinh học mà Mỹ dùng để buộc tội chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein.

Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell giơ một chiếc lọ nhỏ mà ông nói có khả năng mang bệnh than khi trình bày với Hội đồng bảo an LHQ về bằng chứng cáo buộc Iraq tiến hành chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt (ảnh AP chụp ngày 5/2/2003)

Khi ấy, Mỹ đã một mực khẳng định rằng Iraq đang sở hữu cà phát triển vũ khí hàng loạt, gồm cả vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học, đồng thời có liên hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Dù cả Mỹ và Liên hợp quốc đều không tìm thất bất kỳ bằng chứng nào về việc này trước cuộc chiến, cũng như không hề có được sự cho phép và đồng thuận của Liên hợp quốc và các quốc gia khác, nhưng chính quyền Tổng thống Mỹ George W. Bush vẫn phát động cuộc chiếm đánh quân sự Iraq, lật đổ chính phủ Baghdad dựa trên “cái cớ” do chính mình tạo ra.

Giờ đây, với những căng thẳng đang leo thang ở vùng Vịnh, ông Peskov không ngần ngại lấy Chiến tranh vùng Vịnh lần 2 làm tín hiệu cảnh báo cho những cáo buộc có phần vội vã của Mỹ và một số nước đồng minh trong vụ tấn công hai tầu chở dầu nước ngoài ở vịnh Oman tuần trước.

Hình ảnh một trong hai con tầu bốc cháy sau vụ tấn công tuần trước trên vịnh Oman

Trước đó, Ngoại trưởng My Mike Pompeo đã viện các thông tin tình báo để cáo buộc Iran nhúng tay vào  vụ việc. Hải quân Mỹ sau đó cũng đã đưa một đoạn video được cho là hình ảnh của một tàu tuần tra Iran đang gỡ ngư lôi khỏi thân một trong những con tàu. Tehran đã kiên quyết phủ nhận mọi liên quan đến vụ việc.

Các tuyên bố và cáo buộc của Mỹ lại được sự ủng hộ của một số đồng minh như Ả Rập Saudi và Vương quốc Anh. “Chúng tôi đã thu được những tin tức tình báo và cụm từ chúng tôi sử dụng là ‘gần như chắc chắn... Chúng tôi không tin, có tổ chức khác có thể làm điều này”, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt hung hồn tuyên bố khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình BBC hôm Chủ nhật.

Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman còn thẳng thừng tuyên bố Iran tấn công các tàu chở dầu để “nhắm đến” mục tiêu là tình hình an ninh và ổn định trong khu vực.

Người phát ngôn của Kremlin, mặt khác, tuyên bố rằng chưa có bằng chứng đầy đủ nào được đưa ra để đổ lỗi cho bất cứ ai, và việc đưa ra những nhận định và cáo buộc vội vàng sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc.

Việc dựa trên các thông tin tình báo để đưa ra cáo buộc trong trường hợp này là vô lý. Những sự cố như thế thực sự có thể làm lung lay nền tảng của nền kinh tế thế giới, vì vậy bất kỳ lời buộc tội vô căn cứ nào cũng nên phải được xem xét một cách cẩn trọng.

Một số quốc gia khác, cũng như các chính trị gia, đã bày tỏ sự hoài nghi trước những động thái của Mỹ đối với Iran. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas nói rằng đoạn video được Washington chia sẻ là không đủ để đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ việc. Lãnh đạo đảng Lao động Anh, Jeremy Corbyn thì cho rằng Mỹ đã thổi phồng các cáo buộc đối với Tehran mà không có bằng chứng xác thực.