Đá phiến dầu, vũ khí khuynh đảo thị trường dầu của Mỹ

ANTĐ - Ngày 5-1-2015, giá dầu WTI giao tháng 2 giảm 2,65 USD xuống 50,04 USD/thùng - thấp nhất kể từ 28-4-2009. Như vậy, so với mức giá đầu năm 2014 khoảng 115 USD/thùng, giá dầu mỏ đã giảm đến 60%. 

Sự sụt giảm này được tiếp nối bởi các nhà cung cấp khác như Iraq, Kuwait, Iran vẫn không giảm sản lượng khai thác trong khi sản lượng dầu từ khu vực Tây Phi, Mỹ Latin, Mỹ và Canada tăng, Nga và Iraq xuất khẩu nhiều hơn, tình trạng giảm nhu cầu do nền kinh tế chững lại của những nước tiêu thụ dầu mỏ lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, EU... giá dầu sẽ còn tiếp tục giảm. Dự báo của các chuyên gia thị trường cho thấy dầu thô có thể giảm xuống 40 USD/thùng trong năm 2015. Sự sụt giảm giá dầu là một đòn mạnh giáng vào nền kinh tế Nga, quốc gia có tới 50% ngân sách thu từ xuất khẩu dầu và khí. Và không ai khác, cả thế giới nhìn về Mỹ, đạo diễn chính của đợt suy giảm giá dầu này. Vũ khí để khuynh đảo thị trường dầu mỏ cho những lợi ích địa chính trị và cả mục tiêu kinh tế nữa của Mỹ chính là đá phiến dầu. 

Đá phiến dầu, vũ khí khuynh đảo thị trường dầu của Mỹ ảnh 1

Đá phiến dầu là gì? 

Dầu khí hình thành từ xác các sinh vật bị chôn vùi dưới đáy biển hoặc các lớp đất đá. Nếu chúng ở sâu, bị các lớp trầm tích mới đè lên tạo nên môi trường áp suất lớn và nhiệt độ cao thì các vật chất hữu cơ này bị phân giải, hình thành dầu và khí, len lỏi trong các lớp đá có độ thấm và độ rỗng cao, và dồn về nơi có áp suất thấp hơn tạo thành các túi dầu thô và khí đốt mà con người đã khai thác trong hơn 100 năm qua. Nhưng khi ở độ sâu chưa đủ tạo ra áp suất và nhiệt độ cao và ở những lớp đá có độ thấm và độ rỗng thấp thì dầu và khí không thể tập trung vào một chỗ mà tích tụ trong các lỗ hổng nhỏ, không liên thông, nằm xen kẽ giữa các lớp đá phiến hạt mịn, người ta gọi tài nguyên này là đá phiến dầu. 

Dầu khí đá phiến có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả Nga, Trung Quốc, châu Âu, châu Phi và Nam Mỹ. Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA), trữ lượng dầu đá phiến toàn thế giới là 345 tỉ thùng, trong đó Nga là nước đứng đầu với trữ lượng 75 tỉ thùng. Tiếp sau đó là Mỹ, Trung Quốc, Argentina và Libya với trữ lượng lần lượt là 58, 32, 27 và 26 tỉ thùng. Trữ lượng khí đá phiến toàn thế giới là 206.000 tỉ mét khối. Đứng đầu trong danh sách này là Trung Quốc, theo sau là Argentina, Algeria, Mỹ và Canada với trữ lượng lần lượt là 32.000, 23.000, 20.000, 19.000 và 16.000 tỉ mét khối. Mặc dù vậy, cần nhớ rằng trữ lượng dầu đá phiến (345 tỉ thùng) chỉ chiếm 1/10 tổng trữ lượng dầu thô trên toàn thế giới và trữ lượng khí đá phiến (206.000 tỉ mét khối) chiếm khoảng 1/3 tổng trữ lượng khí đốt toàn thế giới.

Con người đã phát hiện tài nguyên này từ hàng trăm năm trước, nhưng khai thác được chúng, đặc biệt là khai thác thương mại rất khó khăn. 

