Thế giới ứng phó biến thể lai Deltacon

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cho dù giới chuyên môn vẫn còn ý kiến khác nhau về một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 mà Síp - quốc gia đầu tiên công bố về biến thể được cho là lai giữa hai biến thể Delta và Omicron - đặt tên là Deltacron, nhưng nhiều quốc gia vẫn luôn sẵn sàng ứng phó với các biến thể mới.

Ý kiến trái chiều về biến thể lai Deltacon

Cả thế giới đã xôn xao, quan tâm sâu sắc trước thông tin do các nhà khoa học Síp công bố ngày 8-1 vừa qua. Theo đó, giáo sư Leondios Kostrikis, người đứng đầu Phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học và virus học phân tử tại trường Đại học Cyprus, lần đầu công bố nhóm nghiên cứu do ông đứng đầu đã phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lai giữa hai biến thể nguy hiểm nhất hiện nay là Delta và Omicron.

Khi tiến hành giải trình tự 1.377 mẫu trong chương trình truy tìm các đột biến có thể có của virus SARS-CoV-2 tại Síp, nhóm nghiên cứu đã phát hiện 25 mẫu có đột biến gene. Trong số 25 mẫu này, có 11 mẫu được lấy từ những người nhập viện, trong khi 14 mẫu còn lại lấy từ cộng đồng. Giáo sư Leondios Kostrikis cho biết, tần suất phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 cao hơn ở những người nằm viện, điều đó có nghĩa là có mối tương quan giữa biến thể mới và tỷ lệ nhập viện. Theo nghiên cứu ban đầu, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Síp có chung nền tảng di truyền của biến thể Delta cùng với một số đột biến của Omicron, do đó nó được các nhà khoa học nước này đặt tên là Deltacron. Giáo sư Leondios Kostrikis cho biết, biến thể lai Deltacron có bộ khung gene của biến thể Delta và thêm khoảng 10 đột biến từ biến thể Omicron.

Các nhà khoa học Sip vừa công bố biến thể mới lai giữa biến thể Delta và Omicron gọi là Deltacon
Các nhà khoa học Sip vừa công bố biến thể mới lai giữa biến thể Delta và Omicron gọi là Deltacon

Công bố của các nhà khoa học Síp được Bộ trưởng Bộ Y tế nước này - Michalis Hadjipantelas khẳng định thêm trong một thông báo đưa ra cùng ngày 8-1, theo đó xác nhận một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được đặt tên là Deltacron đã được phát hiện. Bộ trưởng Michalis Hadipantelas bày tỏ niềm tự hào đối với các nhà khoa học nước này vì đã phát hiện ra biến thể mới, điều mà ông cho là một thành quả nghiên cứu và phát hiện đột phá giúp đưa Síp lên “bản đồ quốc tế về các vấn đề sức khỏe”.

Tuy nhiên, trong phản ứng ban đầu, giới khoa học quốc tế tỏ ra khá dè dặt trước công bố của các nhà khoa học Síp, có không ít ý kiến trái chiều. Tiến sĩ vật lý trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm Krutika Kuppalli, người làm việc cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khẳng định trên trang Twitter của mình: “Deltacon không có thực”.

Theo tiến sĩ Krutika Kuppalli, biến thể Deltacon có thể là sản phẩm của quá trình lây nhiễm trong phòng thí nghiệm khi mẫu xét nghiệm Delta bị nhiễm một đoạn gene của Omicron. Đồng quan điểm, nhà virus học của Đại học Hoàng gia Anh Tom Peacock cũng cho rằng, đây rõ ràng là trường hợp nhiễm chéo trong phòng thí nghiệm. Theo ông, hai biến thể không cùng một hệ gene, và cái gọi là biến thể Deltacron thực chất là một đoạn gene mồi mang amplicon của Omicron trong một bộ gene xương sống là Delta.

Thế nhưng, giáo sư Leondios Kostrikis vẫn khẳng định, các ca nhiễm mà ông xác định được “cho thấy chủng ban đầu chịu sức ép lớn để tạo các đột biến này và đây không phải là một sự tái kết hợp đơn thuần”. Ông nêu rõ, các mẫu bệnh được nghiên cứu qua nhiều thủ tục giải trình tự gene khác nhau ở nhiều nước, trong đó ít nhất một đoạn gene từ Israel gửi trong cơ sở dữ liệu toàn cầu đã tồn tại các đặc tính của Deltacron và do đó “Các phát hiện này đã bác bỏ những tuyên bố không có căn cứ rằng Deltacron là kết quả của một lỗi kỹ thuật”.

