Bắc Cực: Trụ cột của nền kinh tế Nga trong tương lai

ANTD.VN - Ngày 6-5-2019, Mỹ tuyên bố sẽ tăng cường tiềm năng quân sự tại Bắc Cực nhằm khẳng định vai trò cường quốc của mình, đồng thời lớn tiếng đả kích Trung Quốc và Nga tại khu vực. Tuy nhiên, Nga vẫn là nước đang chiếm ưu thế lớn tại Bắc Cực, triển khai bước đi chiến lược để củng cố tiềm lực. Theo giới chuyên gia, do sự ấm lên của Trái Đất, băng tại Bắc Cực sẽ tan hết vào năm 2050, khi đó nó sẽ là khu vực quyết định tương lai của nước Nga.

Tài nguyên ẩn giấu

Ngay từ thời Liên Xô, nguồn tài nguyên giàu có của Bắc Cực đã được quan tâm. Liên Xô là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện nghiên cứu, thăm dò các mỏ dầu ở Bắc Cực. Theo các chuyên gia, Bắc Cực sẽ trở thành trụ cột thực sự đối với nền kinh tế Nga với giá trị tương đương 11% GDP và 22% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tại đây, không chỉ có các nguồn nguyên liệu hóa thạch, mà còn có nhiều mỏ kim loại quý như niken, coban, đồng, vàng, kim cương và các khoáng chất khác. Dầu khí là một nguồn tài nguyên quan trọng đối với Nga, ước tính tại Bắc Cực có khoảng 90 tỷ thùng dầu và 47 nghìn tỷ mét khối khí, trong đó chủ yếu tập trung trong vùng đặc quyền kinh tế của Nga với khoảng 48 tỷ thùng và 43 tỷ mét khối khí, tương đương 14% dầu và 40% khí đốt của Nga.

Việc nghiên cứu và khai thác nguồn tài nguyên dầu khí khổng lồ tại Bắc Cực là ưu tiên số một của Nga hiện nay trước sự suy giảm đáng kể sản lượng khai thác trong lãnh thổ. Mục tiêu của Nga là khai thác 30% sản lượng dầu khí cả nước vào năm 2050. Những khó khăn do các lệnh trừng phạt của Mỹ/phương Tây đã thúc đẩy Nga tăng sản lượng khai thác mỏ khí gas Yamal LNG Arctic LNG-2 trên bán đảo Gydan.

Bắc Cực: Trụ cột của nền kinh tế Nga trong tương lai ảnh 1

Dự án khí đốt Yamal LNG là một thành tựu đáng chú ý của Nga tại khu vực Bắc Cực (Nguồn: Sputnik)

Các dự án khai thác sẽ đưa cổ phần của Nga trên thị trường khí đốt thế giới từ 4% hiện nay lên khoảng 20% vào năm 2035 với giá trị hơn 30 tỷ USD mỗi năm. Các dự án năng lượng là một phần của tầm nhìn rộng hơn về sự phát triển vùng cực Bắc của Nga.

Sau khi xác định biên giới quốc gia trong khu vực Bắc Cực năm 2014, chính quyền Nga đã đưa ra chương trình cấp nhà nước về tăng trưởng kinh tế - xã hội với việc xây dựng hệ thống hậu cần chung và liên kết tiềm năng Bắc Cực với phần còn lại của Nga, bao gồm việc hình thành một mạng lưới các khu vực hỗ trợ xác định giá trị chiến lược sẽ được phát triển với các dự án cơ sở hạ tầng khác nhau. Để thực hiện các dự án trên, Nga phải mất nhiều năm; hiện chính phủ Nga đã phân bổ 82 tỷ USD ngân sách đến năm 2024 để triển khai.

Chính sách của nước Nga đối với Bắc Cực

Sau sự suy giảm sức mạnh của quân đội Liên Xô, số phận chiến lược của Bắc Cực đi theo những thăng trầm của một cường quốc. Với bài phát biểu tại Murmansk năm 1987, Chủ tịch M. Gorbachov đã đề xuất biến Bắc Cực thành một khu vực hòa bình không có vũ khí hạt nhân, hạn chế các hoạt động quân sự và cùng hợp tác khai thác các tài nguyên, tự do đi lại cho các tàu nước ngoài theo tuyến hàng hải phương Bắc (NSR).

