Thế giới 2016 nhìn lại: Mọi vòng xoay "trật bánh"

ANTD.VN - Năm 2016 được xem là một năm của những bất ngờ, với nhiều sự kiện diễn ra ngoài dự đoán. Nếu như năm 1989 - khi bức tường Berlin sụp đổ - là thời điểm đánh dấu tiến trình toàn cầu hóa, nền dân chủ tự do và quan điểm hiện đại của phương Tây thắng thế, thì năm 2016 lại bị coi là thời điểm mọi vòng xoay bị “trật bánh”.

Thế giới chấn động khi tay súng sát hại Đại sứ Nga Andrey Karlov ở Ankara ngày 19-12

Những cú sốc chính trị

Vụ sát hại Đại sứ Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov tối 19-12 có thể khiến người ta liên tưởng tới vụ ám sát Thái tử Áo - Hung Francis Ferdinand năm 1914, nhưng gần như chắc chắn rằng vụ việc này sẽ không làm khơi dậy cuộc xung đột kiểu Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Những người lo ngại về khả năng xung đột sau vụ ám sát Đại sứ Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 19-12 đã cảm thấy bất ngờ khi Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran nói rõ rằng họ sẽ đoàn kết và tiếp tục hội đàm ở Matxcơva thảo luận về vấn đề Syria. 

Tuy nhiên, vụ tấn công bằng xe tải cùng ngày 19-12 làm 12 người thiệt mạng và 48 người bị thương ở Berlin diễn ra vài giờ sau đó có thể làm gia tăng khả năng sẽ có một cú sốc chính trị khác ở châu Âu.

Vụ tấn công vào một chợ Giáng sinh ở Thủ đô Berlin của Đức khiến khả năng phe cực hữu trở lại nắm quyền ở nước Đức mang tính khả thi hơn - dù điều đó khó có thể xảy ra trong cuộc tổng tuyển cử năm tới. Ngoài ra, vụ tấn công này cũng sẽ làm gia tăng sức ép với Thủ tướng Đức Angela Merkel về các chính sách nhập cư của bà.

Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) là vấn đề “nóng” năm 2016

Chính trường châu Âu và những cuộc bỏ phiếu bất ngờ

Các kết quả bỏ phiếu đầy bất ngờ như việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là vấn đề Brexit, cùng một loạt sự kiện nổi bật khác trên khắp thế giới, là lời nhắc nhở rằng sự đồng thuận của người dân đã mất đi. Năm 2017 có thể sẽ chứng kiến sự tiết chế hơn nhưng cũng có thể mọi việc sẽ trở nên mất kiểm soát hơn nữa.

Vụ việc ở Berlin cũng thúc đẩy khả năng Chủ tịch Đảng Mặt trận Dân tộc cực hữu ở Pháp, bà Marine Le Pen, có thể thắng cử Tổng thống năm 2017. Hàng loạt vụ tấn công ở Pháp đã giúp cho Đảng Mặt trận Dân tộc của bà Marine Le Pen dần chiếm lại ưu thế so với cánh tả. Chắc chắn phe ôn hòa ở châu Âu sẽ cố gắng lấy lại ảnh hưởng trong năm tới, như những gì chúng ta chứng kiến trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Áo. 

Cũng tại châu Âu, trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6-2016, cử tri Anh đã quyết định chấm dứt 43 năm “chung sống” với Liên minh châu Âu (EU). Nguy cơ tan rã của khối manh nha xuất hiện. Nhiều người cho rằng kết quả của cuộc bỏ phiếu này trước hết là do tâm lý bất mãn của người dân Anh trước giới cầm quyền, điều này đang dần phổ biến ở khắp các quốc gia phương Tây.

Nếu như Thủ tướng Anh Theresa May thực hiện lời nói của mình, tiến trình Brexit sẽ được thực hiện trong năm 2017 và nước Anh sẽ kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để rời khỏi EU. Không ai thực sự biết rõ điều đó sẽ tác động đến mức độ nào, một phần là bởi vì không một ai có khái niệm chính trường châu Âu sẽ ra sao vào cuối năm tới.

Nếu không có gì thay đổi, năm 2017 sẽ chứng kiến châu Âu “thụt lùi” trong lý tưởng về thương mại tự do và mở cửa biên giới. EU có thể sẽ không chống chọi được điều đó. Trong khi đó, ở Đông Âu, Nga đang chờ đợi để can thiệp nhằm tìm cách làm trầm trọng hơn những bất ổn chính trị và để xoay chuyển tình thế có lợi cho họ. 

Sau chiến thắng của ông Donald Trump, tương lai tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng trở nên u ám, khi ông này đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ rằng cần phải xem xét lại những nước ít đóng góp cho khối liên minh quân sự này. 

