Dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng giữa Mỹ - Iran

ANTD.VN - Việc Mỹ cấp thị thực cho Ngoại trưởng Iran tới Mỹ để tham gia một cuộc họp tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, trong khi Tehran cũng ngỏ ý đàm phán nếu Washington tham gia trở lại thỏa thuận hạt nhân là những dấu hiệu cho thấy căng thẳng giữa hai bên có vẻ hạ nhiệt.

Dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng giữa Mỹ - Iran ảnh 1Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif được Mỹ cấp thị thực tới New York dự họp được xem có thể là dấu hiệu của sự hạ nhiệt căng thẳng giữa Mỹ và Iran

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã phê chuẩn cấp thị thực cho người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif tới Mỹ tham dự một cuộc họp của Liên hợp quốc diễn ra tại trụ sở của tổ chức này ở thành phố New York trong tuần này. Dù việc Mỹ cấp thị thực cho Ngoại trưởng Iran tới nước này gần như là thủ tục vì ông Zarif đến New York vào ngày 15-7 để tham dự một cuộc họp của Liên hợp quốc, song trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran hiện nay thì đây vẫn là một động thái đáng chú ý bởi quyền tối hậu có đồng ý một nhà lãnh đạo nước ngoài đến Mỹ để tham dự cuộc họp của Liên hợp quốc vẫn là của chính quyền Mỹ.

Quan hệ giữa Mỹ và Iran chìm vào tình trạng căng thẳng từ tháng 5-2018 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran có tên gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015 giữa Tehran và các quốc gia khác trong nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng Đức) và tái áp đặt các lệnh trừng phạt quốc gia Trung Đông này. Quan hệ Mỹ-Iran càng xấu hơn từ 2 tháng trở lại đây khi Mỹ tăng cường sức ép nhằm ngăn chặn hoàn toàn hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, ngành kinh tế chủ lực của Iran. 

Quan hệ giữa Mỹ và Iran tiến sát lằn ranh đỏ sau vụ Iran bắn rơi máy bay do thám không người lái của Mỹ trên eo biển Hormuz ngày 20-6. Cho dù đã rút lại quyết định không kích trả đũa khi “tên lửa đã lên bệ phóng”, nhưng Tổng thống Donald Trump vẫn áp đặt nhiều lệnh cấm vận nhằm vào các quan chức hàng đầu Iran. 

Tehran cũng chẳng vừa, đáp trả Mỹ mạnh mẽ bằng việc lần lượt rút khỏi một số cam kết hạt nhân quan trọng nhất và quyết định làm giàu uranium tới độ tinh khiết 4,5%, cao hơn giới hạn 3,67% mà Tehran đã chấp nhận trong JCPOA. Phớt lờ việc Mỹ cảnh báo về “hậu quả nghiêm trọng”, Iran còn cảnh báo nước này có thể sẽ làm giàu uranium lên mức gần 20% trong thời gian tới.

Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang giữa Mỹ và Iran, những động thái như việc Mỹ cấp thị thực cho Ngoại trưởng Iran và Tehran bày tỏ sẵn sàng đàm phán nếu Washington trở lại thỏa thuận JCPOA khiến nhiều người hy vọng là những tín hiệu hạ nhiệt đáng chờ đợi. Bởi trước đó đã có thông tin là chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xem xét đưa ông Zarif vào danh sách trừng phạt. Việc cấp thị thực để ông Zarif đến Mỹ ngày 15-7 được xem là động thái phát đi tín hiệu rằng Washington vẫn còn để ngỏ cánh cửa đàm phán nhằm giải quyết mâu thuẫn với Tehran bằng con đường ngoại giao.

Trong khi đó, ngày 14-7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng tuyên bố, Tehran sẵn sàng đàm phán với Mỹ nếu Washington tham gia trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hiện nay. Ông Rouhani thậm chí còn khẳng định Iran vẫn “luôn tin tưởng vào các cuộc đàm phán” và nếu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, chấm dứt áp lực kinh tế và trở lại thỏa thuận JCPOA, Tehran cũng sẽ “sẵn sàng đàm phán với Mỹ hôm nay, ngay bây giờ và tại bất cứ nơi nào”. 

Những động thái mới nhất từ Washington và Tehran có thể là dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng, song để dấu hiệu này rõ ràng hơn và nhất là trở thành hiện thực thì đòi hỏi phải có sự xuống thang từ cả hai phía.