5 chiến lược giúp Singapore kiềm chế dịch Covid-19 bùng phát

ANTD.VN - Trong khi nhiều quốc gia “thua trận” để dịch Covid-19 nằm ngoài tầm kiểm soát, phản ứng của Singapore đã được nhiều người coi là mô hình tham khảo. Nhìn vào quá trình kiểm soát dịch bệnh ở Singapore tới nay, có thể thấy nổi lên 5 chiến lược được coi là “bảo bối” trong kho vũ khí chiến đấu với virus Corona.

Khi Singapore xác nhận trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 vào cuối tháng 1-2020, dân chúng nước này bắt đầu hoang mang. Trong khi người Australia mua vội giấy vệ sinh thì người Singapore nhào vào các siêu thị để mua mì ăn liền.

17 năm trước, Singapore đã từng trải qua dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) khiến 33 người thiệt mạng. Khi đối diện với loại virus mới, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sớm kêu gọi người dân giữ bình tĩnh và tiếp tục các hoạt động bình thường, nhất là “không cần phải dự trữ mì ăn liền”. 

Lên kế hoạch và sớm bắt tay thực hiện

Có lẽ yếu tố quan trọng nhất trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở Singapore là chính phủ đã có kế hoạch đối phó với đại dịch trước khi virus tấn công. Điều này được rút ra sau khi dịch SARS bùng phát vào năm 2003 và kế hoạch được đưa vào hoạt động ngay khi virus Corona mới xuất hiện ở Vũ Hán vào cuối tháng 12-2019. “Cách tốt nhất để đối phó với dịch bệnh là hành động trước và hành động sớm” - Giáo sư Tan Chorh Chuan, nhà khoa học về sức khỏe của Singapore cho biết. Ông Tan Chorh Chuan cũng đã từng tham gia chiến dịch giúp Singapore vượt qua dịch SARS. 

Đầu tháng 1-2020, chính phủ đã thành lập một đội đặc nhiệm liên bộ. Đến khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên hôm 23-1, tất cả các phòng thí nghiệm trong bệnh viện công đều có khả năng thực hiện các xét nghiệm. Vài ngày sau, sân bay Changi bắt đầu đo thân nhiệt với hành khách đến, rồi mở rộng tại lối vào các tòa chung cư và trường học. Những người có nhiệt độ cao được lệnh về nhà.

Thiết lập mạng lưới phòng khám sức khỏe

Bước quan trọng khác là kích hoạt một mạng lưới các phòng khám y tế công cộng (PHPC) cùng các bác sĩ đa khoa có chuyên môn trong điều trị các bệnh về đường hô hấp. Đến giữa tháng 2-2020, khoảng 900 phòng khám PHPC đã hoạt động, mục đích là nơi sàng lọc đầu tiên những người có triệu chứng giống cúm. Các cơ sở này sẽ phân loại ai là người cần trợ giúp y tế hay các xét nghiệm chuyên sâu, giúp giảm áp lực cho các bệnh viện và ngăn họ trở thành nguồn lây nhiễm, đặc biệt giúp cung cấp thông tin hữu ích cho cơ quan chức trách. “Hệ thống này cho phép chúng tôi duy trì giám sát tốt hơn đối với các bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng cúm hoặc ho để có dữ liệu và nắm bắt tình hình” - Giáo sư Tan Chorh Chuan nói.

Đưa người nhiễm virus vào viện cách ly

Nếu một người xét nghiệm dương tính với virus, họ sẽ được chuyển đến một bệnh viện chuyên biệt để được chữa trị đến khi khỏi. Cơ sở chính điều trị bệnh nhân Covid-19 của Singapore là Trung tâm Bệnh truyền nhiễm quốc gia. Bệnh viện có 330 giường và cơ sở vật chất hiện đại. Bệnh nhân đều nằm trong phòng áp lực âm chỉ có không khí sạch mới được đi ra ngoài để ngăn lây nhiễm chéo.

Thực tế một số nước cho phép người nhiễm bệnh nhưng có các triệu chứng nhẹ ở nhà, nhưng   Singapore làm giống Trung Quốc là tách bệnh nhân ra khỏi dân chúng nói chung. Giáo sư Dale Fisher, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Australia có hợp tác với Chính phủ Singapore nghi ngờ về phương pháp cách ly tại nhà đối với người nhiễm Covid-19. “Nếu để bệnh nhân ở nhà, làm sao biết họ đang tuân thủ các quy tắc tự cách ly? Liệu chính quyền có kiểm tra ngẫu nhiên đủ thường xuyên hay không, hay có hình phạt đủ khắc nghiệt để khiến mọi người sợ mà phải tuân thủ nghiêm ngặt hay không?” - ông Dale Fisher đặt vấn đề.

Truy vết quan hệ tiếp xúc của bệnh nhân

Một khi ai đó xác định đã nhiễm Covid-19, cơ quan y tế của Singapore có nhiệm vụ rà soát mọi đầu mối tiếp xúc của người đó trong thời gian gần nhất, tìm hiểu xem những người tiếp xúc đã có triệu chứng gì không. “Nếu có thể sớm xác định được các mối liên hệ trước khi họ phát triển các triệu chứng, chúng tôi sẽ có thể phá vỡ chuỗi lây truyền và sớm điều trị cho họ” - ông Olivia Oh từ Bộ Y tế Singapore lý giải.

