Thế giới biến động, du lịch gặp khó

ANTĐ - Làm thế nào để tháo gỡ những thách thức trong việc sụt giảm khách du lịch Nga đến Việt Nam thời gian gần đây cũng như giải quyết vấn đề thị thực và hàng không...  là những vấn đề đặt ra đối với Tổng cục Du lịch trong năm 2015. 

Thế giới biến động, du lịch gặp khó ảnh 1Sự sụt giảm lượng khách Nga vào Việt Nam là không tránh khỏi


Giảm 1,5 triệu khách từ thị trường Trung Quốc

Bước vào tháng cuối năm 2014, ngành Du lịch đối diện với một thách thức mới: lượng khách du lịch Nga vốn là thị trường trọng điểm của Việt Nam đã sụt giảm mạnh, có thể thấy rõ ở những “điểm nóng” du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Hội An...

Nhận thức rõ tình hình này, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, ngành Du lịch đã có những biện pháp kịp thời nhằm gỡ khó cho các địa phương. Trong đó, Tổng cục Du lịch đã phối hợp tổ chức các hội nghị, giảm giá dịch vụ vận chuyển, ăn uống, khách sạn… để ưu tiên, hỗ trợ cho thị trường Nga. Cùng với đó là tiếp tục duy trì và đẩy mạnh quan hệ với các công ty chủ chốt đưa khách Nga tới Việt Nam, tuyên truyền xúc tiến vào thị trường khách Nga qua các chương trình quảng cáo, tham gia các hội chợ của Nga, cũng như phối hợp cùng các địa phương cải thiện sản phẩm, thu hút và đáp ứng nhu cầu của thị trường này… Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Tuấn, đây mới chỉ là những đkhắc ộng thái nhằm phục tình hình, để phục hồi ngay lập tức không đơn giản. 

Đánh giá về mức độ sụt giảm của thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Tuấn cũng đưa ra một con số đáng lưu ý. Đó là trong năm 2014, ước tính số lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam đã sụt giảm 1,5 triệu người, trong đó, có 1 triệu khách Trung Quốc và 0,5 triệu khách từ thị trường nói tiếng Hoa. Hiện tại, ngành Du lịch đang tiếp tục thực hiện những chương trình xúc tiến, quảng bá để đưa lượng khách này trở lại Việt Nam.  

Khai thác thị trường mới

Việc đẩy mạnh khai thác các thị trường khách mới, nhất là những thị trường chi tiêu cao như Tây Âu, Trung Đông, Australia và Ấn Độ cũng là mục tiêu mang tính định hướng. Theo con số điều tra của ngành Du lịch, 1 du khách Nga hay châu Âu có thể chi tiêu gấp 4-5 lần du khách Trung Quốc. Song song với việc mở rộng thị trường khách du lịch quốc tế, năm 2015 ngành Du lịch cũng chú trọng triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam ưu tiên du lịch Việt Nam”. Đây được coi là chiến lược quan trọng không chỉ khích lệ tình yêu quê hương đất nước của mỗi cá nhân, mà còn bù đắp những khó khăn gây ra do sự bất ổn của lượng khách du lịch quốc tế, đóng góp thêm nguồn thu xã hội cho hoạt động du lịch. 

Có thể nói, năm 2014 là một năm đầy thách thức đối với du lịch Việt Nam. Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định,  ngành du lịch phải đối phó với nhiều khó khăn, thách thức như dịch bệnh Ebola bùng phát ở châu Phi, tai nạn hàng không liên tiếp xảy ra, tâm lý e ngại du lịch hay bạo lực, xung đột đẫm máu xảy ra ở nhiều quốc gia. Ngoài những tác động khách quan, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cũng cho rằng, việc kiểm soát chất lượng dịch vụ, đảm bảo môi trường du lịch, công tác quản lý điểm đến nếu không thay đổi sẽ tác động rất xấu đến lượng khách ở mỗi điểm đến. Cùng với đó, công tác quản lý Nhà nước trong việc ban hành văn bản, hướng dẫn triển khai còn chậm, nhận thức về du lịch của các cấp, các ngành nhiều địa phương còn chưa đầy đủ, dẫn đến đầu tư cho du lịch chưa đồng bộ, hiệu quả.

Giải quyết vấn đề này, Nghị quyết 92/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới ban hành ngày 8-12-2014 được cho là kịp thời và sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch trong năm 2015. Trong đó, mục tiêu sẽ là tập trung giải quyết những vấn đề đa ngành, đa vùng, nâng cao nhận thức của xã hội, tăng cường hỗ trợ của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo an ninh, an toàn để thu hút khách và phát triển du lịch đồng thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch.