Thế giới ứng phó thông minh và mạnh mẽ với đại dịch trong tương lai

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các nhà khoa học cho rằng, con người không phải đặt câu hỏi liệu có đại dịch nào nữa xảy ra hay không mà là khi nào nó sẽ xảy ra. Bởi vậy, chuẩn bị kỹ các điều kiện để ứng phó với dịch bệnh trong tương lai là cần thiết, dù muộn còn hơn không.
Ngay cả với những kiến thức và hệ thống y tế như hiện nay, nhiều quốc gia tiên tiến cũng khó lòng kiểm soát được một đại dịch khác xảy ra trong tương lai

Ngay cả với những kiến thức và hệ thống y tế như hiện nay, nhiều quốc gia tiên tiến cũng khó lòng kiểm soát được một đại dịch khác xảy ra trong tương lai

Đẩy nhanh công tác nghiên cứu, phòng chống đại dịch

Tuần vừa rồi, Vương quốc Anh khai trương Viện Đại dịch ở Liverpool. Đây sẽ là cơ sở ứng phó với những thử thách mới đối với con người, nơi các tình nguyện viên sẽ thử nghiệm các loại vaccine mới và phương pháp điều trị mới trong các điều kiện được kiểm soát. Viện nghiên cứu này một tổ hợp gồm 7 trường đại học, bệnh viện cũng như được chính quyền thành phố Liverpool hậu thuẫn. Trong sự kiện ra mắt hôm 6-9, Viện Đại dịch tuyên bố nhận được tài trợ 10 triệu bảng Anh từ Tập đoàn y tế Innova. Nghiên cứu được thực hiện trong các bệnh viện, nhưng Viện Đại dịch sẽ có một cơ sở có độ an toàn sinh học cao bên ngoài bệnh viện, từ đó đẩy nhanh quá trình nghiên cứu.

Giáo sư Daniela Ferreira, người đứng đầu khoa học lâm sàng tại Trường Y học Nhiệt đới Liverpool cho biết: “Tại Liverpool, tôi đã dẫn đầu một trong những địa điểm nghiên cứu vaccine Oxford giai đoạn 3. Trong làn sóng dịch đầu tiên, chúng tôi đã mong đợi sẽ có kết quả nghiên cứu vaccine trong 3 tháng nhưng không thể nhanh hơn. Nếu vaccine thử nghiệm xuất hiện trong đợt đầu tiên, vaccine hoàn chỉnh đã có thể ra mắt sớm hơn ít nhất 3 tháng, từ đó giảm được số ca tử vong lên tới hơn 80.000 người trong làn sóng thứ hai từ tháng 10-2020”. Ông Ferreira lý giải thêm, nếu các nhà khoa học có được một mô hình có kiểm soát, họ sẽ nhanh chóng nhận ra loại vaccine mới bào chế có khả năng hoạt động hay không.

Vì các loại virus mới thường là các bệnh lây truyền từ động vật sang người, một trong những trọng tâm chính của Viện Đại dịch vừa thành lập là xây dựng cơ sở dữ liệu về các bệnh ảnh hưởng đến động vật và cố gắng tìm ra bệnh nào có khả năng vượt qua rào cản loài nhất. “Chúng tôi có cơ sở dữ liệu lớn nhất thế giới về các mầm bệnh và vật chủ cũng như nơi chúng được tìm thấy. Chúng tôi đang sử dụng điều đó để thúc đẩy việc dự đoán loại virus corona tiếp theo có thể xuất hiện từ động vật nào”, Giám đốc viện, Giáo sư Matthew Baylis của Đại học Liverpool cho biết.

“Tại một thời điểm nào đó trong tương lai, chúng ta có thể nhiễm virus và biết được loại virus đó có khả năng hoạt động như thế nào. Đó là một ý tưởng vô cùng tham vọng nhưng mọi thứ đều nằm trong trình tự di truyền. Nói cách khác, vào một thời điểm nào đó trong tương lai, một loại virus mới được tìm thấy và không cần chờ đợi xem nó có tác dụng gì, chúng ta có thể đoán biết nó có những đặc tính nào, lây truyền theo cách nào hay gây ra loại bệnh nào”, Giáo sư Matthew Baylis nhấn mạnh.

