Thế giới ngày xưa giữa lòng Hà Nội

ANTĐ - Nằm khuất dưới một con dốc, lại sau đôi cánh cổng to đùng, nếu không để ý dễ tưởng nhầm là nhà riêng của ai đó trên phố Hoàng Hoa Thám. Khi đi xuống con dốc với lối dắt xe đạp ở giữa đặc trưng của Hà Nội cũ, cả một “phiên chợ” bỗng mở ra với cơ man những thứ đồ phủ bụi thời gian. “Chợ phiên đồ xưa” Hoàng Hoa Thám ban đầu chỉ họp vào sáng thứ bảy hàng tuần nhưng giờ họp thêm cả những ngày trùng với phiên chợ thú nuôi, cây cảnh. Số nhà rất dễ nhớ, 456 Hoàng Hoa Thám đã trở thành địa điểm “phượt” nội đô của nhiều người từ xa tới và cả những người sống ở Thủ đô.

Thế giới ngày xưa giữa lòng Hà Nội  ảnh 1Đồ sứ tại phiên chợ đồ xưa

“Chợ phiên đồ xưa” họp tại sân dưới số nhà này cũng mới chỉ được khoảng 2 năm nay. Sân nhà kiểu xưa với hơn 30 sạp hàng bày bán đủ các loại đồ xưa cũ, đồ không còn dùng nữa của những thời kỳ đã qua. Các bạn trẻ tìm đến đây chủ yếu tìm mua những tờ tiền cổ, tiền của các nước với nhiều kiểu sưu tầm khác nhau. Người tìm tiền rơm, người tìm tiền theo series liền số, có khi chỉ đơn giản tìm một tờ tiền có số series trùng với ngày sinh một người bạn để làm quà tặng sinh nhật độc đáo. 

Hơn 30 sạp hàng bày đủ các loại đồ khiến cho người đi chơi chợ lạc vào những quãng thời gian đã qua, mà mỗi sạp hàng là một mảnh ghép của thời xưa cũ với bản sắc tính cách rõ nét. Mang tính mạo hiểm mạnh khỏe của gian hàng đồ lính, con dao găm Liên Xô còn nguyên vòng khuyên có thể cắm vào đầu súng trường thành lưỡi lê. Chiếc mũ sắt từ của lính lê dương từ thời “Hoan hô chiến sỹ Điện Biên”, bi đông nước, xanh-tuya thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Có điều lạ là những người tìm những vật dụng này có cả những bạn trẻ được sinh ra sau thời chiến tranh. 

Thế giới ngày xưa giữa lòng Hà Nội  ảnh 2Đủ các loại đèn cũ đến cổ ở chợ phiên đồ xưa

Nhiều nhất, nhưng cũng mang màu sắc bí hiểm nhất chính là những sạp hàng đồ sứ. La liệt bình vôi, bát chiết yêu, bát hoa mai đủ các thời nhà Minh, nhà Nguyễn với men rạn Bát Tràng mà người mua đòi hỏi phải có khối kiến thức đồ sộ mới hiểu được. Nhưng cũng chỉ với khoảng 500 nghìn cho đến 1 triệu đồng đã có thể tìm được cho mình chiếc bát chiết yêu nhìn cổ cổ để Tết chơi hoa thủy tiên. Vài người từ tận Sài Gòn ra cũng tìm mua cây đèn Hoa Kỳ hay cặp đèn cầy chân đồng cao chạm trổ hoa văn, cứ ngỡ như nó từng hiện diện trong ngôi nhà của ông bà Văn Minh trong tiểu thuyết “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng. 

Chợ phiên đồ xưa không chỉ thu hút dân Thủ đô mà cả những người từ Hải Phòng, Nam Định, thậm chí từ tận miền Nam đi phượt miền Bắc, ghé qua Hà Nội đến chơi chợ. Một sáng thứ bảy trùng lịch âm với phiên chợ Bưởi ngày 4, cô bạn ra Hà Nội đi du lịch được tôi dẫn đến chợ phiên đồ xưa mà cứ nức nở khen hay, rồi say mê chụp ảnh, tạo dáng, đóng vai dân chơi đồ cổ rồi đóng vai bà chủ bán hàng cứ y như lên miền Tây Bắc mặc thổ cẩm chụp ảnh với hoa mận trắng. Còn tôi thì dù đến chợ phiên nhiều lần nhưng lần này cũng tìm được cho mình một chiếc đèn pin xịn đeo trán của ai đó chán, giá chỉ 150.000 đồng, có tới 3 nấc đèn chính lại có cả đèn đỏ sau gáy để đi đêm trong rừng. Phượt đôi khi cũng chỉ đơn giản như thế thôi.