Cuộc đua khí đá phiến

ANTĐ - Đích thân Thủ tướng Anh vừa lên tiếng kêu gọi người dân và các đảng phái chính trị nước này ủng hộ ngành công nghiệp khai thác khí đá phiến để giành chiến thắng trong nỗ lực cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu mà ông đánh giá là “rất khốc liệt và đầy khó khăn”.

Khai thác khí đá phiến tại Anh

Trong bài viết đăng trên nhật báo “Điện tín”, Thủ tướng Cameron khẳng định ngành công nghiệp khai thác khí đá phiến sẽ mang lại những lợi ích to lớn và lâu dài có thể bù đắp cho một số thay đổi về cảnh quan môi trường. Theo ông, đẩy mạnh khai thác khí đá phiến có thể giúp người dân Anh giảm bớt chi phí tiêu thụ năng lượng, tạo thêm nhiều việc làm và cải thiện nguồn thu ngân sách cho địa phương. 

Không phải ngẫu nhiên mà người đứng đầu nước Anh phải cổ vũ cho chủ trương đẩy mạnh việc khai thác khí đá phiến. Đá phiến là loại đá biến chất yếu có thể tách dễ dàng thành những tấm mỏng. Với cấu tạo gồm các hạt mịn, đồng nhất, đá phiến thường giàu chất hữu cơ và khí. Khí đá phiến đã được biết đến từ đầu thế kỷ XIX nhưng chỉ đến những năm 70 của thế kỷ XX, khi cuộc khủng hoảng năng lượng xảy ra, người ta mới thấy hết vai trò của khí đá phiến.

Theo ước tính của Ủy ban dầu mỏ quốc gia Mỹ, tài nguyên khí đá phiến trên toàn thế giới khoảng 460 nghìn tỉ mét khối. Trong đó Bắc Mỹ chiếm 110 nghìn tỉ mét khối (24% tiềm năng thế giới), Trung Quốc - 100 nghìn tỉ mét khối (22%), các nước thuộc Liên Xô trước đây 17,7 nghìn tỉ mét khối (3,8%). Nếu hệ số thu hồi khí trung bình từ đá phiến là 0,2, thì lượng khí đá phiến thu hồi được trên toàn thế giới sẽ khoảng 92 nghìn tỉ mét khối.

Đây là con số khổng lồ mà nếu khai thác được thì nó có thể làm thay đổi trật tự trong nền kinh tế thế giới. Chẳng hạn năm 2013, sản lượng khai thác khí sẽ cung cấp tới 40% nhu cầu khí đốt ở Mỹ, từng bước giúp nền kinh tế Mỹ thoát khỏi điểm yếu chí tử là phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài. 

Ngược lại, Arập Xêút - nước xuất khẩu dầu lửa hàng đầu thế giới lại đang lo sốt vó bởi nhu cầu dầu và khí đốt trên thế giới có thể giảm đi do nhiều nước có thể khai thác khí đá phiến. Hoàng tử Alwaleed bin Talal của Arập Xêút đã cảnh báo nền kinh tế nước này có thể bị hủy diệt bởi sự phát triển mạnh mẽ của ngành khai thác dầu từ đá phiến sét và khí đốt ở Mỹ.

Với trữ lượng 100 nghìn tỉ mét khối và hiện đang khai thác khoảng 3,4 tỉ mét khối mỗi năm, Trung Quốc coi mình đang sở hữu một vũ khí năng lượng và kinh tế mới để hoàn toàn thoát khỏi sự lệ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu trong bối cảnh giá năng lượng luôn ở mức cao. Còn Nga thì lại lo rằng nhu cầu dầu lửa và khí đốt từ số khách hàng truyền thống châu Âu sẽ sụt giảm, đồng nghĩa với việc “con bài” năng lượng của Nga cũng hết thời. 

Một cuộc chạy đua giành ưu thế trong cuộc cách mạng khí đá phiến đang nổi lên mà ai cũng muốn giành phần thắng. Điều đó giải thích tại sao chính phủ Anh sẵn sàng áp dụng cơ chế thuế “hào phóng” nhất thế giới, giảm mức thuế đánh vào lợi nhuận của doanh nghiệp năng lượng từ 62% xuống 30% nhằm khuyến khích hoạt động thăm dò khí đá phiến. Các công ty khai thác khí đá phiến của Anh cũng sẵn sàng trả 100.000 bảng (160.000 USD) cho cộng đồng dân cư gần mỏ khí, và trích thêm 1% lợi nhuận thu được khi mỏ đi vào hoạt động. Mỹ, Trung Quốc, Nga cũng đang lao vào cuộc đua đầy hấp dẫn này.