Thế giới đang mua nhiều vũ khí như thời Chiến tranh lạnh

ANTD.VN - Theo Học viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), giá trị thương mại vũ khí toàn cầu đang đạt đến cao mức chưa từng thấy từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh.

SIPRI vừa công bố một thống kê mới vào hôm 20-2, cho thấy tổng kim ngạch thương mại vũ khí toàn cầu đã tăng 8,4% trong thời gian từ 2012 – 2016 so với giá trị của giai đoạn 2007 – 2011.

Mỹ và Nga vẫn là 2 nhà cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới, lần lượt chiếm 33% và 23% tổng giá trị, trong đó Mỹ chỉ yếu xuất khẩu sang Trung Đông còn vũ khí Nga phần lớn tiêu thụ tại châu Á.

Số tiền chi cho vũ khí đang tăng mạnh trên toàn thế giới

Trung Quốc (6,2%), Pháp (6%) và Đức (5,6%) là 3 nước còn lại nằm trong top 5 nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Trung Quốc là nước đã có mức tăng trưởng xuất khẩu vũ khí đến 70% trong 5 năm qua, trong khi Pháp và Đức lại chứng kiến sự sụt giảm đi trông thấy.

Các quốc gia ở châu Á và châu Đại Dương chiếm 43% tổng giá trị nhập khẩu, trong đó riêng Ấn Độ là 13%, điều biến nước này thành nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới. Ấn Độ đã có giá trị nhập khẩu tăng 43% trong 5 năm qua, nhiều hơn rõ ràng so với 2 nước láng giềng Trung Quốc và Pakistan.

Nhập khẩu vũ khí của các nước Đông Nam Á cũng tăng mạnh và chiếm 3% tổng giá trị của thế giới. Trung Quốc hiện đang là nước thứ 2 sau Nga trong việc cung cấp vũ khí cho châu Á.

Thị trường Trung Đông đã chứng kiến sự tăng trưởng 86% trong 5 năm qua, riêng Ả-Rập Saudi có ngân sách mua thiết bị quân sự tăng 212% và đang có giá trị nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới, sau Ấn Độ.

Cùng lúc đó, châu Âu, Phi và Mỹ lại có giá trị nhập khẩu vũ khí giảm, tuy nhiên, Mexico vẫn tăng 200% ngân sách mua thiết bị quân sự trong 5 năm qua.