Thế giới cấp bách “hạ nhiệt” lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lạm phát phi mã diễn ra diện rộng trên hầu khắp các nền kinh tế thế giới đã dẫn tới những hệ lụy ảnh hưởng tới không chỉ tăng trưởng mà còn cả thu nhập, đời sống của người dân, nhất là những người nghèo và người yếu thế, nên nhiều quốc gia đã coi “hạ nhiệt” lạm phát là một trong những ưu tiên cấp bách hàng đầu hiện nay.

Đối mặt với thách thức lạm phát

Ứng phó với lạm phát và tình trạng giá leo thang là ưu tiên hàng đầu của chính phủ nhiều nước trên thế giới lúc này. Hầu khắp toàn cầu, từ các nền kinh tế phát triển đến những nền kinh tế đang hay chậm phát triển; quốc gia xuất siêu hay nhập siêu… đều phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao kéo dài, thậm chí còn trở thành khủng hoảng ở một số nước.

Tại nền kinh tế lớn nhất thế giới, người dân Mỹ phải chứng kiến và gánh chịu lạm phát leo thang chóng mặt trong 2 năm qua. Số liệu mới nhất do Bộ Lao động Mỹ công bố cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7-2022 ở nước này dù không tăng so với tháng 6, song chỉ số này vẫn tăng tới 9,1% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong 40 năm. Sở dĩ lạm phát tại Mỹ có phần hạ nhiệt trong tháng 7 vừa qua là do giá xăng dầu thế giới giảm tới 20% cùng thời gian.

Lạm phát cao trên toàn cầu đe dọa ổn định vĩ mô tăng trưởng kinh tế và tác động tiêu cực tới đời sống người lao động, người nghèo

Lạm phát cao trên toàn cầu đe dọa ổn định vĩ mô tăng trưởng kinh tế và tác động tiêu cực tới đời sống người lao động, người nghèo

Giá dầu giảm cũng là nguyên nhân chính kéo giảm lạm phát tại Đức trong tháng 7-2022, chỉ tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đây vẫn là mức cao trong hàng chục năm qua của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này. Dù tỷ lệ lạm phát hiện giảm nhẹ trong tháng 7, song các chuyên gia kinh tế cho rằng, tỷ lệ lạm phát của Đức sẽ tăng trở lại trong những tháng tới khi gói cứu trợ giảm giá nhiên liệu và vé 9 euro hết hiệu lực vào cuối tháng 8 này.

Văn phòng Thống kê quốc gia Anh cho biết, lạm phát ở nước này trong tháng 6 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua do giá xăng và dầu diesel tăng mạnh, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp ở nước này. Theo đó, chỉ số CPI của Anh trong tháng 6 đã tăng lên 9,4%, so với 9,1% trong tháng 5. Tỷ lệ lạm phát của Anh đã tăng trong 9 tháng liên tiếp và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) còn dự báo, lạm phát sẽ đạt đỉnh trên 11% khi hóa đơn năng lượng tăng mạnh trở lại vào mùa thu tới.

Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC), chỉ số CPI cơ bản của nước này tháng 6-2022 tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 10 liên tiếp chỉ số này tăng và là tháng có mức tăng cao nhất trong khoảng 7 năm qua ở nền kinh tế lớn thứ hai châu Á và thứ ba thế giới này. Giới phân tích dự báo lạm phát ở Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục tăng cao hơn so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) trong phần còn lại của năm nay.

Lạm phát đang là mối quan tâm, lo lắng của các quốc gia Đông Nam Á. Áp lực từ lạm phát ở Thái Lan đã tăng lên đáng kể thời gian qua với tỷ lệ lạm phát toàn phần chạm mức 7,61% trong tháng 7-2022, gần bằng mức cao nhất trong 14 năm ghi nhận trong tháng 6 trước đó là 7,66%. Điều này đã buộc Bộ Thương mại Thái Lan phải nâng dự báo lạm phát trung bình năm 2022 lên 5,5-6,5% so với dự báo từ mức 4-5% đưa ra trước đó.

Cục Thống kê Malaysia (DOSM) cho biết, tỷ lệ lạm phát của nước này được đo bằng chỉ số CPI đã tăng 3,4% trong tháng 6-2022 so với một năm trước. Tại quốc gia láng giềng của Việt Nam, theo Ngân hàng quốc gia Campuchia (NBC), tỷ lệ lạm phát ở nước này đã liên tục tăng trong những tháng đầu năm nay, từ mức 1,22% trong tháng 2 lên 1,61% trong tháng 3 và tăng vọt lên mức 7,2% trong tháng 5, mức cao nhất được ghi nhận trong thập niên gần đây.

