Thế giới không thuận nhiều vấn đề “nóng”

ANTĐ - Trong tuần qua, những vấn đề liên quan đến tình hình Syria  và Iran đã làm “nóng” thêm tình hình quốc tế, vốn đã căng thẳng do kinh tế khó khăn kéo dài…

Hội đồng Bảo an LHQ đã không thông qua được dự thảo nghị quyết mới về Syria do Nga cùng với Trung Quốc, hai nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã phủ quyết một nghị quyết dự thảo do Liên đoàn Ả rập và các nước phương Tây đề xuất, trong đó yêu cầu Tổng thống Syria từ chức.

Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố nêu rõ, Nga kiên quyết theo đuổi mục tiêu sớm ổn định tình hình Syria thông qua việc nhanh chóng tiến hành các cải cách dân chủ ở quốc gia này. Còn Trung Quốc ủng hộ các đề xuất sửa đổi mà Nga đã đưa ra, đồng thời cũng lưu ý các thành viên khác trong Hội đồng Bảo an về việc cần tiến hành thêm các buổi tham vấn về dự thảo nghị quyết đối với vấn đề Syria.

Nhà Trắng hôm 8/2, đã thẳng thừng khước từ đề xuất của Nga là kêu gọi Chính phủ và phe nổi dậy Syria ngồi lại đàm phán và nói rằng, Tổng thống Syria không còn cơ hội. Trong một động thái mới nhất, ngày 9-2, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Antonov tuyên bố, Nga sẽ làm tất cả mọi điều cần thiết để ngăn chặn sự can thiệp quân sự vào Syria từ bên ngoài. Phát biểu hôm 10-2, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga, ông Sergei Ryabkov đã cáo buộc phương Tây là kẻ đồng lõa trong các vụ bạo loạn đổ máu tại quốc gia Trung Đông - Syria. "Phương Tây đã thúc phe đối lập Syria dùng các biện pháp không thỏa hiệp bằng cách hướng dẫn và vũ trang cho họ. Đó là những kẻ đồng lõa làm cho khủng hoảng tồi tệ hơn", ông nói.

Nguồn tin tình báo vừa cho hay, các nhóm binh sỹ Anh và Qatar đã tới thành phố Homs, đánh dấu sự hiện diện lần đầu tiên của quân đội nước ngoài tại điểm nóng nhất trong khủng hoảng Syria. “Binh sỹ Anh và Qatar đang chỉ huy việc phân phối đạn dược và chiến thuật chiến đấu cho lực lượng nổi dậy ở thành phố Homs”, trang điện tử Debkafile của Israel - vốn nổi tiếng với các nguồn tin tình báo quan trọng cho biết. Giới quan sát nhận định, trong những tháng gần đây, quân đội tự do Syria - FSA đang chỉ ra các dấu hiệu chứng tỏ sự lớn mạnh và trưởng thành cả về chất lẫn về lượng của FSA. FSA tuyên bố hiện họ có 37 tiểu đoàn bao gồm khoảng 40.000 binh sĩ trong đó có 17 đến 23 tiểu đoàn quân sự hoạt động thường xuyên. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu ước tính con số binh sĩ của FSA trên thực tế chỉ dao động xung quanh con số 4.000 đến 7.000 người.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định các nguồn hỗ trợ FSA đến từ cộng đồng quốc tế sẽ vấp phải sự phản đối dữ dội và gay gắt từ chế độ Assad cũng như đồng minh của họ ở Iran và tổ chức Hezbollah ở Lebanon, hay từ cả Nga lẫn Trung Quốc. Thứ trưởng Ngoại giao Nga sau chuyến công du ở Syria cho hay, Syria sẵn sàng tổ chức trưng cầu dần ý về Hiến pháp mới và tiến tới bầu cử, theo đó phe đối lập phải chịu trách nhiệm về việc chấm dứt nạn bạo lực tại đây.

Trong khi đó, khác với Libya, từ đầu cuộc khủng hoảng tại Syria đến nay, phương Tây vẫn tỏ ra ngần ngại để giữ một vai trò lớn hơn, chính thức hơn tại Syria về mặt quân sự như thiết lập và kiểm soát vùng cấm bay và các nơi trú ẩn an toàn, nơi dân thường Syria, các chiến binh nổi dậy cùng Quân đội tự do Syria có thể tập trung… Trong động thái mới nhất, Mỹ tuyên bố đóng cửa Đại sứ quán tại Thủ đô Damacus, rút toàn bộ nhân viên ngoại giao cùng Đại sứ Robert Ford về nước, đồng thời đề xuất thành lập liên minh quốc tế chống chính quyền Syria. Gần như cùng lúc, Anh, Bỉ, Pháp, Italia và Tây Ban Nha cũng cho triệu hồi Đại sứ tại Syria để tham vấn về tình trạng gia tăng bạo lực. Sáu nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) - gồm Barain, Kuwait, Oman, Qatar, Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất – cũng quyết định rút đại sứ của mình khỏi Syria, đồng thời yêu cầu đại sứ của Syria rời các nước này ngay lập tức. Trước những sức ép ngày càng tăng mạnh diễn ra đồng thời trên nhiều mặt trận, giới phân tích nhận định tình trạng giao tranh, bạo loạn tại Syria sẽ còn tiếp tục kéo dài.

