Cải cách để nắm cơ hội lớn do EVFTA mang lại

ANTD.VN - Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới xóa gần 99% thuế quan giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), EVFTA mang lại cơ hội lớn song thách thức cũng không nhỏ với nước ta, nhất là trong bối cảnh gặp khó khăn trên thị trường thế giới cũng như dịch Covid-19.

Cải cách để nắm cơ hội lớn do EVFTA mang lại ảnh 1Dệt may là một mặt hàng chủ lực có lợi thế khi EVFTA có hiệu lực song cũng chịu những thách thức cạnh tranh khi vào EU

Kết nối với thị trường hàng đầu thế giới

Sau khi được Nghị viện châu Âu chính thức thông qua, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chỉ còn chờ Hội đồng châu Âu và Quốc hội nước ta thông qua là có hiệu lực thi hành, mở ra những cơ hội lớn được ví như “tuyến cao tốc” thương mại và đầu tư lớn giữa Việt Nam và thị trường EU có hơn 500 triệu dân và GDP hơn 18.000 tỷ USD. Là khu vực có sức mua cao hàng đầu thế giới, song thị trường EU cũng hết sức “khó tính”, đòi hỏi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam muốn tiếp cận phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe thì mới tận dụng được những lợi ích của EVFTA mang lại.

EVFTA giúp kết nối Việt Nam tới một không gian thị trường rộng lớn, có tiềm năng hàng đầu trên thế giới cả về tài chính, công nghệ, thị trường... Lợi ích với Việt Nam có thể lượng định, đó là EU sẽ ngay lập tức dỡ bỏ 85,6% số dòng thuế, giúp tăng năng lực cạnh tranh cho 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường hiện có 27 quốc gia thành viên.

Việc Việt Nam xóa bỏ 48,5% dòng thuế (tương đương với 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU vào Việt Nam) sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất, giảm giá hàng hóa, dịch vụ, khơi thông một dòng chảy mới về thương mại giữa chúng ta với một thị trường có sức mua lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ. Điều này tạo điều kiện cho cả người dân trong nước và châu Âu có thể tiếp cận những hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, giá rẻ.  

Với sự tham gia của các đối tác châu Âu, Việt Nam hy vọng giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ của những công đoạn sản xuất tại Việt Nam sẽ tăng lên… Bên cạnh đó, nỗ lực vươn tới những chuẩn mực hàng đầu quốc tế về quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp, lao động, môi trường… cũng giúp tạo ra xung lực mới cho chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam cũng như các doanh nghiệp.

EVFTA khi đi vào cuộc sống cũng sẽ giúp Việt Nam có điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới vào thị trường chung EU. Đây hiện là một trong số thị trường xuất khẩu lớn của chúng ta với kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt gần 41,5 tỷ USD và nhập khẩu đạt gần 15 tỷ USD. Do EVFTA có nội dung chủ yếu là xóa bỏ hàng rào thuế quan nên có tới gần 100% số hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này sẽ có thuế suất bằng 0%.

Với EVFTA, cơ cấu sản phẩm, hàng hóa giữa EU và Việt Nam không trực tiếp đối kháng cạnh tranh mà trái lại còn bổ sung cho nhau. Những mặt hàng truyền thống và có thế mạnh của Việt Nam được tiếp thêm sức mạnh bởi thuế suất bằng 0% hoặc rất thấp sẽ “rộng đường” vào  EU, nhất là trong bối cảnh các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang gặp khó khăn ở một số thị trường lớn khác, hay những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Đồng thời, có cơ hội nhập về những sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm xuất xứ cũng như các yêu cầu theo thông lệ và quy định khắt khe từ EU. 

Theo giới kinh tế,  EVFTA sẽ mang lại lợi ích vượt trội cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: Dệt may, giày dép, hàng nội thất, đồ da, nông sản… vốn là những mặt hàng đã có bề dày hơn 20 năm xuất khẩu sang thị trường EU và doanh nghiệp Việt đã có kinh nghiệm nhất định. Ngoài ra, khi đã xuất khẩu được vào thị trường khó tính như EU thì hàng hóa Việt Nam cũng thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu vào tất cả các thị trường còn lại trên thế giới bởi đó là tấm “giấy thông hành” rất có giá trị.

Cải cách để nắm cơ hội lớn do EVFTA mang lại ảnh 2Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu chủ lực có thêm cơ hội lớn khi EVFTA có hiệu lực

Tiếp tục cải cách sâu rộng thể chế

Thế nhưng, để nắm bắt tốt nhất cơ hội mở ra từ EVFTA, nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với hàng loạt thách thức cần vượt qua. EVFTA sẽ đặt ra cho nước ta và các doanh nghiệp hàng loạt thách thức, trong đó có việc thực thi các cam kết về các vấn đề thể chế, chính sách pháp luật sau đường biên giới, môi trường kinh doanh...

Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đòi hỏi chúng ta phải gia tốc những nỗ lực, nâng cấp nền tảng năng lực cạnh tranh của chính mình về mô hình kinh doanh, về chiến lược, quản trị, nhân lực, chất lượng hàng hóa và dịch vụ theo tiêu chuẩn châu Âu. Không có nền tảng là năng lực cạnh tranh bền vững thì không thể hội nhập thành công. Trong khi đó, các doanh nghiệp phải tìm, phải hiểu về các cam kết, thách thức, cơ hội liên quan đến ngành, lĩnh vực của mình để định vị lại mình và phải hành động ngay, phải tái cấu trúc các thị trường, bạn hàng, nguồn cung ứng... để tận dụng các cơ hội mà các cam kết mở ra. 

Để để vượt qua khó khăn, tận dụng lợi thế của “cao tốc thương mại” EVFTA tiến vào thị trường EU, điều mang tính cốt lõi là cải cách thể chế sâu, rộng hơn để mở không gian phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt. Nếu ví EVFTA là tuyến “đường cao tốc” thì những thể chế trong nội địa là những đường nội đô, nội thị, những đường gom, nên chỉ khi tất cả những con đường nhánh này thông thoáng, cỗ xe kinh tế Việt Nam mới có thể tăng tốc, tận dụng cơ hội sang EU cũng như ra thị trường thế giới.