Đá phiến dầu trở thành sức mạnh Mỹ

Tuy nhiên, bước sang thế kỷ 21, bằng sức mạnh khoa học kỹ thuật của mình, Mỹ đã là nước đầu tiên đi tiên phong và làm chủ công nghệ khai thác dầu khí từ đá phiến dầu. Là nước duy nhất sản xuất dầu thương mại từ đá phiến dầu, hiện Mỹ đã vượt Nga, trở thành nước sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới. Còn dầu thì từ năm 2008 đến nay, sản lượng Mỹ khai thác đã tăng đến 70%, lên mức 8,7 triệu thùng/ngày.

Theo nhiều dự đoán đáng tin cậy, trong vòng vài năm tới lượng dầu thô khai thác ở Mỹ sẽ vượt mức đỉnh 10 triệu thùng/ngày từng đạt được vào thập niên 1970 và tiếp tục có cơ qua mặt cả Nga và Ảrập Saudi thành nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới. Còn nếu tính tổng sản lượng dầu thô quy đổi - bao gồm dầu thô và các loại khí thiên nhiên dạng lỏng (natural gas liquids - NGL) - thì Mỹ đã đạt mức 11,5 triệu thùng/ngày và đã vượt qua cả Nga lẫn Ảrập Saudi lên hàng đầu thế giới vào tháng 7-2014 vừa qua, theo thống kê chính thức của Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA. Từ năm 2007-2014, sản lượng khí đá phiến của Mỹ tăng trung bình 50% mỗi năm, tương đương mức tăng từ 5% lên 36% trong tổng thị phần khí đốt. Viện Nghiên cứu McKinsey dự báo ngành công nghiệp khí đá phiến sẽ giúp GDP của Mỹ tăng bình quân 4% hàng năm, tức vào khoảng 690 tỉ đô la Mỹ.

Sự phát triển của cuộc cách mạng dầu khí đá phiến đã đem lại 2,1 triệu việc làm và đóng góp 74 tỉ đô la tiền thuế cho ngân sách của Mỹ năm 2012. Năm 2014 cũng đánh dấu mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay ở ngành dầu khí với con số khổng lồ lên đến 200 tỉ đô la với hơn 120 tỉ đô la được đầu tư vào các dự án sản xuất khí hóa lỏng. Dự báo đến năm 2020, ngành công nghiệp này sẽ đem lại cho Mỹ hơn 3 triệu việc làm, góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp và đưa nước này đến một chu kỳ kinh tế phát triển mới.

Đáng sợ hơn, với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, chi phí để sản xuất dầu khí từ đá phiến dầu mỗi ngày một giảm. Từ dự báo chi phí sản xuất dầu từ đá phiến dầu là 60 USD/thùng của năm 2014, những ngày đầu năm 2015, các tổ chức thị trường dầu mỏ đưa ra con số chi phí mới để sản xuất dầu từ đá phiến dầu tại Mỹ chỉ còn trên 12 USD/thùng. Như vậy, giá dầu thô dù có xuống tới 30 USD/thùng, Mỹ vẫn có lãi trong khai thác. Xin lưu ý, chi phí khai thác dầu của các nước OPEC khoảng 50 USD/thùng, Nga khoảng 40USD/ thùng và Việt Nam khoảng trên 50 USD/thùng.

Dù rằng việc khai thác dầu từ đá phiến có thể để lại những nguy hại lâu dài về môi trường, trong đó có việc sử dụng lượng nước ngọt khổng lồ, có thể gây mất cân bằng nước khu vực, chưa kể những vấn đề ô nhiễm trong quá trình khai thác chưa được giải quyết, tuy nhiên, Mỹ vẫn tiếp tục đẩy mạnh khai thác dầu từ đá phiến dầu. Những dữ liệu mới này cho thấy sức mạnh khủng khiếp của nền kinh tế Mỹ, đồng thời là một cảnh báo cần thay đổi định hướng phát triển kinh tế của các nước phụ thuộc vào khai thác và xuất khẩu dầu mỏ. Trong đó có Việt Nam.