Boeing 737 MAX dừng bay trên toàn cầu: Cơ hội lớn cho máy bay Trung Quốc

ANTD.VN - Sau hai vụ tai nạn máy bay liên tiếp có liên quan đến Boeing 737 MAX trong vòng chưa đầy 5 tháng, dòng máy bay này đã bị cấm bay ở hàng loạt các nước trên thế giới. Đây chính là cơ hội cho máy bay sản xuất tại Trung Quốc, dù con đường phát triển còn rất gập ghềnh. 

Boeing 737 MAX bị cấm bay ở nhiều nước

Theo VNE, quyết định cấm Boeing 737 MAX hoạt động của các nước đưa ra sau vụ máy bay của hãng Ethiopian Airlines gặp nạn khi đang trên hành trình tới Nairobi, Kenya, khiến toàn bộ 157 người trên phi cơ thiệt mạng.

 Máy bay Boeing 737 MAX 7. Ảnh: AP Photo/Elaine Thompson

"Chúng tôi quyết định đình chỉ ngay lập tức hoạt động của các máy bay Boeing 737 MAX 8, cấm dòng phi cơ này bay đến và đi, hoặc quá cảnh tại Malaysia tới khi có thêm thông báo", ông Ahmad Nizar Zolfakar, giám đốc điều hành Cơ quan Hàng không Dân dụng Malaysia cho hay.

Ông lưu ý thêm rằng "có hai vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng liên quan tới Boeing 737 MAX 8 trong chưa đầy 5 tháng", ngụ ý đến chuyến bay ET302 của hãng Ethiopian Airlines gặp nạn hôm 10-3 gần thủ đô Addis Ababa, Ethiopia và chuyến bay JT610 của Lion Air rơi xuống biển Java, Indonesia hồi cuối tháng 10-2018.

Theo VTC, đến ngày 14-3, hàng loạt nước có động thái quyết liệt với dòng máy bay 737 MAX của Boeing, ngay cả Mỹ cũng thông báo sẽ ngừng khai thác tất cả các dòng máy bay Boeing MAX 8 và MAX 9.

Số máy bay 737 Max Boeing của các hãng hàng không trên toàn cầu. Đồ hoạ: Boeing

Trước Mỹ, hàng loạt các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Mông Cổ, Ethiopia, Argentina, Ấn Độ, Brazil, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố ngừng khai thác tất cả máy bay dòng 737 Max của Boeing.

Trong khi đó, Anh, Singapore, Australia, Malaysia, Đức, Pháp, Oman, Canada và Iraq quyết định mạnh tay hơn khi cấm toàn bộ dòng máy bay Boeing 737 MAX hoạt động trong không phận của mình.

Dấu hiệu tương đồng từ 2 vụ rơi máy bay

Thông tin trên Báo Thanh niên cho biết, Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã ra thông cáo cho hay, cơ quan này chỉ đạo dừng tất cả chuyến bay sử dụng Boeing 737 MAX của các hãng hàng không Mỹ hoặc hãng khác trên không phận Mỹ. Quyết định dựa trên kết quả thu thập dữ liệu cũng như phân tích những bằng chứng mới và hình ảnh dữ liệu vệ tinh vừa được tinh chỉnh. “Việc dừng bay sẽ áp dụng để phục vụ điều tra, bao gồm xem xét thông tin từ các thiết bị ghi dữ liệu bay cũng như ghi âm buồng lái”.

Cũng theo FAA, quyết định dừng bay còn được đưa ra dựa trên nhiều yếu tố tương đồng giữa 2 vụ rơi Boeing 737 MAX 8 gần đây. Trước tai nạn tại Ethiopia mới đây, chiếc Boeing 737 MAX 8 của Hãng hàng không Lion Air (Indonesia) rơi xuống biển Java chỉ 13 phút sau khi cất cánh từ Jakarta vào ngày 29-10-2018 khiến toàn bộ 189 người thiệt mạng. Theo FAA, các dữ liệu theo dõi từ vệ tinh cùng chứng cứ tại hiện trường cho thấy có mối liên hệ về chuyển động của 2 máy bay gặp nạn.

