"Chìa khóa" giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19 hiệu quả là ý thức tuân thủ cách ly

ANTD.VN - Theo Báo Korea Herald, từ ngày 1-4, Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu áp dụng lệnh cách ly 14 ngày đối với tất cả những người nhập cảnh trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19).

"Chìa khóa" giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19 hiệu quả là ý thức tuân thủ cách ly ảnh 1Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 tới Bệnh viện trường Đại học Quốc gia Kyungpook ở Daegu, Hàn Quốc

Do lượng người nhập cảnh vào Hàn Quốc rất lớn, điều này đòi hỏi ý thức của mỗi người trong việc tuân thủ lệnh cách ly để đảm bảo biện pháp giãn cách xã hội phát huy hiệu quả. Cụ thể, không phân biệt điểm xuất phát, quốc tịch hoặc thời hạn lưu trú, tất cả những người nhập cảnh vào Hàn Quốc đều phải tự cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú thường xuyên. Những người nhập cảnh trong thời gian ngắn không có nơi cư trú cố định sẽ được cách ly tại cơ sở do Nhà nước chỉ định và phải trả phí.

Bắt đầu từ ngày 1-4, tất cả hành khách nhập cảnh vào Hàn Quốc bắt buộc phải tuân thủ cách ly 14 ngày. Đối với những người không đến từ khu vực châu Âu và Mỹ được khuyến cáo tự cách ly tại nhà; những người do không có nơi ở cố định ở Hàn Quốc mà phải sử dụng cơ sở cách ly do Nhà nước chỉ định sẽ phải chi trả mức phí khoảng 100.000 Won/ngày (tương đương 82 USD). Hàn Quốc đã áp đặt yêu cầu cách ly tập trung bắt buộc tại cơ sở do nhà nước chỉ định đối với hành khách đến từ khu vực châu Âu từ ngày 22-3 vừa qua. Riêng hành khách đến từ Mỹ nếu không có triệu chứng được khuyến cáo tự cách ly tại nhà trong 14 ngày (kể từ khi nhập cảnh) kể từ ngày 27-3.

Lệnh cách ly bắt buộc được đưa ra vào thời điểm số lượng ca dương tính với virus SARS-CoV-2 đến từ nước ngoài tăng mạnh. Theo số liệu thống kê mới nhất, trung bình mỗi ngày Hàn Quốc đón khoảng 7.000 người nhập cảnh và số lượng người thuộc diện “tự cách ly” được cho là sẽ cán ngưỡng 10.000 người trong 2 tuần tới. Hiện đã có khoảng 14.000 người đang tự cách ly dưới sự giám sát của chính quyền địa phương. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với Chính phủ trong việc đảm bảo giám sát được quá trình tự cách ly những đối tượng trên một cách triệt để nhất.

Để đảm bảo được việc giám sát, các quan chức y tế và chính quyền địa phương được lệnh giữ liên lạc hàng ngày với những người đang tự cách ly trong khu vực mình quản lý theo hình thức 1-1 nhằm nắm được việc tuân thủ lệnh tự cách ly, cũng như nắm rõ tình trạng sức khỏe liên quan đến các triệu chứng Covid-19. Chính phủ Hàn Quốc cho rằng mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát tốt bởi những người thuộc diện tự cách ly đã được yêu cầu tải và kích hoạt phần mềm giám sát trên điện thoại thông minh, qua đó mọi biến động của người dùng đều được theo dõi chặt chẽ.

Nếu họ di chuyển ra khỏi khu vực đã được khoanh vùng, một cảnh báo sẽ được gửi đến các quan chức y tế hoặc chính quyền địa phương có liên quan. Tuy nhiên, hiện một số chính quyền địa phương lo ngại hoạt động giám sát sẽ không thể tiến hành tốt nếu số người thuộc diện tự cách ly lên tới 100.000 người.

"Chìa khóa" giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19 hiệu quả là ý thức tuân thủ cách ly ảnh 2Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Trạm xét nghiệm lưu động ở Sân bay quốc tế Incheon, Hàn Quốc

Trong số khoảng 100.000 người vừa nhập cảnh Hàn Quốc trong 2 tuần qua, có khoảng từ 10.000 đến 15.000 người nước ngoài. Theo đó, Chính phủ đã tính đến việc thay đổi chính sách cho phép người nước ngoài cũng như công dân Hàn Quốc nhập cảnh được xét nghiệm và điều trị có trả phí. Mặt khác, việc vi phạm lệnh tự cách ly đang có dấu hiệu gia tăng, khiến nỗ lực chống dịch gặp khó khăn. Nếu Chính phủ Hàn Quốc mất kiểm soát số lượng người nhiễm bệnh từ nước ngoài nhập cảnh, khả năng tái bùng phát dịch Covid-19 ở nước này là điều khó tránh khỏi.

Trong bối cảnh trên, việc siết chặt các biện pháp giám sát là cần thiết. Chính phủ Hàn Quốc cũng cần cân nhắc đến việc yêu cầu những người vi phạm bồi thường thiệt hại cùng với những hình phạt đã định sẵn. Bên cạnh đó, ý thức của những người nhập cảnh cũng đóng vai trò quan trọng, phải đảm bảo việc tuân thủ những hướng dẫn về biện pháp tự cách ly để giữ an toàn cho tất cả mọi người. Để ứng phó một cách hiệu quả với sự bùng nổ đã được dự báo về số lượng người thuộc diện tự cách ly, sự chủ động hợp tác của chính họ và ý thức của người dân là cần thiết hơn bao giờ hết.

Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 vượt ngưỡng 10.000 người

Ngày 3-4, Hàn Quốc đã ghi nhận số ca nhiễm mới ngày thứ 22 ở mức trên dưới 100 (89 ca nhiễm mới) nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc vượt ngưỡng 10.000 ca, tỷ lệ khỏi bệnh tăng đều từng ngày trong khi số ca bệnh “nhập khẩu” vẫn tiếp tục được bổ sung. Với 42 ca nhiễm mới, tổng số ca nhiễm ở khu vực Thủ đô Seoul và vùng phụ cận đã tăng lên thành 1.119 người.

Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy tính tới 10h (giờ địa phương) ngày 3-4 với 89 ca mới được phát hiện, số ca mắc Covid-19 ở Hàn Quốc đã lên 10.062 người. Số ca tử vong là 174, trong đó trên 50% là bệnh nhân trên 80 tuổi và có ít nhất một bệnh nền từ trước. Số bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn là 193, nâng tổng số lên 6.021 người, chiếm 59,8%. Hiện vẫn còn hơn 60 trường hợp trong tình trạng nguy kịch.

Singapore: Ngày 3-4, Chính phủ Singapore tuyên bố sẽ đóng cửa hầu hết các công sở từ ngày 7-4 và tất cả các trường học từ ngày 8-4 nhằm phòng tránh nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19. Các dịch vụ thiết yếu như cửa hàng thực phẩm, siêu thị, cơ sở y tế, ngân hàng... vẫn sẽ hoạt động bình thường. Thủ tướng Lý Hiển Long gọi các biện pháp mới này là một “cầu dao tổng” nhằm ngăn chặn từ đầu trước khi dịch bệnh bùng phát ngoài tầm kiểm soát.

Nhật Bản: Ngày 3-4, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định trợ cấp 200.000 Yen (khoảng 1.850 USD) tiền mặt cho mỗi hộ gia đình bị giảm thu nhập vì tác động của dịch Covid-19. Hãng tin Kyodo cho biết chương trình hỗ trợ tiền mặt là một trụ cột chính của gói hỗ trợ kinh tế khẩn cấp mà Chính phủ Nhật Bản dự kiến hoàn thiện trong tuần tới. Theo đó, khoảng 10 triệu hộ gia đình ở Nhật Bản sẽ đủ tiêu chuẩn để nhận khoản trợ cấp đặc biệt này.

Nga: Tổng thống Nga V.Putin đã ký Sắc lệnh yêu cầu thiết lập quy định đặc biệt về hoạt động đi lại của người dân cũng như các phương tiện giao thông trên cả nước nhằm ngăn dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 lây lan. Sắc lệnh yêu cầu chính quyền các khu vực đưa ra quy định đặc biệt, cũng như đảm bảo thực hiện các biện pháp hạn chế khác để ngăn chặn dịch Covid-19. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với các phương tiện giao thông vận tải liên vùng. Trước đó, Tổng thống V.Putin đã thông báo kéo dài thời hạn “ngày không làm việc” cho tới ngày 30-4 để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Anh: Thủ tướng Anh Boris Johnson cam kết sẽ tăng mạnh số trường hợp xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trong bối cảnh Anh đã 2 ngày liên tiếp ghi nhận hơn 500 ca tử vong mỗi ngày. Theo ông Boris Johnson, xét nghiệm là cách ứng phó hiệu quả trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Chính phủ Anh hiện đang chịu áp lực triển khai xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trên diện rộng, đặc biệt là đối với những nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch. Trước đó, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết đến nay đã có 5.000 trong tổng số 500.000 nhân viên của Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) của nước này được xét nghiệm, đồng thời đặt mục tiêu thực hiện 100.000 xét nghiệm/ngày trong những tuần tới.

Ecuador: Tại Ecuador, Chính phủ nước này cho biết đang xây dựng một “trại đặc biệt” dành cho các nạn nhân tử vong do Covid-19 tại thành phố Guayaquil lớn nhất nước này, trong bối cảnh thành phố đang thực thi lệnh giới nghiêm 15 giờ và các nhà tang lễ tạm dừng hoạt động. Ecuador là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19 tại Mỹ Latinh. Theo số liệu chính thức, đến nay nước này đã ghi nhận 3.163 ca mắc Covid-19, trong đó có 120 ca tử vong.

Brazil: Giới chức thành phố Rio de Janeiro của Brazil đã bắt đầu xây dựng một bệnh viện dã chiến ở khuôn viên sân vận động Maracana nổi tiếng thế giới - 1 trong 8 địa điểm được chính quyền Rio de Janeiro lựa chọn làm nơi xây bệnh viện dã chiến, nhằm đối phó với số bệnh nhân mắc Covid-19 tăng nhanh chóng. Hiện Brazil đã ghi nhận hơn 8.000 bệnh nhân mắc Covid-19 với 327 ca tử vong. Bang Rio là nơi có số ca mắc bệnh nhiều thứ hai Brazil, sau Sao Paulo.