Anh "phóng thích" tàu chở dầu của Iran

ANTD.VN - “Siêu tàu dầu” Grace 1 của Iran đã bị thủy quân lục chiến Anh tịch thu hôm 4-7 vì cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của EU đối với Syria. Tuy nhiên, Đài Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Iran, IRIB vừa đưa tin rằng Grace 1 sẽ sớm được trao trả lại cho Iran.

Thủ hiến Gibraltar Fabian Picardo cho biết “siêu tàu dầu” – Grace 1 sẽ được “phóng thích” vào thứ Năm ngày 15-8, đồng thời chính quyền Gibraltar sẽ không giới hạn lệnh bắt giữ tàu chở dầu, theo tờ The Sun đưa tin.

Trước đó, Gibraltar đã bắt giữ tàu Grace 1 của Iran với cáo buộc nghi ngờ tàu chở dầu này buôn lậu dầu đến Syria, vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu với Gibraltar – vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh. Thuyền trưởng và ba thủy thủ đoàn đã bị giam giữ tại đây để phục vụ công tác điều tra.

Tàu chở dầu Grace 1 của Iran (Ảnh: Reuters)

Theo The Sun, thuyền trưởng tàu Grace 1 đã giao cho Thủ hiến Gibraltar một văn bản cam kết. Do đó, quan chức này không gia hạn thời gian tạm giữ và quyết định trả tự do cho tàu ngày 15-8.

Sau vụ bắt giữ tàu này khiến Iran thắt chặt kiểm soát eo biển Hormuz và Vịnh Ba Tư. Hôm 19-7, Tehran đã bắt giữ tàu chở dầu có gắn cờ Anh Stena Impero trong vùng lãnh hải của mình. Tàu hiện đang bị giữ ở cảng Bandar Abbas cùng 23 thủy thủ còn lại trên tàu.

Các vụ bắt giữ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng ở vịnh Ba Tư sau một loạt sự cố trước đó cũng liên quan đến tàu chở dầu. Hồi tháng 5 vừa qua, 4 tàu chở dầu trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công phá hoại ngoài khơi tại bờ biển của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Tiếp tục vào tháng 6, hai tàu chở dầu khác bị tấn công bởi vụ nổ ở eo biển Hormuz, vùng biển nối liền Vịnh Oman với vịnh Ba Tư.

Trước tình hình đó, Washington đổ lỗi cho Tehran về các sự cố và bắt đầu thiết lập quân sự ở vùng Vịnh nhưng Tehran nhiều lần một mực phủ nhận cáo buộc và phản đối kế hoạch này của Mỹ.

Gần đây, Iran đã bắn hạ một máy bay không người lái (UAV) của Mỹ ở khu vực ven biển thuộc tỉnh Hormozgan với cáo buộc máy bay này vi phạm không phận Iran. Tuy nhiên, Washington phủ nhận và tuyên bố rằng máy bay rơi trong không phận trung lập.

Phản ứng trước những căng thẳng leo thang này, Tổng thống Mỹ Donald Trump ban đầu chỉ trích Iran đã phạm “một sai lầm lớn”, nhưng sau đó khi phỏng vấn với phóng viên, ông lại nghi ngờ rằng việc máy bay Mỹ bị bắn hạ là có chủ ý.

Căng thẳng càng leo thang và không có dấu hiệu hạ nhiệt khi Mỹ đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) vào đầu năm ngoái. Đồng thời, Mỹ tuyên bố sẽ áp lệnh trừng phạt với hầu hết các lĩnh vực “then chốt” của nền kinh tế Iran.

Đáp lại, vào tháng 5, Tehran tuyên bố tạm dừng một phần nghĩa vụ trong JCPOA và cho các bên ký kết thỏa thuận khác 60 ngày để cứu vãn tình hình bằng cách tạo thuận lợi cho xuất khẩu và giao dịch dầu với Iran. Sau khi thời hạn 60 ngày kết thúc, Iran cho biết quốc gia này sẽ bắt đầu làm giàu uranium vượt mức 3,67% được thiết lập trong JCPOA và cảnh báo việc dần từ bỏ cam kết hạt nhân.