Vaccine Covid-19 + “5K” vẫn là vũ khí hiệu quả

Trong khi đó, Bộ trưởng Michalis Hadjipantelas cho biết, Bộ Y tế Síp dự kiến công bố thêm thông tin về biến thể mới Deltacon trong một cuộc họp báo vào tuần này. Cho dù biến thể Deltacon do Síp công bố phát hiện có thật sự là biến thế mới lai giữa hai biến thể Delta và Omicron hay chỉ là “là sản phẩm của quá trình lây nhiễm trong phòng thí nghiệm”, nhưng thế giới đều đang quan tâm theo sát, nhất là trong bối cảnh một đợt sóng dịch Covid-19 đang hoành hành nhiều nơi do hai biến thể nguy hiểm nhất là Delta và Omicron gây ra.

Hiện, giới chức và các nhà khoa học Síp cùng cho rằng biến thể mới Deltacon vừa phát hiện ở nước này là “không đáng lo ngại”. Giáo sư Leondios Kostrikis nêu rõ, hiện còn quá sớm để nhận định liệu biến chủng mới có khiến số ca nhiễm tăng mạnh hay có thể gây ra những tác động gì, song ông tin rằng biến chủng Deltacron sẽ không thể lấn át biến chủng Omicron, thậm chí Deltacron sẽ bị Omicron triệt tiêu. Síp công bố phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 chỉ một tuần sau khi một biến thể mới có tên gọi IHU được phát hiện ở Pháp. Hiện vẫn chưa có nhiều thông tin về IHU nhưng các quan chức của WHO đang theo dõi chặt chẽ sự lây lan của biến chủng mới này.

Sự xuất hiện liên tiếp các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 từ đầu đại dịch Covid-19 tới nay là điều nằm trong dự báo của giới khoa học và các quốc gia, tổ chức y tế trên thế giới. Cho tới nay, những biến thể nguy hiểm nhất, gây ra những sóng dịch tồi tệ nhất trên toàn cầu là hai biến thể Delta và Omicron. Và hai biến chủng này nhiều khả năng vẫn chiếm tuyệt đại đa số các ca mắc Covid-19 trên thế giới trong thời gian tới so với các biến thể khác của virus SARS-CoV-2.

Thế nên, dù có thể xuất hiện thêm các biến thể mới thì với thực tiễn ứng phó với hai biến thể nguy hiểm Delta và Omicron cho thấy tiêm vaccine phòng Covid-19 và áp dụng các biện pháp phòng dịch, nhất là nguyên tắc “5K” vẫn tỏ ra hiệu quả. Nói cách khác, ứng phó với virus SARS-CoV-2, dù là biến thể nào, thì vẫn phải thực hiện tiêm phủ vaccine phòng Covid-19 với tỷ lệ càng cao càng tốt và tiêm thêm mũi bổ sung (tăng cường) thứ ba, đồng thời tuân thủ nguyên tắc phòng chống dịch.

Nghiên cứu mới được thực hiện bởi Viện Ragon thuộc Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Viện Công nghệ Massachusetts và Đại học Harvard (Mỹ) công bố ngày 10-1 đã đưa ra bằng chứng cho thấy liều tăng cường vaccine Covid-19 có thể giúp người được tiêm chống lại biến thể Omicron tốt gần bằng Delta. Theo đó, kháng thể được tạo ra từ cơ thể những người được tiêm liều vaccine tăng cường (mũi tiêm thứ ba) có khả năng nhận biết và vô hiệu hóa các đột biến của Omicron, thậm chí có triển vọng vô hiệu hóa đột biến của các biến thể phức tạp hơn trong tương lai.

Mới đây, Văn phòng WHO tại châu Âu cảnh báo, làn sóng ca nhiễm Omicron trên toàn cầu hiện nay có thể làm gia tăng nguy cơ xuất hiện thêm biến thể mới nguy hiểm hơn bởi càng lây lan, truyền nhiễm thì biến thể này sẽ dần biến đổi dẫn tới sự xuất hiện của một biến thể mới. Hiện, không ai có thể biết được khả năng lây lan cũng như nguy cơ tiềm ẩn từ những biến thể mới này nên biện pháp tốt nhất để các quốc gia và mỗi người ứng phó là tiêm vaccine phòng Covid-19 và tuân thủ quy định phòng chống dịch.