30 năm "lăn lộn" với cuộc chiến chống HIV/AIDS của một nữ tu Ireland ở Tanzania

ANTD.VN - Đó là buổi chiều yên ả, tại một cánh đồng nông thôn ở Tanzania, nữ tu sĩ Kate Costigan đang tuyên truyền cho người dân về tác hại cũng như cách phòng chống căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Những tiếng cười vang lên, tất cả mọi người đều cảm thấy rất thoải mái.

30 năm "lăn lộn" với cuộc chiến chống HIV/AIDS của một nữ tu Ireland ở Tanzania ảnh 1Một buổi tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS ở Tanzania

Hình ảnh người phụ nữ mạnh mẽ với chiếc xe phân khối lớn 

Đã hơn 30 năm, kể từ khi Kate Costigan, một phụ nữ sinh ra và lớn lên ở Tipperary, Ireland rong ruổi đến châu Phi. Khi đó, Kate Costigan mới 19 tuổi, là một người yêu thích võ thuật, đai đen karate. Trên chiếc xe máy phân khối lớn, Kate Costigan đã đến nhiều quốc gia châu Phi, trong đó có Nigeria và Tanzania.

“Cha tôi muốn tôi tham gia vào một công tác nào đó giúp đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương chứ không phải một nhà truyền giáo. Khi tôi quyết định làm công tác tuyên truyền HIV/AIDS cho người dân ở Tanzania, gia đình và cả bạn trai tôi đều hết sức ngạc nhiên”, Kate Costigan nói. 

Công việc của Kate Costigan được coi là hình mẫu trong cuộc chiến chống HIV ở những quốc gia có thu nhập thấp. Kate Costigan là nhân viên của chương trình phòng chống HIV/AIDS do công ty dược phẩm Gilead Sciences và Vatican triển khai thực hiện. Cách tiếp cận của chương trình này khá mới mẻ. Các nhân viên sẽ đến các khu vực người dân sinh sống, vận động người dân kiểm tra HIV. Nếu có xét nghiệm dương tính, chương trình sẽ cung cấp thuốc điều trị.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tin rằng, cách tiếp cận trực tiếp này, cùng với các biện pháp phòng ngừa khác có thể ngăn chặn 21 triệu ca tử vong vì HIV/AIDS mỗi năm trên toàn cầu. Phương pháp tiếp cận trực tiếp được cho là đặc biệt phù hợp với những quốc gia nghèo khó. 

Tại Shinyanga, các chuyên gia hy vọng sẽ tiếp cận được 300.000 người bằng cách thành lập các câu lạc bộ hỗ trợ đồng đẳng - nơi công tác điều trị có thể được tiến hành ngay tại địa phương và sử dụng mạng xã hội rộng lớn của nhà thờ Công giáo. Các câu lạc bộ dành cho người nhiễm HIV đang được thiết lập ở nhiều nơi, ngay cả những ngôi làng xa trung tâm - nơi mà sự phân biệt đối xử còn tồn tại phổ biến. Bệnh nhân cũng có thể lấy thuốc điều trị từ các câu lạc bộ mà không phải di chuyển qua hành trình dài đến các phòng khám.

Ở Tanzania, 2/3 người dân theo Ki tô giáo và nhà thờ có sức mạnh, sự ảnh hưởng rất lớn. “Nguyên tắc của chúng tôi là luôn tuân theo giáo lý của nhà thờ. Chúng tôi không đề cập đến việc sử dụng bao cao su nhưng người dân sẽ biết có thể lấy chúng ở đâu và luôn được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời. Chúng tôi không bao giờ đánh giá một người bị bệnh. Chúng tôi ở đây để hỗ trợ, chăm sóc và yêu thương”,  Kate Costigan nói.

Costigan cho biết thêm, điều quan trọng là phải xây dựng được niềm tin với người dân. “Bạn có thể cung cấp cho họ tất cả các loại thuốc trên thế giới nhưng nếu chỉ có điều đó sẽ không chống lại HIV. Người dân cần phải có niềm tin, tin tưởng vào những gì bạn làm”, Costigan nói.

“Mọi người nghĩ rằng, bạn chỉ có thể nhiễm HIV nếu là gái mại dâm”

Ước tính, mỗi năm ở Tanzania có khoảng 30 nghìn ca tử vong vì HIV/AIDS. “HIV/AIDS đã tàn phá nhiều gia đình. Nhiều người đã chết, để lại những đứa trẻ bơ vơ. Trong số này, có em khỏe mạnh nhưng cũng có em bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, tôi không khuyên mọi người sử dụng bao cao su. Thay vào đó, các cặp vợ chồng phải chung thủy, thường xuyên tiến hành xét nghiệm, kiên trì điều trị nếu phát hiện nhiễm HIV/AIDS”, cha Kizito Nyanga ở Shinyanga nói. 

Cơ quan phòng, chống HIV/AIDS của Liên hợp quốc (UNAids) cảnh báo rằng, sự kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn là vấn đề lớn ở Tanzania. Các dịch vụ hỗ trợ khó tiếp cận đối tượng  đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính và chuyển giới. Sự sợ hãi, xấu hổ, kỳ thị khiến người nhiễm HIV/AIDS không dám nói tình trạng sức khỏe của bản thân với mọi người. 

Elizabeth, một nông dân có 6 người con phát hiện ra mình nhiễm HIV/AIDS vào năm 2016. Chồng và các con của Elizabeth đều có kết quả xét nghiệm HIV âm tính nhưng cô chưa dám nói với bạn bè và gia đình về tình trạng sức khỏe của mình. “Tôi cảm thấy ngại ngùng khi nói về rắc rối mà mình đang gặp phải. Mọi người nghĩ rằng, bạn chỉ có thể nhiễm HIV nếu là gái mại dâm”.