Thế giới 21 xu hướng trong năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Năm 2021 đặc biệt khó dự đoán bởi các mối tương tác giữa đại dịch do virus SARS-CoV-2, sự phục hồi kinh tế không đồng đều và địa - chính trị không ổn định. Sau 1 năm đầy “dư chấn” đặc biệt như năm 2020, một số bài học và thay đổi tích cực trong khủng hoảng đã xuất hiện. Dưới đây là xu hướng về những rủi ro và cơ hội mà chúng ta có thể trải qua trong năm 2021.

Những thay đổi về địa - chính trị

Không còn quốc gia nào rời EU. Có nhiều đồn đoán rằng sự ra đi của Anh báo trước sự kết thúc của EU. Tuy nhiên, điều đó khó xảy ra bởi Brexit không phải là mô hình truyền cảm hứng do nước Anh bị chia rẽ, kinh tế bị tổn hại và nỗi tức giận của người dân. Mặt khác, hầu hết các quốc gia khác có bản sắc văn hóa hơn với tư cách là thành viên của Liên minh châu Âu.

Phép thử cho quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden sớm phải đối mặt với một phép thử chính sách đối ngoại từ Trung Quốc, quốc gia vừa bước ra khỏi năm đại dịch nhưng ở thế mạnh hơn, giàu hơn và linh hoạt hơn. Những tháng đầu tiên của một chính quyền mới là thời điểm thích hợp cho một bài kiểm tra như vậy.

Thỏa thuận hòa bình cho Yemen. Gần đây, Saudi Arabia kêu gọi ngừng bắn, đồng thời quân đội Chính phủ Yemen và phiến quân Houthi đã trao đổi tù nhân quy mô lớn vào tháng 9-2020. Diễn biến này cùng với chính sách của chính quyền mới ở Mỹ vì thế có thể dẫn đến đình chiến ở Yemen.

Nắm quyền ở Nhật Bản vẫn là Đảng LDP và Đức là CDU. Kết quả thăm dò cho thấy, Đảng Dân chủ Tự do - LDP và tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ không gặp phải bất kỳ sự phản đối nghiêm trọng nào vào năm 2021. Tương tự, Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo CDU/CSU của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cầm quyền 15 năm nay nhưng vẫn chưa có đối thủ nào đủ mạnh để vượt.

Ấn Độ tăng trưởng trở lại từ đầu quý I-2021. Một trong những bi kịch lớn nhất của cuộc khủng hoảng Covid-19 là buộc các nước thu nhập thấp phải lựa chọn giữa việc đóng cửa nền kinh tế hay tiếp tục mở cửa, chấp nhận rủi ro để duy trì tiến bộ đã đạt được trong nhiều năm. Ấn Độ là một trong những nước sớm mở cửa trở lại trong năm 2020, số ca nhiễm Covid-19 đã lên hơn 10 triệu trường hợp (chỉ đứng sau Mỹ), nhưng tình hình tăng trưởng có vẻ như đang được cải thiện.

Kinh tế - Thị trường

Xu hướng phục hồi kinh tế hỗn hợp. Sau đại dịch, sự phục hồi kinh tế sẽ khá “loang lổ”, do các đợt bùng phát và hạn chế hoạt động xuất hiện luân phiên, trong khi các Chính phủ phải xoay xở để các doanh nghiệp duy trì việc làm cho người lao động.

Doanh nghiệp chịu thách thức hơn. Ngoài áp lực do môi trường kinh doanh cũng chịu sự chi phối từ cuộc đấu tranh về địa chính trị, các chủ doanh nghiệp cũng phải đối mặt với áp lực từ bên dưới, khi nhân viên và khách hàng yêu cầu họ đứng về vấn đề biến đổi khí hậu và công bằng xã hội.

Hiện thực hóa thu nhập cơ bản. Khi đại dịch bất ngờ quét sạch tài chính của hàng triệu người mà không phải do lỗi của họ, một số Chính phủ như Tây Ban Nha, Đức, Mỹ đã phát tiền cho các gia đình nghèo. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong năm 2021, bởi kinh tế toàn cầu sẽ không phục hồi ngay, đại dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài nên tiền trợ cấp sẽ là cần thiết với bất kỳ người lao động nào.

Tỷ lệ người nghèo ở Mỹ sẽ gia tăng. Nước Mỹ đang trong thời kỳ suy thoái, gói kích thích kinh tế chống đại dịch Covid-19 sẽ hết hạn vào cuối tháng 3-2021, dẫn đến chu kỳ tương tự năm 2020: sự cải thiện diễn ra chóng vánh, tiếp theo là sự suy thoái và bế tắc do “dùng dằng” quyết sách ở Quốc hội.

Cuối năm, giá dầu kết thúc ở mức giá trên 55 USD/thùng. Các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn vẫn cam kết hạn chế hạn ngạch khai thác để giữ cho giá dầu không bị tụt dốc. Bên cạnh đó, 2 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính, việc ngành duy nhất tạo thêm việc làm ở Mỹ là dầu khí góp phần thúc đẩy tâm lý lạc quan của thị trường.

