Cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung: Đất hiếm liệu có trở thành ‘quân bài tẩy’?

ANTD.VN - Hơn 10 ngày sau chuyến khảo sát nhà máy sản xuất đất hiếm ở tỉnh Giang Tây của Chủ tịch Tập Cận Bình, truyền thông nước này bắt đầu đề cập tới khả năng Bắc Kinh sử dụng "quân bài" đất hiếm để "trả đũa" Mỹ trong cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, đây không phải là "quân bài" dễ chơi, dù Trung Quốc chiếm hơn 90% sản lượng đất hiếm toàn cầu mỗi năm.

Đất hiếm - miếng đánh hiểm của Trung Quốc?

Sau vụ việc cấm điện thoại Huawei ngày 15-5-2019 và yêu cầu mọi giao dịch giữa Huawei và các doanh nghiệp phần cứng Mỹ phải có sự chấp thuận từ chính phủ, chính quyền dưới thời Tổng thống Donald Trump còn đưa thêm một danh sách dài những sản phẩm Trung Quốc phải chịu thuế nặng hơn. Tuy nhiên, cả danh sách ban đầu và danh sách “dọa dẫm” của ông Trump đều không có món hàng đất hiếm, thứ được sử dụng để làm từng chiếc iPhone cũng như hệ thống dẫn đường tên lửa của quân đội Mỹ.

Ngày 20-5, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phát đi hình ảnh Chủ tịch Tập Cận Bình dưới sự tháp tùng của Phó Thủ tướng Lưu Hạc đi thị sát tình hình phát triển của ngành đất hiếm của tỉnh Giang Tây. Sở dĩ thông tin nêu trên được dư luận quan tâm chú ý rộng tãi chủ yếu là do gần đây xuất hiện nhiều lời kêu gọi sử dụng đất hiếm như một "quân bài" mặc cả với Mỹ trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình viếng thăm một mỏ đất hiếm ở tỉnh Giang Tây (Nguồn. Xinhua)

Ngày 29-5 vừa qua, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng bài xã luận nhấn mạnh, Mỹ không nên đánh giá thấp khả năng chiến đấu của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại.

Về vấn đề đất hiếm, bài xã luận cho rằng, không khó để trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc có sử dụng loại khoáng sản này để trả đũa trong chiến tranh thương mại. Cũng bàn về vấn đề này, Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu, phụ san dưới sự quản lý của Nhân dân Nhật báo đã viết trên Twitter cá nhân rằng, nước này đang "nghiêm túc" cân nhắc việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ và cũng có thể triển khai các biện pháp trả đũa khác.

Một mỏ đất hiếm của Trung Quốc (Nguồn: Bloomberg)

Thống kê cho thấy, Trung Quốc hiện chiếm khoảng 90% thị phần trên thị trường đất hiếm toàn cầu. Tuy nhiên, việc dùng đất hiếm để "trả đũa" Mỹ xem ra khó đáp ứng được kỳ vọng của phía Trung Quốc bởi vì:

Thứ nhất, nhu cầu đối với các sản phẩm đất hiếm của các doanh nghiệp Mỹ quả thực rất lớn, song vấn đề là rất nhiều doanh nghiệp ngành chế tạo của Mỹ đã chuyển cơ sở sản xuất ra ngoài nước Mỹ. Cho nên, Mỹ gần như không còn nhu cầu nhập khẩu các nguyên tố đất hiếm. Theo thống kê của hải quan Trung quốc, trong năm 2018, lượng nhập khẩu đất hiếm của Mỹ chỉ chiếm 3,8% tổng lượng xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc, thấp hơn cả Nhật Bản, Ấn Độ, Italia và Tây Ban Nha.

Thứ hai, Mỹ không thiếu mỏ đất hiếm. Thống kê cho thấy trữ lượng đất hiếm của Mỹ chiếm 15% thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc. Nếu khai thác tất cả 87 mỏ đất hiếm của mình, Mỹ có thể đáp ứng nhu cầu thương mại về đất hiếm của thế giới trong 280 năm. Vấn đề ở chỗ khai thác, phân tách và chuyển hóa đất hiếm ảnh hưởng lớn tới môi trường. Vì lý do này, năm 2002, Mỹ đã dừng khai thác mỏ đất hiếm Mountain Pass lớn nhất đất nước, chuyển sang nhập khẩu đất hiếm từ Trung Quốc.

Thứ ba, trữ lượng đất hiếm hiện nay của Trung Quốc tuy vẫn đứng đầu thế giới, nhưng do Trung Quốc đang cung cấp khoảng 90% nhu cầu đất hiếm hàng năm của thế giới nên trong những năm gần đây, trữ lượng đất hiếm của nước này đã giảm mạnh. Vào thời kỳ đầu, Trung quốc chiếm 71,1% trữ lượng đất hiếm của toàn thế giới, nhưng tới năm 2012 chỉ còn chiếm 23% và tới năm 2018, tỷ lệ này xuống dưới 20%. Điều đó có nghĩa là, sức mạnh của "quân bài" đất hiếm trong tay Trung Quốc ngày càng suy giảm. Ngay ở Trung Quốc cũng có học giả cho rằng, đất hiếm "khó" có thể trở thành "quân át chủ bài" trong chiến tranh thương mại với Mỹ.

Giải mã về đất hiếm

Đất hiếm là nguyên tố không thể thiếu của ngành công nghiệp điện tử, đây cũng là thứ tài nguyên được khai thác rất nhiều tại Trung Quốc bằng một quá trình độc hại, ảnh hưởng vô cùng nặng nề tới môi trường.

Kim loại đất hiếm là một nhóm 17 nguyên tố khác nhau, chúng xuất hiện trong pin, thiết bị chuyển pha điện, nam châm và vô vàn thứ linh kiện điện tử khác. Năm 2018, Cục Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính rằng, hành tinh này có 120 triệu tấn “đất hiếm”, bao gồm chủ yếu 44 triệu tấn ở Trung Quốc, 22 triệu tấn ở Brazil và 18 triệu tấn ở Nga.

Một nhà máy ở Nội Mông, Trung Quốc (Nguồn: Shutterstock)

Trong vỏ Trái Đất, lượng đất hiếm không hề ít, thế nhưng nó thường xuất hiện trong tự nhiên dưới dạng hợp chất, vì thế phải qua quá trình xử lý quặng, tách chất thì mới có đất hiếm để sử dụng. Quá trình này không phức tạp, nhưng ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe người công nhân và tới môi trường xung quanh các mỏ, các trung tâm xử lý quặng. Nó có tên là "đất hiếm" vì lý do này.

Như vậy, dù đất hiếm có thể trở thành một quân bài trả đũa Mỹ của Trung Quốc, nhưng nó khó có thể đóng vai trò quyết định trong cuộc chiến thương mại hiện nay, bởi: (1) Mỹ-Trung có một số mâu thuẫn lớn trong đàm phán thương mại, nhưng đất hiếm không nằm trong số đó. (2) Tuy nhiều năm trước, Mỹ lệ thuộc vào nhập khẩu đất hiếm từ Trung Quốc, nhưng đây không phải là nước duy nhất cung cấp đất hiếm cho Mỹ. Mỹ có thể tìm nguồn cung cấp thay thế nên đất hiếm không "có cửa" để đóng vai trò "con tạo xoay vần" trong chiến tranh thương mại. Nếu Trung Quốc quả thực muốn sử dụng "quân bài" này, trong ngắn hạn có thể có chút tác dụng, nhưng về tổng thể chỉ khiến tình hình trở nên xấu thêm.