Tuy nhiên, năm 1991, Liên Xô bị sụp đổ, ý tưởng của Gorbachov đã không thực hiện được, khiến Bắc Băng Dương tiếp tục là khu vực cạnh tranh giữa các cường quốc như thời Chiến tranh Lạnh, mặc dù một số dự án hợp tác quốc tế đã được thực hiện.

Những năm 1990 chính quyền liên bang Nga mới thành lập, ít chú ý đến khu vực phía Bắc. Mỹ cho rằng, Nga không có đủ phương tiện để duy trì sự hiện diện quân sự trước đây và phát triển các khu vực Bắc Cực. Các khoản tài chính giảm dần và các căn cứ quân sự khác nhau bị bỏ hoang, các khu dân cư giảm khoảng 1/3. Lưu lượng trên NSR cũng giảm mạnh với lượng hàng hóa vận chuyển giảm từ 6,6 triệu tấn năm 1987 còn 1,65 triệu tấn vào năm 1996.

Tuy nhiên, chính sách của Nga đã thay đổi kể từ năm 2000, khi Tổng thống V. Putin lên nắm quyền. Chính quyền của ông Putin đã khẳng định chính sách nhất quán của Nga đối với Bắc Cực và đưa ra khái niệm an ninh với nhiệm vụ đẩy nhanh sự phát triển nền kinh tế của khu vực phía Bắc và phía Đông của Liên bang Nga.

Đối với Nga, mọi hoạt động tại khu vực Bắc Cực đều liên quan chặt chẽ tới lợi ích của an ninh quân sự và lực lượng Hải quân Nga phải thực hiện các nhiệm vụ răn đe chống lại các mối đe dọa xâm lược và sự kiểm soát ở biên giới; các khu vực hàng hải ở Bắc Cực phải được đảm bảo để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Bắc Cực: Trụ cột của nền kinh tế Nga trong tương lai ảnh 2

Nga tích cực hiện diện quân sự để khẳng định ưu thế tại Bắc Cực (Nguồn: Sputnik)

Nga đã yêu cầu Liên hợp quốc công nhận sườn núi Lomonosov là lãnh thổ của Nga, do dãy núi này có sự tiếp nối của thềm lục địa Siberia, yêu cầu của Nga đã làm tăng cơ sở pháp lý quốc tế cho những hoạt động quân sự và khai thác tài nguyên trên một khu vực rộng lớn ở Bắc Cực. Trong khu vực này, Nga sẽ không chấp nhận vai trò hỗ trợ của phương Tây và sẽ quản lý lợi ích của mình theo cách tốt nhất.

Năm 2008, với chính sách Bắc Cực đến năm 2020, bên cạnh việc tái khẳng định nhu cầu bảo vệ biên giới và lợi ích kinh tế của mình, Nga vẫn tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và cùng tồn tại hòa bình trong khu vực. Vấn đề này được các nhà lãnh đạo của Nga tiếp tục khẳng định trong những năm tiếp theo mà không đề cập một cách rõ ràng tới cuộc xung đột với NATO có thể xảy ra.

Bắc Cực: Trụ cột của nền kinh tế Nga trong tương lai ảnh 3

Dự án tàu phá băng nguyên tử của Nga

Nhưng các sự kiện năm 2014 và căng thẳng trong quan hệ Nga - Mỹ đã thúc đẩy Nga cần phải bảo vệ các lãnh thổ và lợi ích của liên bang bằng các biện pháp quân sự. Hạm đội phương Bắc của Nga được thành lập dường như để phục vụ nhiệm vụ trên.

Tháng 4-2014, Tổng thống Putin đã khẳng định về một sự "va chạm lợi ích" ngày càng thường xuyên ở Bắc Cực, và Nga cần thiết phải "thực hiện nhiều biện pháp hơn nữa" để chống lại bất kỳ mối đe dọa bên ngoài nào, vì vậy, Nga đã quyết định bảo vệ Bắc Cực bằng mọi giá, hướng đến một tương lai an toàn hơn cho đất nước.

Bên cạnh đó, với ý chí quyết tâm của lãnh đạo nước Nga, Tổng thống V. Putin đã ban hành một số học thuyết và sắc lệnh nhằm cụ thể hóa chính sách đối với khu vực Bắc Cực, ví dụ như Học thuyết hàng hải (năm 2015), Chiến lược Bắc Cực (năm 2017), sắc lệnh tháng 5 (năm 2018), và mới đây, tháng 2-2019, ông V. Putin đã ký sắc lệnh đổi tên "Bộ Phát triển Viễn Đông" thành "Bộ Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực" nhằm cụ thể hóa quản lý của nhà nước đối với khu vực này.

