Báo động trước hành động phô trương sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc Trung Quốc tiến hành tập trận trên Biển Đông từ ngày 1 đến 5-7 tại khu vực biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang khiến dư luận lo ngại bởi những tác động tiêu cực của nó với việc giải quyết các tranh chấp ở vùng biển này. 

Báo động trước hành động phô trương sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông ảnh 1Đội tàu của Trung Quốc tham gia tập trận ở Biển Đông

Mỹ, Philippines phản đối cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc

 Ngày 2-7, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ra tuyên bố phản đối cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuyên bố nêu rõ: “Bộ Quốc phòng quan ngại về quyết định của Trung Quốc tiến hành tập trận quân sự xung quanh quần đảo Hoàng Sa tại Biển Đông từ ngày 1 đến 5-7”. Nhấn mạnh cuộc tập trận này là diễn biến mới nhất trong một loạt hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định tuyên bố lãnh hải bất hợp pháp và làm tổn hại các nước láng giềng Đông Nam Á trên Biển Đông, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá hành động của Trung Quốc đi ngược với cam kết không quân sự hóa Biển Đông cũng như tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng việc tiến hành tập trận quân sự tại Biển Đông là phản tác dụng đối với các nỗ lực xoa dịu căng thẳng và duy trì bình ổn, làm bất ổn thêm tình hình tại vùng biển này. Chính vì thế, cùng với việc kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và không có các hoạt động quân sự có thể làm trầm trọng thêm các tranh chấp trên Biển Đông, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình với hy vọng Trung Quốc sẽ hạn chế hành vi quân sự hóa và ép buộc các nước láng giềng trên Biển Đông.

Cũng trong ngày 2-7, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã lên tiếng cảnh báo việc Trung Quốc tiến hành tập trận tại Biển Đông có thể gây căng thẳng trong khu vực và ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng. Phát biểu tại một diễn đàn an ninh ở Thủ đô Manila của Philippines, ông Delfin Lorenzana nhấn mạnh việc Trung Quốc tập trận ở Biển Đông sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo với tất cả những bên liên quan. 

Phân tích hành động gây lo ngại của Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho rằng “Người Trung Quốc có thể tập trận trong vùng nước, trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ”. Tuy nhiên, ông Delfin Lorenzana khẳng định nếu Bắc Kinh đi quá giới hạn, Manila sẽ “gióng hồi chuông báo động” tới toàn khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cũng tái khẳng định sự phản đối về kế hoạch thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Trung Quốc tại Biển Đông.

Liên quan đến vấn đề này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã phản ứng với việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đồng thời khẳng định việc làm này “đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho quy trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiện nay giữa ASEAN và Trung Quốc, và việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”.

Hành động phô trương sức mạnh

Đây không phải là lần đầu tiên Hải quân Trung Quốc tiến hành diễn tập ở Biển Đông, cả ở vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Hồi tháng 3-2020, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc từng mô tả: “Với các tàu mặt nước, tàu ngầm và máy bay chiến đấu, cuộc tập trận bắn đạn thật đã thử nghiệm hơn 20 khoa mục, bao gồm phòng không, chống tàu, chống tàu ngầm, tấn công trên bộ, điều hướng hạm đội và công tác chính trị thời chiến”. 

Đánh giá các cuộc tập trận thể hiện một đặc tính mới của Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông là đa chiều, với các tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu phối hợp, Thời báo Hoàn Cầu tuyên bố rằng các cuộc tập trận cho thấy Trung Quốc “có thể kiểm soát và bảo vệ hiệu quả vùng biển này”.

Về mặt công khai, Trung Quốc khẳng định các cuộc tập trận này nhằm đáp lại việc Mỹ tăng cường hoạt động ở Biển Đông. Tuy nhiên, các chuyên gia trên cơ sở mổ xẻ từ nhiều góc độ cho rằng mục đích của các cuộc tập trận mà Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông xuất phát từ âm mưu độc chiếm vùng biển này. Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là “đường 9 đoạn”, đồng thời không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông. 

Chính vì thế, theo ông Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cuộc diễn tập ở khu vực quần đảo Trường Sa mà Hải quân Trung Quốc tiến hành mang hàm ý mới nhằm phô trương sức mạnh để khẳng định những tuyên bố chủ quyền đơn phương. Còn chuyên gia hải quân Bryan Clark thuộc Học viện Hudson (trụ sở ở Washington, Mỹ) thì nhận định có vẻ việc tập trận của Hải quân Trung Quốc liên quan tới an ninh hoặc chiếm giữ đảo ở Biển Đông. Mục đích của việc này là “chứng minh cho các quốc gia Đông Nam Á khác rằng Trung Quốc có thể đến và đuổi họ ra khỏi đảo”.

Ông Bryan Clark còn cảnh báo một mối nguy hiểm khác là “các cuộc tập trận của Trung Quốc không đơn thuần mô phỏng một cuộc tấn công vào các lực lượng quân sự khác, mà là sử dụng quân đội tương tự như hành động của cảnh sát để trấn áp tình trạng bất ổn dân sự tiềm tàng”. Trước đó, thế giới đã biết tới chiến lược “vùng xám” của Trung Quốc, khi nước này lợi dụng lực lượng tàu cá, dân quân biển để cưỡng bức và ngăn chặn việc khoan dầu hay quấy rối ngư dân... các nước trong khu vực. Chiến thuật này không sử dụng lực lượng quân sự nhưng vẫn dựa trên cơ sở áp đặt bằng sức mạnh.

 Còn nhà báo Philippines Javad Heydarian thì nhận định: “Các cuộc diễn tập hải quân ngày càng hung hăng của Trung Quốc được nhiều người coi như một nỗ lực khai thác thế suy yếu của Mỹ để bảo đảm lợi thế mới trong các điểm nóng”.

Bộ Quốc phòng Mỹ: Trung Quốc tập trận “gây bất ổn hơn nữa” cho tình hình Biển Đông

Bộ Quốc phòng Mỹ vừa ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về quyết định của Trung Quốc tiến hành tập trận quanh quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông từ ngày 1 đến 5-7-2020. Tuyên bố phát đi ngày 2-7 (tức sáng 3-7 giờ Hà Nội) nêu rõ, việc Trung Quốc tập trận sẽ “gây bất ổn hơn nữa” tình hình ở Biển Đông. 

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, cuộc tập trận là diễn biến mới nhất trong một loạt hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định những tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp và gây tổn hại cho các nước láng giềng Đông Nam Á của Trung Quốc ở Biển Đông. “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và không triển khai các hành động quân sự có nguy cơ làm trầm trọng thêm các tranh chấp ở Biển Đông”, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.