Chủ quan có thể phải trả giá đắt trong dịch Covid-19

ANTD.VN - Việc tuân thủ nghiêm yêu cầu cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đã giúp chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, hạn chế tối đa các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Song nếu chủ quan rằng dịch bệnh đã bị khống chế, không tiếp tục thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội có thể phải trả giá rất đắt, thậm chí khiến dịch tái bùng phát.

Chủ quan có thể phải trả giá đắt trong dịch Covid-19 ảnh 1Việc người dân ra đường đông hơn có thể phá vỡ sự chỉ đạo về cách ly xã hội - biện pháp hết sức quan trọng để phòng chống Covid-19

Giãn cách xã hội góp phần giúp kiểm soát dịch bệnh

Các số liệu về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) mà Bộ Y tế công bố những ngày qua củng cố thêm niềm tin rằng nếu tuân thủ nghiêm các chỉ đạo, yêu cầu và mỗi người dân đều đồng lòng chung sức phòng chống dịch thì chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được dịch Covid-19.

Theo Bộ Y tế, trong ngày 9-4, Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số bệnh nhân lên 255 ca, trong khi các trường hợp bệnh nhân Covid-19 được chữa trị khỏi, ra viện là 2 người, đưa tổng số người được điều trị khỏi, ra viện là 128 người, chiếm hơn 50% tổng số ca bệnh.

Đây là ngày thứ tư liên tiếp chúng ta ghi nhận các ca mắc Covid-19 mới chỉ khoảng 1-4 trường hợp trong 24 giờ, giảm khá mạnh so với khoảng trên dưới 10 trường hợp mắc mới khi mới bước vào giai đoạn 2 phòng chống dịch Covid-19. Trong một tuần qua, từ ngày 1 đến 7-4, cả nước ghi nhận 31 trường hợp mắc Covid-19 mới. Số ca mắc trong tuần chỉ bằng 42% so với tuần trước đó (từ ngày 25 đến ngày 31-3).

Đặc biệt, theo thông báo vào sáng 9-4, Bộ Y tế cho biết không có thêm ca bệnh Covid-19 mới ghi nhận trong sáng cùng ngày. Như vậy, với việc chiều 8-4 cũng không có ca nhiễm Covid-19 mới nào, đây là lần đầu tiên trong 1 tháng qua, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới Covid-19 trong vòng 24 giờ.

Việc các ca nhiễm Covid-19 có xu hướng giảm ở nước ta thời gian qua là kết quả của những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt và đúng đắn của Đảng và Nhà nước cùng sự sự ủng hộ, chấp hành nghiêm của tuyệt đại đa số người dân. Trước hết, việc tổ chức cách ly mọi trường hợp nhập cảnh đã giúp chúng ta khoanh vùng, bao vây, dập dịch Covid-19 do các nguồn lây nhiễm từ bên ngoài. 

Tính tới hiện nay, cả nước ta có 159 trường hợp mắc Covid-19 là những người từ nước ngoài vào (người Việt Nam trở về hoặc người nước ngoài vào nước ta), chiếm hơn 60% tổng số ca bệnh. Phần lớn những người này đã được cách ly ngay từ khi nhập cảnh, nên hạn chế được đáng kể khả năng lây lan ra cộng đồng.

Trong các ca mắc Covid-19 trong nước, đa phần là liên quan tới hai “ổ dịch” tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và quán bar Buddha (TP Hồ Chí Minh). Cho tới hiện nay, chúng ta về cơ bản đã khống chế, ngăn chặn được các trường hợp lây lan liên quan tới ổ dịch này. Tại cuộc họp chiều 8-4 của Ban chỉ đạo phòng chống dịch, bệnh Covid-19 của thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã cho biết, ông cảm thấy "nhẹ nhõm phần nào" với những số liệu đã tổng kết được, có thể nói đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. 

Một trong những biện pháp rất quan trọng giúp chúng ta kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19 là Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội. Có thể nói Chỉ thị với nguyên tắc “gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh”, “mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết”, “giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp”; “không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng”… đã mang tính chất quyết định chặn đứng chuỗi lây lan của virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19.

Kiên quyết chấn chỉnh, tránh tâm lý chủ quan, lơi lỏng

Tuy nhiên, bước sang tuần thứ hai thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 về những biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 đã xuất hiện những dấu hiệu chủ quan rất đáng lo ngại, nhất là khi những ca nhiễm bệnh mới có xu hướng được kiềm chế. Ghi nhận thực tế tại các thành phố và khu đô thị trên cả nước cho thấy đã có hiện tượng người dân ra đường đông hơn, không tuân thủ giữ cự ly giãn cách tối thiểu 2m; nhiều trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng…

Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, những ngày đầu người dân thành phố thực hiện khá tốt Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên, những ngày gần đây, người dân ra đường và tới các khu vực công cộng có nhiều hơn. Ông yêu cầu cầu, các quận huyện tăng cường kiểm tra, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, cố gắng từ nay đến 15-4 thực hiện nghiêm cách ly xã hội, để đảm bảo dịch bệnh không lây lan ra cộng đồng.

Bày tỏ lo ngại trước hiện tượng người dân ra đường và đi tập thể dục đông hơn trong tuần thứ hai thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho rằng, điều này nếu tiếp diễn sẽ "phá vỡ những chỉ đạo". Trong trường hợp này xảy ra, người đứng đầu chính quyền thành phố cho rằng: "Nếu như vậy, rất dễ rơi vào trường hợp như của Singapore, đến nay họ phải thiết quân luật".

Tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 diễn ra ngày 8-4, Bộ Công an cho biết, 1-2 ngày qua đã xuất hiện tình trạng người dân ra khỏi nhà nhiều hơn dù đang trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về cách ly xã hội. Do vậy, Bộ Công an cho rằng, phải kiên quyết chấn chỉnh, tránh tâm lý chủ quan, lơi lỏng. 

Số các ca mắc bệnh Covid-19 giảm hơn so với trước hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta đã có thể kiểm soát và khống chế được dịch bệnh. Trên thực tế, những trường hợp các ca bệnh số 237, 243, 251… và đặc biệt là chưa tìm ra được ca bệnh F0 tại “ổ dịch” Bệnh viện Bạch Mai, cho thấy vẫn đang tiềm ẩn những nguy cơ lớn do chưa thể xác định và khoanh vùng các nguồn lây nhiễm bệnh.

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp như như hiện nay, việc giãn cách xã hội rất quan trọng. Vì khi có ca lây nhiễm trong cộng đồng, nếu không giãn cách xã hội sẽ không biết ai là người đang nhiễm và không biết đâu là nguồn bệnh. Lúc này có thể chưa ghi nhận nhiều ca lây lan trong cộng đồng nhưng điều đó không có nghĩa là dịch bệnh giảm mà có thể có ca mắc Covid-19 song không biết.

Vì thế, vị Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam PGS Trần Đắc Phu khuyến cáo, giai đoạn này người dân tuyệt đối không được chủ quan, đặc biệt tuân thủ cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để ngăn chặn nguy cơ người bệnh lây sang người lành thông qua tiếp xúc và ngược lại. Ông nêu rõ, chỉ khi người này không lây cho người kia, gia đình này không lây gia đình khác, xã này không lây cho xã khác… mới tiến tới khống chế được dịch bệnh Covid-19.