Cứng rắn với chiến thuật "bàn chân sói" trên Biển Đông

ANTD.VN - Indonesia đang tăng cường cảnh giác, đồng thời có những động thái thể hiện sự đáp trả mạnh mẽ với việc Trung Quốc đang có dấu hiệu thò “bàn chân sói” để đòi hỏi chủ quyền phi lý theo “đường lưỡi bò 9 đoạn” vào vùng đặc quyền kinh tế của mình ở Biển Đông.

Cứng rắn với chiến thuật "bàn chân sói" trên Biển Đông ảnh 1Tổng thống Indonesia Joko Widodo tới thăm tàu hải quân trong chuyến thị sát đảo Natuna đang là điểm nóng trong quan hệ với Trung Quốc

Liên tục leo thang

Tổng thống Indonesia Joko Widodo khi tới thăm quần đảo Natuna ngày 8-1 đã nhấn mạnh chủ quyền của Indonesia đối với quần đảo này. Phát biểu tại quần đảo đang là “điểm nóng” trong quan hệ với Trung Quốc, Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh: “Natuna là một phần lãnh thổ của Indonesia, không có gì phải bàn cãi, nghi ngờ về điều này. Không có chuyện thương lượng về chủ quyền của chúng tôi". 

Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Joko Widodo đến thăm quần đảo Natuna, hơn nữa là chuyến thị sát thứ 4 của người đứng đầu Nhà nước Indonesia và là chuyến thị sát đầu tiên kể từ khi ông bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai vào tháng 10-2019 vừa qua. Những chuyến thị sát liên tục đến quần đảo Natuna của Tổng thống Joko Widodo diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang có những động thái “nhòm ngó” chủ quyền của Indonesia tại vùng biển ở phía Nam Biển Đông.

Trung Quốc sau khi chính thức công bố yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” (còn gọi là “đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn”) đòi chủ quyền phi lý đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông đã ngày càng có những động thái hung hăng để hiện thực hóa tham vọng độc chiếm vùng biển này. Cụ thể, nước này đã ráo riết bồi đắp những đảo đá, rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị họ chiếm đóng trái phép thành những đảo nổi nhân tạo - căn cứ quân sự nhằm làm bàn đạp đòi chủ quyền ở Biển Đông theo yêu sách phi pháp.

Gần đây nhất, việc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 hoạt động trái phép suốt hơn 3 tháng, từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10-2019, ở khu vực bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam cho thấy Bắc Kinh leo lên một nấc thang mới trong tham vọng đòi chủ quyền ở Biển Đông. Không chỉ có các hành vi vi phạm chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc còn đang gia tăng các hoạt động để đòi chủ quyền ở các vùng biển phía Nam Biển Đông, trong đó có việc “quấy nhiễu” trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia như Malaysia và Indonesia. 

Đáng lo ngại là việc các tàu hải cảnh cỡ lớn của Trung Quốc trong 2 tuần qua đã hộ tống hàng chục tàu cá vỏ sắt của nước này xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở vùng biển phía Bắc quần đảo Natuna. Đây được xem là hành động đầy toan tính của Trung Quốc nhằm thực hiện chiến thuật “bàn chân sói”, từng bước leo thang và mở rộng đòi hỏi chủ quyền phi lý đối với các vùng biển phía Nam Biển Đông.

Những biện pháp cứng rắn

Chính phủ Indonesia đã lập tức cáo buộc Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của mình, đồng thời tuyên bố sẽ không bao giờ công nhận “đường 9 đoạn” do Trung Quốc đơn phương vạch ra trên Biển Đông và không được luật pháp quốc tế công nhận, đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Indonesia khẳng định rằng vùng đặc quyền kinh tế của nước này đã được xác định theo luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982, đồng thời nhấn mạnh rằng, là một bên ký kết công ước này, Trung Quốc có nghĩa vụ tôn trọng và thực thi.

Cùng với những tuyên bố mạnh mẽ, Indonesia còn triển khai những động thái đầy cứng rắn để phản ứng, răn đe nhóm tàu cá Trung Quốc với sự hộ tống của các tàu hải cảnh cỡ lớn xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của mình. Một ngày trước chuyến thị sát quần đảo Natura của Tổng thống Joko Widodo, quân đội nước này đã triển khai 4 máy bay chiến đấu F-16 tới căn cứ không quân Raden Sadjad trên đảo Natuna.

Ngoài ra, theo báo chí Indonesia, Indonesia đã điều 8 tàu hải quân tới tuần tra tại vùng biển Natuna, đồng thời triển khai hàng trăm tàu cá từ đảo Java tới hoạt động tại vùng biển này để khẳng định chủ quyền. Tư lệnh Quân đội Indonesia, Nguyên soái Hadi Tjahjanto ngày 8-1 đã ra lệnh Hải quân nước này “đuổi bất kỳ tàu nước ngoài nào xâm nhập trái phép vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia”.