Có thể nói, một sự kiện nổi bật trong năm 2016 là việc ông Donald Trump bất ngờ đắc cử Tổng thống Mỹ. Thắng lợi của ông Trump hồi tháng 11-2016 được cho là kết quả của sự bất bình trong dân chúng Mỹ.

Chiến thắng của ông Trump không phải là sự khởi đầu của một bước ngoặt chuyên chế của nước Mỹ. Khi bỏ phiếu chọn ông Trump, cử tri Mỹ không mong muốn đoạn tuyệt với nền dân chủ, mà chối bỏ tầng lớp lãnh đạo của họ nhưng vẫn ở lại trong cái khung nền dân chủ.

Tổng thống đắc cử Donald Trump vẫn chưa bước vào Nhà Trắng, nhưng ông và những bài viết trên mạng Twitter của ông, đang tạo ra tác động lớn. Hiện rất khó có thể dự đoán chính xác điều đó có nghĩa là gì, nhưng dấu hiệu này cho thấy ông sẽ là một Tổng thống rất khác biệt. Điều đó có thể đồng nghĩa với việc mối quan hệ Mỹ - Nga sẽ tạm thời trở nên tốt đẹp hơn. 

Ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ là một trong những sự kiện nổi bật nhất năm 2016

Sẽ có cuộc mặc cả lớn

Các bình luận của ông Trump sau hai vụ tấn công hôm 19-12 rõ ràng liên hệ vụ sát hại Đại sứ Nga ở Ankara với vụ tấn công ở Berlin và bày tỏ ý định tiếp tục đàm phán về việc hợp tác chặt chẽ hơn với Nga, cụ thể trong chiến dịch tiêu diệt các tay súng Hồi giáo.

Điều đó cũng có thể là dấu hiệu cho thấy sẽ có cuộc “mặc cả lớn” về vấn đề Syria, đặc biệt trong bối cảnh thành phố chiến lược Aleppo quay trở về quyền kiểm soát của Chính phủ Syria và chiến thắng của phe đối lập sẽ khó trở thành hiện thực. Bản đồ địa chính trị Trung Đông đang thay đổi do sự lật ngược ngoạn mục tình hình Syria theo hướng có lợi cho chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Tháng 9-2015, quân nổi dậy Syria, được phương Tây, các nước vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ đã tưởng như có thể chiếm được Damascus. Tuy nhiên, sự can thiệp của Nga đã “cứu” chế độ Assad và thậm chí còn giúp lực lượng này tái chiếm Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria. Và giờ, Nga có thể coi là đang nắm vị thế chủ đạo trong khu vực.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte

Quan hệ Mỹ - Trung bị tác động

Trước những diễn biến đó, chính quyền ông Trump sẽ rơi vào thế bất đồng hơn với Trung Quốc. Vụ việc Trung Quốc tịch thu thiết bị lặn không người lái của Mỹ trên Biển Đông có thể là dấu hiệu cho thấy mọi việc sẽ trở nên căng thẳng xung quanh vùng biển tranh chấp này sau một năm nhiều biến động tại đây.

Một nhân tố gắn kết Bắc Kinh với hệ thống quốc tế trong 25 năm qua đó là họ hưởng lợi lớn từ việc tham gia vào hệ thống thương mại tự do - điều mà ông Trump có ý định hạn chế, nếu không muốn nói là xóa bỏ hoàn toàn. 

Một sự kiện khác cũng tác động đến quan hệ Mỹ - Trung là vào tháng 5-2016, ông Rodrigo Duterte - một người có xu hướng dân túy - đã đắc cử Tổng thống Philippines và tung ra một chiến dịch bài trừ ma túy gây nhiều chấn động, một chiến dịch bị coi là phớt lờ tất cả các nguyên tắc của một Nhà nước pháp quyền.

Trên thực tế, Philippines vẫn nằm dưới sự bảo hộ của Mỹ kể từ khi giành được độc lập, tuy nhiên nhà lãnh đạo Philippines đã quyết định thay đổi mối quan hệ này và xích lại gần hơn với Trung Quốc. Nguy cơ để mất đồng minh Philippines đã khiến chiến lược của Mỹ tại Đông Nam Á chao đảo, đồng thời khiến cho vấn đề tranh chấp Biển Đông diễn biến theo chiều hướng có lợi cho Trung Quốc.

Có thể nói, năm 2016 là một năm cực kỳ phức tạp với nhiều diễn biến khó lường. Những tác động của các sự kiện đó sẽ còn kéo dài và ảnh hưởng sâu rộng. Chính vì vậy, việc trông đợi rằng năm 2017 sẽ yên bình hơn sẽ là điều không mấy khả dĩ.