Đẩy lùi yêu sách phi lý, phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông

ANTD.VN - Mặc dù quân đội các nước đều giảm tần suất hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19), một số nước, đặc biệt là Mỹ, vẫn tăng cường hiện diện ở Biển Đông cũng như lên tiếng phản đối Trung Quốc lợi dụng Covid-19 để gia tăng hoạt động gây căng thẳng trong vùng biển này. 

Tàu USS Bunker Hill (phải) và tàu USS Barry trong đợt hoạt động ở Biển Đông, ngày 18-4

Mỹ duy trì trạng thái hoạt động quân sự cường độ cao ở Biển Đông

Theo các con số thống kê, từ đầu năm đến nay, các máy bay của quân đội Mỹ đã thực hiện 39 chuyến bay qua Biển Đông, biển Hoa Đông, Hoàng Hải và eo biển Đài Loan. Đáng nói, trong động thái hiếm hoi, các máy bay Mỹ đã 2 lần bay gần đặc khu hành chính Hồng Kông, khu vực nằm ngay sát Trung Quốc đại lục. Hải quân Mỹ trong vòng 4 tháng đầu năm nay cũng đã 4 lần thực hiện sứ mệnh tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông.

Kể từ năm 2018, quân đội Mỹ luôn duy trì trạng thái hoạt động quân sự cường độ cao ở Biển Đông. Các hoạt động tự do hàng hải, hoạt động trinh sát trên không liên tục được triển khai, hệ thống vũ khí chiến lược, vũ khí có độ chính xác cao thường xuyên ra vào khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, năm nay, số lượng và tần suất của hoạt động trinh sát, tình báo và giám sát mà Mỹ thực hiện ở Biển Đông tăng bất thường, cho dù dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành. 

Hồi tháng 4, tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry và tàu tấn công đổ bộ USS America của hải quân Mỹ đã diễn tập với một tàu hộ vệ của Australia trên Biển Đông, gần khu vực tàu thăm dò West Capella của Malaysia hoạt động. Đầu tháng 5, tàu chiến USS Montgomery và tàu tiếp vận USNS Cesar Chavez thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ cũng đã hoạt động gần tàu thăm dò West Capella của Malaysia. Gần đây nhất, ngày 12-5, tàu tấn công ven bờ USS Gabrielle Giffords (LCS 10) của hải quân Mỹ cũng có mặt ở phía nam Biển Đông. Hạm đội 7 thì triển khai 3 tàu ngầm tham gia đợt huấn luyện chiến tranh hiện đại trên biển Philippines.

Ngoài tàu chiến, theo thông báo từ Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ, 4 máy bay ném bom chiến lược B-1B cùng binh sĩ Mỹ đã được điều động tới căn cứ không quân    Andersen trên đảo Guam vào ngày 1-5. Hoạt động này được thực hiện chỉ một ngày sau khi hai máy bay ném bom B-1 khác thực hiện chuyến bay qua Biển Đông, kéo dài 32 giờ từ căn cứ không quân Ellsworth ở Nam Dakota (Mỹ) trong hoạt động nhằm “phô trương sức mạnh” của quân đội Mỹ trong khu vực.

Cả năm 2018, hải quân Mỹ đã tiến hành 5 lần hoạt động “tự do hàng hải” tiến vào khu vực 12 hải lý của các đảo đá trên Biển Đông mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép, năm 2019 là 8 lần. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm nay, con số này đã bằng một nửa mức cả năm 2019. Hoạt động của không quân Mỹ trên Biển Đông cũng tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019. 

Phản ứng trước hành động ngang ngược và bành trướng ở vùng biển chiến lược

Không chỉ gia tăng các hoạt động quân sự ở Biển Đông, Mỹ còn tích cực triển khai các hoạt động ngoại giao, lên án Trung Quốc lợi dụng Covid-19 để đẩy mạnh các hoạt động phi pháp ở Biển Đông. Trong một buổi họp báo tại Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã công khai cáo buộc Trung Quốc thực hiện “hành vi khiêu khích” nhằm gây áp lực đối với Hồng Kông, Đài Loan và bắt nạt các nước láng giềng ở Biển Đông.

