Bangladesh cứu trợ cư dân khu nhà thổ lớn nhất thế giới

ANTD.VN - Gần 1.500 phụ nữ và trẻ em gái đang sống chen chúc trong khu nhà thổ Daulatdia ở Bangladesh. Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, cơ quan chức năng đã tổ chức cứu trợ cho phụ nữ ở Daulatdia nhưng dường như không thể đủ.

Bangladesh cứu trợ cư dân khu nhà thổ lớn nhất thế giới ảnh 1Cư dân nhà thổ Daulatdia ở Bangladesh nhận hàng cứu trợ hôm 14-5

Lúc 14 tuổi, Nodi đã bị lừa bán vào Daulatdia, một trong những nhà thổ lớn nhất thế giới. Khi đó, cô đi tìm chồng nghe nói là đang đánh bạc ở khu vực miền Đông Bangladesh. Nodi gặp một người lái xe đề nghị giúp đỡ, nhưng hóa ra hắn ta là một tay cò mồi, bán cô cho một tú bà trong khu nhà thổ Daulatdia. “Tôi đã bị lừa, sau đó mắc kẹt ở đây”, Nodi cho biết.

Khi chồng và gia đình Nodi phát hiện chuyện đã xảy ra, họ không muốn giải cứu cô vì xấu hổ. Hơn 10 năm sau, thời điểm Bangladesh bị phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của virus Covid-19, người phụ nữ 25 tuổi này đang phải đối mặt với một vấn đề mới: đói.

Mất cơ hội “hành nghề”

Vào cuối tháng 3-2020, Bangladesh đã áp dụng lệnh phong tỏa trên toàn quốc để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, vốn đã lây nhiễm cho hơn 36.000 người ở nước này, trong đó có hơn 520 người tử vong. Khi các doanh nghiệp và mạng lưới giao thông bị đóng cửa, các nhà thổ cũng ngừng hoạt động, không có khách hàng nào được phép vào. Từ năm 2000, mại dâm được hợp pháp hóa ở Bangladesh, nhưng nó bị nhiều người coi là vô đạo đức.

Thông thường, khoảng 3.000 nam giới là khách hàng thường xuyên của khu nhà thổ này mỗi ngày. Nhiều người trong số họ lái xe tải hoặc người lao động công nhật ghé thăm Daulatdia do vị trí đắc địa của nó bên cạnh một nhà ga và bến phà trên sông Padma, một kênh chính nối với sông Hằng.        

Từ chiều muộn trở đi, gái nhà thổ Daulatdia đứng quanh những ngõ hẹp đón đàn ông đi qua. Sau khi đàm phán hoàn tất, khách hàng bước vào một trong những căn phòng nhỏ, thường bao gồm một chiếc giường sáng màu và một tủ nhỏ hoặc tủ quần áo. Những người đàn ông trả ít nhất 2 USD cho một lần được phục vụ và khoảng 20 USD cho một đêm ở lại.

“Trước đây tôi có thể kiếm 20 USD/ngày, có ngày tới 60 USD nhưng giờ không có gì”, Nodi nói. Mỗi gái mại dâm ở đây phải trả tiền hàng ngày cho các tú bà, tầng lớp trung gian của hơn một chục chủ sở hữu khu đất này. Khi các cô gái được “cò” đưa đến, họ buộc phải trả khoản nợ 200-300 USD tiền cho môi giới.

Bangladesh cứu trợ cư dân khu nhà thổ lớn nhất thế giới ảnh 2Gần 1.500 phụ nữ đang sống trong khu nhà thổ chật chội và ngột ngạt ở Daulatdia 

Chỉ mong đại dịch mau qua

Một nghiên cứu năm 2018 do tổ chức phi lợi nhuận Hiệp hội Phát triển Con người và Môi trường (SEHD) công bố cho thấy, khoảng 80% trong số 135 gái mại dâm được khảo sát cho biết họ bị lừa hoặc là nạn nhân của bọn buôn người. “Các điều kiện trong nhà thổ rất kinh khủng. Không ai muốn đến trừ khi họ bị tra tấn hoặc lạm dụng”, ông Philip Gain, Giám đốc SEHD cho biết.

Một số phụ nữ gửi con đến sống nhờ nhà người thân hay các nhà tạm trú bên ngoài nhà thổ vì họ không muốn con họ sống trong cảnh nhà thổ. Nodi nói rằng cô không liên lạc với con trai mình, hiện 11 tuổi, sống cùng với chồng cũ của cô ở Dhaka. “Đó là cách tốt hơn. Chúng tôi muốn con cái tránh xa để chúng có thể trở thành người tốt”, Nodi nói.

Trong một buổi phát hàng cứu trợ tại Daulatdia hôm 14-5, hàng trăm phụ nữ chen lấn trong mưa để có thể mang về túi gạo được phát chẩn. Mặc dù ở Daulatdia không có trường hợp Covid-19 nào, nhưng quá trình này không còn giữ được quy định về giãn cách xã hội. Trước đó, hôm 28-3, chính quyền địa phương đã phát gạo và dung dịch diệt khuẩn cho hơn 1.300 phụ nữ. Thủ tướng Sheikh Hasina cũng đã trợ cấp cho 200 phụ nữ nghèo nhất khoản tiền 30 USD thông qua chuyển khoản thanh toán di động.

Morjina Begum, Giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện Mukti Mohila Samity (nghĩa là Hiệp hội Giải phóng phụ nữ) cho biết, chính phủ, cảnh sát và các tổ chức phi chính phủ địa phương đã tổ chức cứu trợ cho phụ nữ ở Daulatdia. Mặc dù vậy, nguồn viện trợ không thể đủ. Gần 1.500 phụ nữ và trẻ em gái đang sống chen chúc trong khu đất giống như khu ổ chuột, với những con hẻm ngóc ngách, mất vệ sinh. Qua thống kê, nơi này có khoảng 500 trẻ em, trong đó 300 trẻ dưới 6 tuổi. “Tình hình nếu còn tiếp tục, trẻ em sẽ chết vì đói. Chúng tôi cầu nguyện rằng virus sẽ biến mất”, Nodi bày tỏ.