"Cảnh báo đỏ" về chất lượng thị trường lao động toàn cầu

ANTD.VN - Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) của Liên hợp quốc vừa công bố báo cáo cho thấy, dù nền kinh tế thế giới duy trì được đà tăng trưởng khiêm tốn nhưng tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm 2018 và người lao động sẽ gặp khó khăn hơn khi tìm một công việc chất lượng. 

"Cảnh báo đỏ" về chất lượng thị trường lao động toàn cầu ảnh 1Công nhân làm việc theo dây chuyền lắp ráp xe ô tô của Hãng Volkswagen tại nhà máy ở Wolfsburg, Đức

Báo cáo của ILO có tên “Việc làm của thế giới và Triển vọng xã hội: Những xu hướng năm 2018” đã nghiên cứu các xu hướng việc làm và xã hội trên thế giới, đồng thời phân tích sự biến đổi mang tính cơ cấu và những tác động đối với lĩnh vực này trong tương lai. Báo cáo dự báo tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu năm 2018 ở mức 5,5%, giảm nhẹ so với 5,6% của năm 2017.

Số liệu tích cực này có được là do dự báo kinh tế thế giới tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khả quan từ năm ngoái. Tuy nhiên, ILO cũng đồng thời đưa ra “cảnh báo đỏ” về chất lượng của thị trường lao động toàn cầu khi mà cách mạng công nghệ 4.0 hay sự phát triển như vũ bão của trí tuệ nhân tạo cũng là một thách thức không nhỏ đối với cơ hội việc làm.

Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder nhấn mạnh, một thực tế đáng lo ngại là nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa tạo ra được đủ công ăn việc làm tốt, có khả năng đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Theo ông Guy Ryder, vấn đề cốt lõi nằm ở thực trạng dư thừa “việc làm thứ cấp”, trong đó người lao động không được ký hợp đồng lao động chính thức hoặc  người làm thuê được hưởng rất ít hoặc thậm chí không được hưởng chế độ bảo trợ xã hội nào, không có thêm các điều khoản đãi ngộ trong hợp đồng lao động. 

Thực tế khảo sát của các chuyên gia ILO cho thấy, kể từ sau những tiến bộ các nước đạt được trong việc giảm số “việc làm thứ cấp”, từ năm 2012 đến nay, tình trạng này chưa có thêm biến chuyển, nếu không nói là bắt đầu quay trở lại. Thực trạng việc làm không chính thức rất đáng lo ngại tại các nước đang phát triển khi có tới 3/4 lao động làm các công việc như vậy.

Còn theo nhà kinh tế Stefan Kühn của ILO, tác giả phụ trách báo cáo trên, tại các quốc gia đang phát triển, tiến triển trong nỗ lực giảm bớt tình trạng có việc làm nhưng vẫn cực nghèo quá chậm, không theo kịp lực lượng lao động ngày một gia tăng.

Số người lao động sống trong cảnh cực nghèo dự kiến tiếp tục ở trên mức 114 triệu người trong những năm tới, ảnh hưởng tới 40% tổng số người có việc làm trong năm 2018. Trong khi đó, tình trạng có việc làm song vẫn nghèo, tức là lao động sống với thu nhập trong khoảng 1,9-3,1 USD/ngày, còn phổ biến, ảnh hưởng tới 430 triệu lao động tại các nước mới nổi và đang phát triển trong năm 2017. 

Báo cáo cũng xem xét ảnh hưởng của tình trạng già hóa dân số. Tốc độ tăng trưởng của lực lượng lao động toàn cầu sẽ không đủ để bù đắp cho số người về hưu đang tăng nhanh. Độ tuổi lao động trung bình trên thế giới dự kiến sẽ tăng từ mức chưa tới 40 tuổi trong năm 2017 lên 41 tuổi trong năm 2030.

Theo nghiên cứu của ILO, ngoài thách thức mà lượng người về hưu gia tăng gây ra cho hệ thống lương hưu, lực lượng lao động ngày càng già nua sẽ làm giảm năng suất lao động cũng như làm chậm tốc độ điều chỉnh thị trường lao động sau các cú sốc kinh tế.  

Theo số liệu của Tổ chức phi chính phủ Oxfam, có tới 82% số tài sản toàn cầu trong năm ngoái thuộc về người giàu, vốn chỉ chiếm 1% dân số thế giới. Trước thực trạng trên, Tổng Giám đốc ILO cho rằng việc nới rộng các lợi ích tăng trưởng kinh tế vẫn là ưu tiên hàng đầu. Do đó, cần thêm nhiều những nỗ lực để đảm bảo lợi nhuận kinh tế được phân bổ một cách công bằng.