Thế giới lo ngại việc “mở rộng” của Trung Quốc

ANTĐ - Do diện tích đất nông nghiệp tại Trung Quốc ngày càng bị thu hẹp vì quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa như “vũ bão”, nước này đã tăng cường thuê đất tại nhiều nơi trên khắp thế giới để canh tác. Việc mở rộng đất nông nghiệp ở nước ngoài của Trung Quốc đã làm dấy lên nhiều lo ngại.

Thế giới lo ngại việc “mở rộng” của Trung Quốc ảnh 1
Nhu cầu lương thực của Trung Quốc ngày càng tăng trong khi diện tích đất canh tác liên tục bị thu hẹp

Thuê 5% tổng diện tích đất Ukraine

Ukraine sắp trở thành nông trường nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc, thông tin thu hút nhiều sự chú ý này được đăng trên tờ Bưu điện Hoa Nam ngày 22-9. Theo thỏa thuận vừa ký kết giữa Tập đoàn sản xuất và xây dựng Tân Cương (XPCC) của Trung Quốc và Công ty Nông nghiệp KSG Agro của Ukraine, phía công ty Ukraine sẽ cung cấp cho Trung Quốc 3 triệu ha đất nông nghiệp, với mục đích để trồng lương thực và chăn nuôi trong thời gian 50 năm. Giai đoạn đầu, Ukraine sẽ bàn giao 100.000 ha, và diện tích được giao sẽ tăng dần sau đó. 

Diện tích này tương đương 5% tổng diện tích đất đai, hoặc 9% diện tích đất canh tác của Ukraine, ngang bằng với diện tích bang Massachusetts của Mỹ hoặc tương đương diện tích nước Bỉ. Tổng đầu tư ban đầu cho dự án ước tính 2,6 tỷ USD - “mức đầu tư nước ngoài chưa từng có” đối với ngành nông nghiệp Ukraine. Cũng theo thỏa thuận, Ukraine sẽ nhận hạt giống và thiết bị, đổi lại, sản lượng thu hoạch và lợn nuôi tại vùng Dnipropetrovsk sẽ được bán với giá ưu đãi cho 2 công ty lương thực quốc doanh Trung Quốc. 

Với dự án đầu tư này, Ukraine sẽ trở thành trung tâm nông nghiệp lớn nhất của Trung Quốc. Theo thông tin đăng ngày 22-9 trên tờ South China Morning Post của Hồng Kông, sau một vài năm, Ukraine sẽ trở thành nhà sản xuất nước ngoài lớn nhất chuyên cung cấp nông sản cho Trung Quốc. Như một phần của thỏa thuận, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã cấp cho Ukraine một khoản vay trị giá 3 tỉ USD để phát triển nông nghiệp. Một số phương tiện truyền thông mô tả thỏa thuận trên giống như việc Trung Quốc mua đất của Ukraine, tuy nhiên, các quan chức Ukraine đã phủ nhận thông tin trên.

Mở rộng nông trại tại nước ngoài

Trung Quốc hiện đứng trước bài toán nan giải là phải nuôi sống số nhân khẩu bằng 1/5 dân số thế giới, trong khi đất nông nghiệp chỉ chiếm 9% trên toàn cầu. Mặc dù sản lượng ngũ cốc sản xuất trong nước đã tăng trong 10 năm liên tiếp, nhưng nhu cầu ngũ cốc nhập khẩu của nước này cũng tăng lên. Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu 15,43 triệu tấn ngũ cốc, tăng hơn 150% so với năm 2011. Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tự sản xuất để đáp ứng tới 95% nhu cầu lương thực của người dân nước này. Bởi vậy, nhiều năm qua, nước này khuyến khích các doanh nghiệp trong nước phát triển hình thức nông trại tại nước ngoài để đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong nước.

 Không chỉ đất nông nghiệp, Trung Quốc còn tăng cường đầu tư vào các ngành khai mỏ ở châu Phi. Năm ngoái, Tập đoàn Vàng quốc gia Trung Quốc đã đàm phán mua 74% cổ phần chi nhánh tại châu Phi của tập đoàn vàng lớn nhất thế giới Barrick Gold. Đây là nhà sản xuất vàng lớn nhất Tanzania, sản lượng mỗi năm khoảng 700.000 ounce, tương đương khoảng 21,8 tấn vàng. Ngoài vàng, Trung Quốc còn đầu tư mạnh vào các dự án dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản trên khắp châu lục. Theo Hiệp hội khai mỏ Trung Quốc, năm 2011, tổng đầu tư của Trung Quốc vào các dự án khai mỏ tại châu Phi xấp xỉ 16 tỷ USD, tăng gấp 10 lần năm 2010.

Dấy lên lo ngại

Hãng tin Reuters dẫn lời một chuyên gia nông nghiệp cho biết trong năm 2009, Trung Quốc có tổng cộng hơn 2 triệu hécta đất nông nghiệp ở nước ngoài, con số thực sự gây lo ngại. Theo các chuyên gia thì việc mở rộng thuê các vùng đất nông nghiệp làm trang trại của Trung Quốc dẫn tới nguy cơ xảy ra nhiều biến tướng xấu. Những người Trung Quốc thường có chính sách là thu mua, thuê đất nông nghiệp để mở trang trại sản xuất sau đó biến những người địa phương thành người làm công ăn lương cho mình nhằm hỗ trợ về an ninh lương thực cho quốc gia này, mặt khác có thể bành trướng được phạm vi ảnh hưởng. Trung Quốc còn bị tố cáo mua đất ồ ạt ở vùng sừng châu Phi, đầu tư vào nông nghiệp ở đây để phục vụ xuất khẩu sang chính Trung Quốc khiến người dân bản địa không có đất canh tác dẫn đến nguy cơ nạn đói.

Năm 2010, tại Kazakhstan đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình với hàng trăm người dân tham gia ngay sau khi giới lãnh đạo thông báo Trung Quốc muốn thuê hàng triệu hécta đất nông nghiệp của nước này. Hồi tháng 6-2013, các chính trị gia Australia đã kêu gọi cần xem xét kỹ lưỡng các thương vụ mua bán trang trại với các khách mua nước ngoài, sau khi các nhà đầu tư Trung Quốc mua trang trại trồng bông lớn nhất của Australia trong năm 2012. 

Nông dân Trung Quốc có mặt khắp thế giới

Từ năm 2007, Trung Quốc đã mua nhiều diện tích đất nông nghiệp tại Nam Mỹ, Đông Nam Á và châu Phi. Trong đó, đầu năm 2010, Tập đoàn lương thực Trùng Khánh đã đầu tư 375 triệu USD để trồng đậu tương trên đất Brazil và 1,2 tỷ USD để trồng đậu, ngô và bông tại Argentina. Năm 2011, tập đoàn Bắc Đại Hoang của Trung Quốc tiếp tục ký hợp đồng thuê 234.000ha đất nông nghiệp để trồng đậu, ngô tại Argentina. Gần đây, năm 2012, Trung Quốc chuyển làn sóng di dân tới Canada. Tại tỉnh Saskatchewan, nơi diện tích đất nông nghiệp chiếm 40% tổng diện tích nước này, đã xuất hiện nhiều di dân Trung Quốc đến định cư. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều người Trung Quốc xuất hiện ở các nước nghèo như Sudan, Zambia, Uganda... để xây dựng các nông trang.