Thế giới ít “xê dịch” hơn. Ngành Du lịch sẽ thu hẹp và thay đổi cách thức, trong đó chú trọng hơn đến du lịch nội địa. Các hãng hàng không, chuỗi khách sạn và nhà sản xuất máy bay cũng như các trường đại học phụ thuộc nhiều vào sinh viên nước ngoài sẽ gặp khó khăn.

Thị trường thịt làm từ thực vật sẽ tăng ít nhất 20%. Các sản phẩm thịt có nguồn gốc từ thực vật - được thiết kế để có hương vị và hàm lượng chất dinh dưỡng của thịt mà không gây hại cho môi trường hay sử dụng động vật - được cho là sẽ tăng 20% so với năm trước, bởi khách hàng thích dùng thử thứ mới lạ, lại bảo vệ môi trường.

Đại dịch Covid-19

Cuộc chiến vaccine Covid-19. Khi những loại vaccine đầu tiên được sản xuất hàng loạt, trọng tâm sẽ chuyển từ nỗ lực bào chế phát triển sang nhiệm vụ khó khăn không kém là phân phối. Ngoại giao vaccine sẽ đi kèm với các cuộc cạnh tranh giữa các nước về vấn đề này.

Một đợt bùng phát bệnh chết người mới sẽ xuất hiện. Dù đó có thể không phải là đợt bùng phát bùng phát đến mức độ như đại dịch Covid-19, nhưng căn bệnh bắt đầu từ động vật lây sang người là hoàn toàn có thể xảy ra. Chúng ta chặt phá rừng và phá hủy môi trường sống của động vật khác trong khi nhiều loại động vật được chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh chính là điều kiện khiến dịch bệnh ngày càng có khả năng bùng phát.

100 triệu người Mỹ sẽ được tiêm vaccine ngừa Covid-19 vào cuối tháng 4-2021. Các chuyên gia dự báo của Vox.com cho rằng, mục tiêu của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden: phân phối 100 triệu liều vaccine trong 100 ngày đầu tiên làm Tổng thống - có thể đạt được, bởi nước Mỹ đang tăng tốc để đạt 1 triệu mũi tiêm mỗi ngày.

Lời cảnh tỉnh cho những rủi ro khác. Các học giả và nhà phân tích đã cảnh báo về nguy cơ đại dịch như Covid-19 trong nhiều năm. Vì thế, đợt dịch xảy ra làm thế giới lao đao năm 2020 sẽ là bài học để các nhà hoạch định chính sách phải nghiêm túc xem xét lại những rủi ro khác, chẳng hạn như tình trạng kháng kháng sinh và khủng bố hạt nhân.

Thế giới tiếp tục chứng kiến rủi ro và cơ hội đan xen trong năm 2021

Thế giới tiếp tục chứng kiến rủi ro và cơ hội đan xen trong năm 2021

Khoa học - công nghệ

Năm tăng tốc công nghệ. Vào năm 2020, đại dịch đã đẩy nhanh việc áp dụng nhiều hoạt động công nghệ, từ hội nghị truyền hình và mua sắm trực tuyến đến làm việc từ xa và học từ xa. Vào năm 2021, những thay đổi này sẽ nhanh chóng trở lại và trở nên rõ ràng hơn.

Bước tiến mới từ trí thông minh nhân tạo (AI). Vào năm 2020, một số đột phá đáng kinh ngạc của lĩnh vực AI đã làm rung chuyển thế giới sinh học. Điều này có thể sẽ giúp tăng tốc và cải thiện khả năng phát triển các loại thuốc mới. Vì thế, lĩnh vực AI đang chuyển động với tốc độ nhanh đến mức chúng ta sẽ thấy ít nhất bước đột phá tầm cỡ vào năm 2021.

Lượng khí thải carbon toàn cầu sẽ tăng lên. Đây là một dự đoán lâu năm, và gần như năm nào cũng đúng. Năm ngoái, lượng khí thải carbon toàn cầu đã giảm, nhưng là do nền kinh tế toàn cầu gần như đóng cửa, điều này sẽ không duy trì được vào năm 2021.

Nhiệt độ trung bình trên thế giới sẽ tăng so với năm 2020. Chắc chắn đây là điều năm nào cũng phải nhắc tới. Mặc dù năm ngoái lượng khí thải trên toàn cầu giảm nhưng nó không làm giảm nhiệt độ trung bình mà chỉ làm tốc độ tăng chậm hơn một chút.

Cơ hội cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Bối cảnh khủng hoảng là cơ hội để hành động chống biến đổi khí hậu, khi các chính phủ đầu tư vào các kế hoạch phục hồi xanh để tạo việc làm và cắt giảm khí thải. Những cam kết đó sẽ được đẩy mạnh một phần bởi Hội nghị về khí hậu của Liên hợp quốc bị trì hoãn từ năm 2020 và có thể tái khởi động trong năm 2021.