Lạm phát gia tăng cao và diễn ra trong thời gian dài vừa qua đã dẫn tới nguy cơ mất cân đối vĩ mô, tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế chung trên toàn cầu cũng như của mỗi quốc gia. Đặc biệt, lạm phát cao đe dọa kéo giảm những bước tiến trong việc xóa đói giảm nghèo, khiến cho cuộc sống những người lao động thu nhập thấp, người nghèo và đối tượng yếu thế càng thêm khó khăn hơn.

Cùng “đổ nước dập ngọn lửa lạm phát”

Chưa phục hồi sau đại dịch Covid-19 khiến các chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn, đứt gãy lại xảy ra cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine làm giá năng lượng và lương thực tăng vọt là những nguyên nhân chính gây ra lạm phát cao trên toàn cầu.

Giá lương thực và thực phẩm toàn cầu vốn đã tăng cao từ trước đại dịch Covid-19 và xung đột quân sự tại Ukraine, song 2 cuộc khủng hoảng đã đẩy tốc độ tăng giá lên nấc thang mới. Trong đó, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), trong 2 tháng 3 và 4 năm nay, giá lương thực - thực phẩm toàn cầu lập kỷ lục cao nhất mọi thời đại. Chỉ số giá lương thực-thực phẩm toàn cầu (FCPI) của WB trong tháng 3 và 4-2022 tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 80% so với cùng kỳ năm 2020.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine khi chiến tranh mới nổ ra đã khiến giá dầu thế giới leo thang chóng mặt, trong đó giá dầu Brent có lúc đạt 147 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008. Dù giá dầu thô đã giảm từ mức 120 USD/thùng hồi đầu tháng 6 về vùng 100 USD/thùng trong tuần này, song vẫn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng trở lại.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, ở thời điểm hiện tại, lạm phát toàn cầu sẽ tiếp tục đi lên và thế giới phải cùng nỗ lực “đổ nước để dập ngọn lửa lạm phát”. Theo định chế này, lạm phát sẽ “hạ nhiệt” vào năm 2023 khi những biện pháp triển khai của các quốc gia phát huy tác dụng. Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho rằng, các ngân hàng trung ương cần đẩy mạnh nỗ lực chống lạm phát. Đó là một ưu tiên lúc này và cần phải duy trì nỗ lực này tới khi các lạm phát thực sự được ghìm giữ một cách chắc chắn.

Mỗi quốc gia, tùy theo mức độ lạm phát cũng như điều kiện và đặc thù của mình, đang triển khai các biện pháp chống lạm phát khác nhau. Tuy nhiên, các nước đều có “phương thuốc” chủ yếu xưa nay để “đặc trị” lạm phát là tăng lãi suất cơ bản.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã 4 lần tăng lãi suất từ đầu năm 2022 tới nay, lần gần đây nhất là ngày 27-7 khi cơ quan này quyết định nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm lần thứ 2 liên tiếp kể từ tháng 6. Hiện lãi suất cho vay qua đêm ở Mỹ đã tăng lên ngưỡng 2,25 - 2,5%, mức cao nhất kể từ tháng 12-2018. Việc nâng lãi trong 2 cuộc họp liên tiếp là động thái cứng rắn nhất của FED kể từ khi cơ quan giữ vai trò ngân hàng trung ương của Mỹ bắt đầu sử dụng lãi suất qua đêm làm công cụ chính sách tiền tệ chủ lực từ đầu thập niên 1990.

Ngân hàng trung ương khắp thế giới trong tuần qua cũng đã tiếp tục tăng lãi suất, trong đó Anh nằm trong nhóm nước tăng mạnh nhất với quyết định tăng lãi suất cơ bản từ 1,25% lên 1,75% trong nỗ lực kiềm chế lạm phát và đây là đợt tăng lãi suất cơ bản cao nhất ở Anh trong 27 năm qua. Thái Lan trước đó nằm trong số một trong vài nước châu Á kiên trì giữ vững lãi suất, song Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) cũng vừa nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong gần 4 năm để chống lạm phát và duy trì năng lực phục hồi của nền kinh tế sau dịch Covid-19.

Bên cạnh các biện pháp nâng lãi suất ngân hàng, chính phủ nhiều nước đã trợ giá cho các doanh nghiệp, trong khi các công ty cũng tiến hành tăng tiền lương. Nhiều tập đoàn, công ty lớn ở Hàn Quốc cùng nhất trí tăng lương lên mức cao nhất trong vòng 19 năm. Bộ Lao động Hàn Quốc ghi nhận lương ở các công ty có 100 nhân viên trở lên đã tăng 5,3% trong nửa đầu năm nay, mức tăng cao nhất kể từ năm 2003.