Giới lãnh đạo Lion Air từng phát biểu rằng trước tai nạn ở Indonesia, hãng từng phát hiện 4 chuyến bay khác có cảm biến cung cấp thông tin sai lệch khiến máy bay chúi mũi khi ở chế độ lái tự động. Các phi công trong chuyến bay gặp nạn đã không dừng được lệnh này.

Trước đó, khi thông báo về việc cấm Boeing 737 MAX hoạt động trong không phận, Bộ trưởng Giao thông Canada Marc Garneau cũng cho rằng có sự tương đồng trong dữ liệu của 2 máy bay rơi. Đài CNN dẫn nguồn từ Cơ quan Hàng không dân dụng Trung Quốc phân tích rằng hai chiếc đều mới được đưa vào hoạt động và sự cố cùng xảy ra trong lúc cất cánh.

Cơ hội cho máy bay “made in China”

Theo Flight Global, hiện Boeing đã giao 385 chiếc 737 Max cho các khách hàng, trong đó 344 chiếc là Max 8. Sau vụ tai nạn máy bay 737 Max ở Ethiopia, cổ phiếu Boeing đã giảm 13% xuống còn 365,88 USD. Đà giảm này khiến vốn hoá của nhà sản xuất máy bay Mỹ bốc hơi hơn 30 tỷ USD chỉ sau ba ngày.

Giữa "tâm bão cấm bay" của Boeing 737 Max, các hãng hàng không còn một nhà sản xuất khác để lựa chọn ngoài Airbus, là Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC), theo nhận định của Bloomberg.

Quả thật, COMAC đang phát triển mẫu máy bay thân hẹp C919 với sức chứa khoảng 170 hành khách. Hãng này định vị, C919 là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các mẫu Boeing 737 Max 8 và Airbus A320 neo. Đây là một phần trong tham vọng xây dựng ngành công nghiệp hàng không và phá vỡ thế độc quyền của các nhà sản xuất phương Tây của Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình.

Máy bay phản lực C919 do Trung Quốc chế tạo hoàn thành chuyến bay thử nghiệm lần thứ 3. Nguồn: New China TV

COMAC bắt đầu các chuyến bay thử nghiệm C919 hai năm trước. Doanh nghiệp Trung Quốc cho biết, đã nhận 815 đơn đặt hàng từ 28 hãng bay, trong đó có cả GE Capital Aviation Services.

Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở C919. COMAC đang hợp tác với United Aircraft trụ sở tại Moskva để phát triển mẫu máy bay thân rộng CR929 có khả năng bay các chặng dài như từ Bắc Kinh tới New York. Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc cũng đang phát triển một loạt máy bay, gồm thân rộng, động cơ tuabin cánh quạt, phi cơ cá nhân, trực thăng, thuỷ phi cơ...

Tháng 11 năm ngoái, COMAC cho biết, thị trường hàng không Trung Quốc sẽ nhận thêm 9.000 máy bay và đạt giá trị 1.300 tỷ USD trong hai thập kỷ tới. "Các dòng máy bay một lối đi như 737 và C919 sẽ chiếm hai phần ba trong số này", nhà sản xuất Trung Quốc cho hay.

Hiện COMAC xây dựng một trung tâm đào các nhân viên, trong đó có kỹ sư, tiếp viên để phục vụ cho C919 và CR929. "Họ đang thực hiện một lúc 4,5 hoặc 6 việc một lúc", Marc Szepan - giảng viên về kinh doanh quốc tế tại Oxford Business School nhận định.

Năm ngoái, thị trường Trung Quốc đóng góp 14% vào tổng doanh thu của nhà sản xuất máy bay Mỹ. Tuy nhiên, chính Trung Quốc cũng nóng lòng muốn chia miếng bánh hàng không béo bở khi nỗ lực ra đời C919. Việc này khiến cả Airbus và Boeing lâm vào tình thế khó xử, khi "khách hàng lớn nhất lại muốn trở thành đối thủ lớn nhất", Michael Goldberg - nhà phân tích tại Bain & Company từng nhận xét.

Dù cực quyết tâm và giàu tham vọng, đường cất cánh của máy bay "Made in China" vẫn còn rất gập ghềnh. Hiện tại, cả hai mẫu C919 và ARJ21 đều chưa được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấp chứng nhận. Đây cũng là điều kiện cốt yếu giúp các máy bay này hoạt động tại bầu trời châu Âu.