Ở một “điểm nóng” khác, Iran, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký ban hành các lệnh trừng phạt mạnh hơn đối với Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Iran (CBI) nhằm phong tỏa toàn bộ tài sản của Iran ở Mỹ. Theo đó, Mỹ sẽ phong tỏa tất cả các tài sản và lợi ích của Chính phủ Iran, Ngân hàng Trung ương Iran và tất cả các cơ quan tài chính Iran nằm trong phạm vi quyền lực pháp lý của Mỹ. Bộ Tài chính Mỹ cho biết, các biện pháp trừng phạt mới sẽ ảnh hưởng đến tài sản của tất cả các bộ và cơ quan Nhà nước của Iran.

Trước khi các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ được công bố, hàng chục công ty, các tổ chức tài chính của Iran cũng đã bị phương Tây trừng phạt. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã thắt chặt các chế tài kinh tế đối với CBI và ngành dầu mỏ của Iran.

Một ngày sau khi Mỹ công bố tăng cường các biện pháp nói trên, Bộ Ngoại giao Iran khẳng định không quốc gia hay thế lực nào có khả năng tước đi các quyền về hạt nhân của nước này.

Cùng với Mỹ, 27 nước thành viên EU đã nhất trí biện pháp trừng phạt mới đối với Iran. Theo đó, từ ngày 1-7 tới đây, châu Âu sẽ chấm dứt mua dầu thô từ Iran, với khối lượng nhập khẩu 600.000 thùng dầu/ngày hiện nay. Cả Mỹ và EU đều hy vọng, việc giảm doanh thu từ dầu mỏ sẽ buộc Iran giảm đầu tư vào các chương trình nghiên cứu hạt nhân.

Tuy nhiên, nhiều nước, kể cả đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc, đã từ chối hoặc dè dặt bày tỏ ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Iran. Hơn nữa, việc Trung Quốc và Ấn Độ, hai khách hàng nhập khẩu chiếm tới 34% dầu mỏ Iran tuyên bố không cắt giảm đơn hàng, thậm chí, sẽ mua hầu hết hoặc toàn bộ số dầu mỏ mà EU từ chối nhập khẩu từ Iran chắc chắn là liều thuốc an thần giúp Tổng thống Ahmadinejad yên lòng. Ngoài ra, ông Hufbauer cũng đề cập đến khả năng Iran bán dầu mỏ với giá thấp hơn giá thị trường từ 10-15% để tìm kiếm bạn hàng. Điều này sẽ làm hụt đi 24 tỷ USD trong tổng giá trị thu nhập từ việc xuất khẩu dầu mỏ của Iran - là một thiệt hại nặng nề với nước này - song chưa đủ để làm tê liệt nền kinh tế trị giá 480 tỷ USD.

Trên lĩnh vực kinh tế, liên quan đến cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng tiền chung châu Âu, ngày

7-2, hàng nghìn người gồm nhân viên cứu hỏa, y tá và công nhân viên các lĩnh vực dịch vụ công khác đã tụ tập tại một đường phố ở trung tâm Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha biểu tình phản đối quyết định của Chính phủ tăng giờ làm và cắt giảm trợ cấp y tế.

Còn ở Hy Lạp, theo AFP, các bộ trưởng tài chính khu vực đồng EUR đã quyết định hoãn khoản cho vay thứ hai 130 tỷ EUR cho Hy Lạp để cứu nước này khỏi phá sản, đồng thời yêu cầu nước này trong vòng chưa đầy 1 tuần nữa phải đáp ứng thêm các điều kiện mới. Cụ thể là Hy Lạp phải cắt giảm chi tiêu thêm 325 triệu EUR trong năm 2012, Chính phủ liên minh Hy Lạp phải cam kết cải tổ mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế.

Ngày 9-2, Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos và các đối tác liên minh đã đạt được thỏa thuận về mức cắt giảm mới trong kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” để có thể nhận được gói cứu trợ tài chính thứ hai trị giá 130 tỷ Euro, gói cứu trợ có ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế nước này thì ngày 10-2, các liên đoàn tại Hy Lạp đã bắt đầu cuộc đình công kéo dài 48 giờ cùng với biểu tình để phản đối EU ra thêm điều kiện khắc khổ cho nước này. Nhiều người dân Hy Lạp cho rằng những điều kiện của EU đưa ra quá ngặt nghèo, nhất là việc cắt giảm lương và tiền hưu của họ, điều này đã đẩy họ đến đường cùng khi mà lương liên tục cắt giảm trong 5 năm qua.

Cũng trong tuần qua, hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến Thủ tướng Romania, ông Emil Boc từ chức nhằm xoa dịu những căng thẳng kinh tế và xã hội trong nước. Sự sụp đổ của Chính phủ Rumania là hệ quả tất yếu sau nhiều tuần liên tiếp đất nước này chìm trong những cuộc biểu tình phản đối các biện pháp khắc khổ do Chính phủ đề ra để cắt giảm ngân sách, thắt chặt chi tiêu công.