Một số cơ quan khác tương tự như Viện Đại dịch ở Anh cũng đang được thiết lập trên khắp thế giới. Trong tháng 9 này, Tổ chức Y tế Thế giới đã mở Trung tâm Thông tin về đại dịch và dịch bệnh ở Berlin. Chính phủ Pháp cũng đã khởi động Prezode, một sáng kiến quốc tế tập trung vào các bệnh lây truyền từ động vật, trong khi Quỹ Rockefeller đang thành lập Viện Phòng chống Đại dịch ở Mỹ.

Luôn cảnh giác phòng ngừa đại dịch trong tương lai

Ngay cả với những kiến thức và hệ thống y tế như hiện nay, nhiều quốc gia tiên tiến cũng khó lòng kiểm soát được một đại dịch khác xảy ra trong tương lai. Nguyên nhân đầu tiên được chỉ ra là do hệ miễn dịch của con người ngày càng suy yếu do ô nhiễm môi trường, sinh hoạt không lành mạnh cũng như việc không tuân thủ tiêm chủng định kỳ ở nhiều quốc gia. Tạp chí khoa học The Nature cho rằng, ngay cả khi môi trường sống thay đổi, những loài như chuột và dơi vẫn có khả năng thích ứng tốt và tiếp tục đóng vai trò là vật trung gian lây những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới cho con người. Và nguyên nhân cuối cùng là khi nhiệt độ Trái đất nóng lên, các sông băng tan chảy, qua đó sẽ giải phóng những vi khuẩn, nấm và virus cổ đại, một mối nguy tiềm ẩn với sức khỏe con người.

Theo WHO, 70% các bệnh truyền nhiễm ở người trong thời gian gần đây là bệnh có nguồn gốc động vật. Hơn 850.000 loài virus gây bệnh mà chúng ta chưa biết, trong tổng số 1,7 triệu loại virus chưa được phát hiện có thể đang tồn tại trong thiên nhiên hoang dã. Việc tàn phá thiên nhiên, làm tăng cơ hội con người tiếp xúc với virus và do vậy càng dễ xảy ra đại dịch.

Từ dịch SARS vào năm 2003, cúm lợn H1N1 năm 2009, hội chứng hô hấp Trung Đông MERS trong năm 2012 và hiện tại là Covid-19, chu kỳ giữa hai khủng hoảng dịch tễ là không cố định và dường như ngày càng ngắn. Tuy nhiên, có thể chắc rằng, sau đại dịch này sẽ lại có một chứng bệnh truyền nhiễm chết người nữa bùng phát. Tuần vừa rồi, cố vấn khoa học hàng đầu của Tổng thống Mỹ cảnh báo, đại dịch tiếp theo sẽ có thể xảy ra trong 10 năm tới, thậm chí còn nguy hiểm hơn so với Covid-19.

Theo các nhà khoa học, chúng ta không phải đặt câu hỏi liệu có đại dịch nào nữa xảy ra hay không mà là khi nào nó sẽ xảy ra. Bởi vậy, điều quan trọng là phản ứng sớm đối với các đợt bùng phát dịch bệnh, đồng thời phát triển cơ sở khoa học, cơ sở hạ tầng y tế - xã hội cần thiết để ứng phó với tình huống xấu nhất.

Nhiều viện nghiên cứu về đại dịch đang được thiết lập trên khắp thế giới. Trong tháng 9 này, Tổ chức Y tế Thế giới đã mở Trung tâm Thông tin về đại dịch và dịch bệnh ở Berlin. Viện đại dịch ở Liverpool ra mắt hôm 6-9. Chính phủ Pháp cũng đã khởi động Prezode, một sáng kiến quốc tế tập trung vào các bệnh lây truyền từ động vật, trong khi Quỹ Rockefeller đang thành lập Viện Phòng chống Đại dịch ở Mỹ.