Tuyến hàng hải phương Bắc - chìa khóa phát triển Bắc Cực của Nga

Sự suy giảm sản lượng khai thác nhiên liệu khí gas trong lãnh thổ đã khiến Bắc Cực không chỉ quan trọng mà còn trở thành vấn đề thiết yếu đối với Nga. Để có thể tiếp cận thị trường châu Âu và châu Á, Nga cần một tuyến vận tải an toàn hoạt động dưới sự kiểm soát của Nga, đó chính là tuyến hàng hải phương Bắc (NSR).

NSR có vai trò như một mạch máu giao thông của Nga trong khu vực, nó là tuyến ngắn nhất đi qua các vùng biển thuộc Bắc Băng Dương, nối Thái Bình Dương với Đại tây Dương, với tổng chiều dài khoảng 5.600 km. Theo dự báo, đến năm 2050, toàn tuyến NSR sẽ tan hết băng do sự ấm lên của Trái Đất, mở ra cơ hội to lớn cho các hoạt động kinh tế và thương mại của Nga.

Bắc Cực: Trụ cột của nền kinh tế Nga trong tương lai ảnh 4

Tuyến hàng hải phương Bắc - chìa khóa phát triển khu vực Bắc Cực của Nga (Nguồn: RIA Novosti)

Để bảo vệ, kiểm soát và khai thác hiệu quả NSR, Chính phủ Nga đã:

Thứ nhất, tái cấu trúc và trang bị các vũ khí tối tân hiện đại cho các căn cứ quân sự được triển khai dọc theo tuyến NSR và xây dựng các hạm đội phương Bắc, được coi như quân khu thứ 5 của Nga.

Thứ hai, ban hành các văn bản pháp quy về NSR. Năm 2013, Nga ban hành Luật liên bang về NSR, xác định phạm vi vùng biển của NSR và ranh giới các vùng nước xung quanh; thành lập "Cục quản lý NSR" có chức năng điều hướng các tàu thuyền trong Bắc Băng Dương, cung cấp thông tin về tình hình khí tượng thủy văn, băng trôi và hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn. Năm 2017, sửa đổi "Bộ Luật vận tải đường biển"; theo đó, các tàu treo cờ Nga được trao độc quyền vận chuyển dầu, khí tự nhiên, khí ngưng tụ và than trên NSR.

Thứ ba, xây dựng các cơ sở hạ tầng, cảng biển và hạm đội tàu phá băng. Nga đã xây dựng hơn 50 cảng biển trên toàn tuyến NSR; trang bị 8 tàu phá băng nguyên tử, đóng mới các tàu chở khí lớp Yamalmax có khả năng hoạt động độc lập, vận chuyển LNG sản xuất tại nhà máy Yamal LNG.

Thứ tư, tháng 2-2019 công bố kế hoạch chi 905,6 tỷ rúp (khoảng 13,7 tỷ USD) nhằm mục tiêu nâng sức vận chuyển của NSR lên 80 triệu tấn vào năm 2024, tập trung vào triển khai: (1) Nâng cao năng lực hạm đội tàu phá băng: đóng mới 3 tàu phá băng nguyên tử, khởi công tàu phá băng thứu 4 và thứ 5; các tàu cứu hộ, tàu thủy văn và tàu hoa tiêu đa chức năng. (2) Xây dựng thêm cơ sở hạ tầng, gồm: trạm khí hóa lỏng (LNG) và khí ngưng tụ Morning, tổ hợp trung chuyển LNG ở vùng Murmansk, trạm vận chuyển dầu Parahskoy trên vịnh phía Bắc, bến than Chaika ở cảng Dikson và khu phức hợp xử lý LNG ở Kamchatka. (3) Thiết lập hệ thống thông tin liên lạc hàng hải thực hiện chức năng dự báo thời tiết và cảnh báo thiên tai giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm an toàn cho toàn tuyến hàng hải. (4) Hiện đại hóa cơ sở bảo dưỡng kỹ thuật của hạm đội cứu hộ trên biển.