Trước đó, trong bài phát biểu gây chú ý tại Trung tâm Nghiên cứu Wilson ở Thủ đô Washington, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã chỉ trích việc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa những thực thể bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép ở Biển Đông. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khẳng định Washington muốn Bắc Kinh hiểu rõ rằng không quốc gia nào có quyền tuyên bố chủ quyền phi lý trên biển, đồng thời tuyên bố Mỹ sẽ tăng cường số lượng và quy mô chiến dịch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải và sẽ tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Mới đây nhất, trong bài viết trên trang Defence Connect ngày 16-5, Đại sứ Mỹ tại Australia Arthur Culvahouse chỉ trích việc Trung Quốc cấp tập triển khai hải quân, hải cảnh và dân quân biển nhằm thúc đẩy “yêu sách giả dối” để độc chiếm Biển Đông. Ông Arthur Culvahouse tuyên bố không phải hoạt động của Mỹ, mà chính hành động hăm dọa và quân sự hóa hung hăng của Trung Quốc đã làm thay đổi thực trạng hàng hải trên Biển Đông. 

Giải thích cho các động thái trên của Mỹ, các nhà phân tích cho rằng Mỹ tăng cường phô trương sức mạnh quân sự trên Biển Đông nhằm phản ứng trước việc Trung Quốc cố tình phớt lờ những yêu cầu trước đó về việc từ bỏ các hành động ngang ngược và bành trướng ở vùng biển chiến lược, như đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi lý, xây dựng các đảo nhân tạo, quân sự hóa trái phép cũng như điều động nhóm tác chiến tàu sân bay qua Biển Đông để thị uy.

Còn theo ông Mark J. Valencia, một học giả tại Viện Nghiên cứu Biển Đông tại thành phố Hải Khẩu của Trung Quốc, việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trên Biển Đông xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố Mỹ không thể dung thứ cho sự bành trướng của Trung Quốc. Ngoài ra, sự xuất hiện liên tiếp của các tàu chiến Mỹ trên vùng biển chiến lược như Biển Đông là dấu hiệu cho thấy sự xuống cấp cơ bản của mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc.

Các đối tác và đồng minh của Mỹ cũng ngày càng lo lắng trước việc Trung Quốc tận dụng quãng thời gian dịch bệnh Covid-19 để mở rộng sự hiện diện quân sự nhằm bắt nạt các nước láng giềng ở Biển Đông. Hồi tháng 4-2020, Ngoại trưởng Australia Marise Payne đã bày tỏ lo ngại về “một loạt sự cố và hành động gần đây” ở Biển Đông, trong đó có những nỗ lực nhằm ngăn cản hoạt động phát triển tài nguyên của các quốc gia khác, tuyên bố lập các “quận hành chính” mới và vụ tàu đánh cá Việt Nam được cho là bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm.

“Trung Quốc gia tăng hoạt động gây căng thẳng trên Biển Hoa Đông và Biển Đông. Chính phủ Nhật Bản cực lực phản đối các hành vi đơn phương sử dụng sức mạnh nhằm thay đổi hiện trạng và gây căng thẳng trên Biển Hoa Đông và Biển Đông, không phù hợp với Luật Biển quốc tế hiện hành”.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono 

“Việc Trung Quốc cấp tập triển khai hải quân, hải cảnh và dân quân biển nhằm thúc đẩy “yêu sách giả dối” để độc chiếm Biển Đông. Không phải hoạt động của Mỹ, mà chính hành động hăm dọa và quân sự hóa hung hăng của Trung Quốc đã làm thay đổi thực trạng hàng hải trên Biển Đông”.

Đại sứ Mỹ tại Australia Arthur Culvahouse