Những người đã tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 ở Singapore có thể tự cách ly tại nhà, nhưng nếu vi phạm quy định sẽ bị phạt nặng, bao gồm cả án tù. Người thuộc diện này mà là dân thường trú có thể bị thu hồi giấy phép lưu trú và không bao giờ có thể quay lại Singapore.

Gần đây Chính phủ Singapore đã ra mắt một ứng dụng điện thoại có tên TraceTogether. Khi người dùng ứng dụng ở gần nhau hoặc tương tác, ứng dụng sẽ gửi tín hiệu Bluetooth cho nhau, ghi lại thời điểm gặp gỡ và thời gian kéo dài. Ứng dụng lưu trữ dữ liệu này trong 21 ngày và chính phủ có thể truy cập nó nếu người dùng bị nhiễm virus. Nếu lúc khác, người ta sẽ coi đó là một sự áp đặt đối với tự do dân sự. Nhưng trong bối cảnh đại dịch, nó giúp cho mọi người cảm thấy tự tin hơn khi ra ngoài và biết rủi ro ở đâu.

Truyền thông nhất quán, rõ ràng

Ngay từ đầu trong cuộc khủng hoảng, lực lượng đặc nhiệm chống dịch Covid-19 bao gồm đại diện từ Bộ Y tế, Bộ Tài chính và nhiều bộ khác đã cung cấp thông tin cập nhật hàng ngày cho công chúng và có một thông điệp nhất quán. Tin nhắn trên ứng dụng WhatsApp nhanh chóng chuyển các thông điệp của chính phủ sang 4 ngôn ngữ chính thức của Singapore: tiếng Trung, tiếng Anh, Malay và Tamil.

Singapore cũng đã tạo ra một loạt nhân vật hoạt hình đầy những lời khuyên thực tế, hợp lý như: “Giãn cách xã hội là cần thiết”; “Căn bệnh này có thể ngăn chặn được”; Có thể gọi là dịch Vũ Hán, dịch Italia nhưng nếu mắc phải, có thể gọi đó là dịch Singapore”…

Thủ tướng Singapore cũng thường xuyên đưa ra thông điệp nhằm giải thích và trấn an.

“Chúng ta không phong tỏa như người Trung Quốc, Hàn Quốc hay người Ý đã làm. Những gì chúng ta đang làm bây giờ là lên kế hoạch trước cho một số biện pháp nghiêm ngặt hơn thế này, thử nghiệm và sẵn sàng cho đến khi thực sự cần thực hiện” - ông Lý Hiển Long phát biểu trong tháng 3-2020.

Cuộc chiến còn gian nan

Mặc dù đã chuẩn bị kế hoạch kỹ lưỡng, Singapore vẫn chưa đủ sức bẻ gãy đợt tấn công của đại dịch toàn cầu. Bộ Y tế Singapore tối 1-4 thông báo, nước này ghi nhận thêm 74 ca nhiễm mới, mức cao nhất tính theo ngày từ trước tới nay. Đến nay, số ca nhiễm     Covid-19 ở nước này đã lên tới 1.000 người, trong đó có 4 ca tử vong. Trong khi nhiều ca nhiễm mới là người Singapore từ nước ngoài trở về, nhưng số trường hợp không rõ nguồn gốc đang tăng cao làm dấy lên lo ngại về tốc độ lây lan trong cộng đồng.

Tuần trước, Chính phủ Singapore đã thắt chặt các quy định bằng việc đóng cửa các rạp chiếu phim và quán bar. Nhà hàng vẫn mở nhưng phải phục vụ giảm số lượng. Sân bay Changi, một trung tâm sầm uất trong khu vực, hiện đã cấm tất cả khách du lịch quá cảnh và đất nước này không còn cho phép du khách ngắn hạn. Hãng hàng không quốc gia Singapore Airlines đã ngừng hầu hết các đội bay của họ. 

Rõ ràng Singapore đã giành thắng lợi bước đầu trước Covid-19 nhưng cuộc chiến chống đại dịch chưa kết thúc và họ sẽ tiếp tục phải thích nghi và chiến đấu. “Tôi cho rằng cuộc khủng hoảng còn một chặng đường dài mới kết thúc và không chừa bất cứ ai. Singapore đang rất nghiêm túc và họ đã phản ứng rất tốt. Truyền thông cũng như các quy định giãn cách xã hội của họ được thực hiện rất tốt. Nhưng thực tế là, dịch bệnh vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát ở bất cứ đâu trên thế giới, đó là một rủi ro cho tất cả chúng ta” - Giáo sư Raina MacIntyre, Trưởng khoa An toàn sinh học tại Viện Kirby của Sydney (Australia) nhận định. 

“Tôi cho rằng cuộc khủng hoảng còn một chặng đường dài mới kết thúc và không chừa bất cứ ai. Singapore đang rất nghiêm túc và họ đã phản ứng rất tốt. Truyền thông cũng như các quy định giãn cách xã hội của họ được thực hiện rất tốt. Nhưng thực tế là, dịch bệnh vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát ở bất cứ đâu trên thế giới, đó là một rủi ro cho tất cả chúng ta”.

Giáo sư Raina MacIntyre - Trưởng khoa An toàn sinh học tại Viện Kirby của Sydney (Australia)