Thế giới có vaccine phòng sốt rét đầu tiên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tổ chức Y tế Thế giới tuần qua đã đưa ra khuyến nghị sử dụng rộng rãi loại vaccine phòng bệnh sốt rét được mong chờ từ lâu. Quyết định này một phần ghi nhận đóng góp của các nhà khoa học châu Phi tham gia phát triển loại vaccine này.
Việc thông qua vaccine phòng sốt rét tạo ra nhiều hy vọng mới trong bảo vệ sức khỏe trẻ em châu Phi

Việc thông qua vaccine phòng sốt rét tạo ra nhiều hy vọng mới trong bảo vệ sức khỏe trẻ em châu Phi

“Món quà dành cho thế giới”

Hôm 6-10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức xác nhận việc sử dụng vaccine sốt rét đầu tiên trên thế giới cho trẻ em tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm từ trung bình tới cao tại châu Phi. “Đây là món quà dành cho thế giới, vaccine ngừa sốt rét là điều mà chúng ta đã mong mỏi từ rất lâu rồi. Vaccine RTS,S cùng với các công cụ hiện có để ngăn ngừa sốt rét có thể cứu sống hàng trăm nghìn trẻ em mỗi năm” - Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO nhận định.

Vaccine sốt rét RTS,S hay Mosquirix là sản phẩm ra đời sau 30 năm nghiên cứu, phát triển của hãng dược phẩm Anh GlaxoSmithKline phối hợp với tổ chức y tế phi lợi nhuận PATH có trụ sở tại Seattle và một mạng lưới các trung tâm nghiên cứu châu Phi, với sự tài trợ một phần từ Quỹ Bill và Melinda Gates. “Hiện nay, chúng tôi đang tập trung làm việc với các đối tác để phát triển các giải pháp đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và lâu dài đối với những người cần tới vaccine sốt rét” - đại diện GlaxoSmithKline cho biết.

Sốt rét là căn bệnh nguy hiểm do một loại ký sinh trùng từ muỗi gây ra nhưng cũng có thể lây truyền qua cấy ghép nội tạng hay dùng chung kim tiêm. Mỗi năm có khoảng 400.000 người chết vì bệnh sốt rét trên toàn cầu, trong đó có 260.000 trẻ em tại châu Phi. Trung bình, cứ 2 phút lại có 1 trẻ em châu Phi qua đời vì sốt rét.

Vaccine Mosquirix kích hoạt hệ miễn dịch ngăn ngừa Plasmodium falciparum - loại ký sinh trùng sốt rét nguy hiểm nhất, phổ biến ở châu Phi. Đây cũng là loại vaccine đầu tiên được phát triển cho một bệnh ký sinh trùng, vốn phức tạp hơn nhiều so với bệnh từ virus hoặc vi khuẩn. Động thái của WHO là bước đầu tiên giúp việc phân phối vaccine rộng rãi ở các nước nghèo trở nên dễ dàng hơn. Tiến sĩ Pedro Alonso, Giám đốc chương trình sốt rét toàn cầu của WHO, gọi đây là sự kiện lịch sử. “Việc tìm ra vaccine thế hệ đầu tiên chống ký sinh trùng ở người là bước tiến về khoa học”, Tiến sĩ Pedro Alonso nói.

Công ty dược phẩm Anh quốc đã tài trợ 10 triệu liều cho chương trình thử nghiệm, bắt đầu vào năm 2019 để kiểm tra tính khả thi của việc triển khai và cam kết cung cấp tới 15 triệu liều vaccine hàng năm cho các quốc gia đang phát triển với chi phí phải chăng. Vaccine RTS,S có thể sử dụng cho trẻ em từ 4 tháng tuổi trở lên và đạt hiệu quả tối đa sau 4 mũi tiêm. Đến nay, hơn 800.000 trẻ em đã được tiêm vaccine thí điểm thông qua các bệnh viện, nâng tỷ lệ bảo vệ khỏi bệnh sốt rét lên đến 70%. Nghiên cứu về mô hình dịch tễ thực hiện vào năm ngoái ước tính nếu được triển khai cho các quốc gia có tỷ lệ mắc sốt rét cao nhất, vaccine có thể ngăn ngừa 5,4 triệu ca nhiễm và 23.000 trường hợp tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm.

Vinh danh đóng góp của các nhà khoa học châu Phi

Tiến sĩ Akpaka Kalu, Cố vấn của WHO tại khu vực châu Phi về các bệnh nhiệt đới và lây truyền qua véc-tơ ngày 7-10 cho biết, kết quả tích cực từ các chương trình thí điểm tiêm vaccine sốt rét đang diễn ra ở 3quốc gia châu Phi - Ghana, Malawi và Kenya - đã khiến tổ chức này khuyến nghị sử dụng rộng rãi vaccine RTS, S/AS0 hay Mosquirix ở trẻ em ở châu Phi cận Sahara. “Các bộ dữ liệu được tạo ra trong các nghiên cứu và thử nghiệm thực địa này là của các nhà khoa học châu Phi”, Tiến sĩ Akpaka Kalu nhấn mạnh. Theo ông Kalu, các bên liên quan đang thảo luận để chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho châu Phi khi các cơ sở trên lục địa này hoàn thiện việc xây dựng cơ sở hạ tầng để sản xuất vaccine Covid-19. “Chúng tôi hy vọng rằng công nghệ tương tự như sản xuất vaccine-Covid sẽ được sử dụng để sản xuất vaccine sốt rét và các vaccine khác trong tương lai”, ông Kalu nói.

Tại Ghana, Tiến sĩ Keziah L Malm, Giám đốc Chương trình Kiểm soát Sốt rét Quốc gia chia sẻ, bà cảm thấy tự hào về những đóng góp của các đồng nghiệp khi tham gia thử nghiệm lâm sàng đó. “Đã khá là lâu nhưng thật vui khi thấy kết quả hợp tác của các nhà khoa học Ghana, những người mà tôi biết cá nhân đã thực hiện nghiên cứu này”. Bệnh sốt rét là căn bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến người châu Phi và điều quan trọng là nghiên cứu về cách phòng ngừa đều do các chuyên gia ở châu lục này dẫn đầu.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Doyin Odubanjo, một chuyên gia y tế cộng đồng và Thư ký điều hành của Viện Khoa học Nigeria, cho biết vaccine chỉ là một công cụ chống lại bệnh sốt rét và không nên được coi là “phép màu” trong phòng bệnh. “Vaccine có thể giảm các trường hợp sốt rét ác tính và tác dụng của nó cũng giảm đi nhanh chóng. Điều này có nghĩa là chúng ta không được từ bỏ các công cụ khác”, ông Odubanjo nói. Hiện có rất nhiều ứng viên ngừa sốt rét được nghiên cứu song chưa qua thử nghiệm lâm sàng. Màn ngủ, biện pháp phổ biến nhất, chỉ giảm khoảng 20% số ca tử vong vì sốt rét ở trẻ dưới 5 tuổi.

Đây là món quà dành cho thế giới, vaccine ngừa sốt rét là điều mà chúng ta đã mong mỏi từ rất lâu rồi. Vaccine RTS,S cùng với các công cụ hiện có để ngăn ngừa sốt rét có thể cứu sống hàng trăm nghìn trẻ em mỗi năm”

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus (Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới)