Xung quanh clip thầy giáo tát học sinh ở Bình Định

Thầy không ra thầy, trò không ra trò

ANTĐ - Những cái tát thẳng cánh của thầy giáo trẻ dành cho học trò của mình ngay trên bục giảng và bất ngờ hơn là thái độ phản kháng, đánh lại thầy của cậu học trò đó đã tạo ra cái nhìn thiếu thiện cảm về hình ảnh  thầy trò ngày nay. 
Thầy không ra thầy, trò không ra trò ảnh 1
Thầy giáo quát mắng và đánh mạnh nhiều lần vào mặt một học sinh và cảnh nam sinh 
xông vào tấn công đáp trả thầy giáo. (Ảnh cắt từ clip)

Những cái tát phản tác dụng 

Tối 17-2, clip thầy giáo Trần Anh Tuấn, giáo viên dạy môn Hóa học, lớp 11A1, là giáo viên hợp đồng của trường THPT Nguyễn Huệ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định tát 2 học sinh ngay trong giờ học được lan truyền nhanh chóng trên mạng. Khỏi phải nói phản hồi về clip này nhiều như thế nào khi mà cậu học sinh không kiềm chế được đã đánh trả lại thầy. Nhiều người cho rằng hành động này không thể xảy ra trong một trường THPT khi mà học sinh bị đánh thẳng tay trước tất cả các bạn trong lớp. Sự việc trở nên phức tạp khi đáp lại hành động của người thầy là sự đánh trả của học trò và những phản ứng không đồng tình khác của học sinh trong lớp. Với hành động phản giáo dục này, các nhà sư phạm đều khẳng định đây là điều không thể chấp nhận trong môi trường dạy – học.

Nhận xét về sự việc này, bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội cho rằng đây hẳn phải là hệ quả của một quá trình kéo dài bởi thực tế trong các lớp học không thể có những hành động bột phát như vậy từ cả phía thầy lẫn trò. “Đây là hiện tượng không bình thường, không phổ biến trong trường học. Ở trường học của chúng tôi cũng có rất nhiều giáo viên nóng tính có thể mắng học sinh rất gay gắt. Tuy nhiên, học sinh rất nhạy cảm. Các em đều có thể nhận biết được hành động này của các thầy cô xuất phát từ mong muốn của giáo viên để các em học tập, rèn luyện tốt hơn. Thậm chí có em còn viết thư cho tôi, nói rằng chính vì những lời mắng của thầy cô trên lớp mà em đó đã thay đổi” – bà Nguyễn Thị Nhiếp cho biết, “Các em học sinh độ tuổi này dù là bồng bột, khó kiềm chế cảm xúc nhưng các em đủ khả năng nhìn nhận ra sự đúng sai và nguyên nhân tốt xấu trước cách ứng xử của giáo viên. Hành động học sinh đánh trả giáo viên ngay trên lớp chắc chắn phải có nguyên nhân cần tìm hiểu kỹ từ phía giáo viên lẫn học sinh để có cách giải quyết thỏa đáng. Riêng bản thân tôi luôn rất tin tưởng vào học sinh của mình”. 

Bài học đắt giá

Trước sự việc này, ông Đào Đức Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định cho biết, vụ việc xảy ra trước Tết Nguyên đán và Sở đang yêu cầu nhà trường, các cá nhân liên quan làm kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm để có hướng xử lý cụ thể; quan điểm của Sở là sẽ xử lý vụ việc nghiêm túc, không bao che cho giáo viên. Theo ông Đào Đức Tuấn, trong sự việc này thì giáo viên và học sinh đều có hành động sai. Giáo viên trẻ, thiếu kinh nghiệm nên xử lý sự việc như vậy rất phản cảm. 

Nói về thái độ của mình đối với hành động của thầy giáo trong clip, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội khẳng định nếu là ở trường mình thì sẽ không chỉ có kỷ luật, cảnh cáo. “Tôi không nói riêng về nguyên nhân của sự việc hay tư cách cá nhân thầy giáo đó. Nhưng với vụ việc này, nếu là hiệu trưởng của trường đó, tôi sẽ không bố trí để thầy giáo đó tiếp tục giảng dạy trên lớp” – PGS Văn Như Cương khẳng định.

Không đi sâu phân tích hành động của thầy giáo hay học sinh, vấn đề PGS Văn Như Cương chỉ ra ở đây là hiệu quả giáo dục với học trò khi sự việc như vậy xảy ra. “Nếu vẫn để thầy giáo đó tiếp tục lên lớp giảng bài rồi khuyên nhủ học sinh trong khi đã để xảy ra vụ việc nghiêm trọng như vậy thì làm sao học sinh lớp đó có thể tiếp thu được lời dạy của thầy. Còn nếu bố trí lớp khác, trường khác ở địa phương đó, phụ huynh, học sinh cũng sẽ truyền tai nhau vụ việc này. Nói gì thì nói, thầy dạy hay đến đâu nhưng nếu để có sự thiếu tin tưởng, thậm chí là gây ức chế trong suy nghĩ của học trò thì chắc chắn hiệu quả giáo dục từ thầy giáo là không có” – PGS Văn Như Cương phân tích.

Sự việc này, dù nguyên nhân có là gì, thì cũng là 1 bài học chung về việc giữ gìn hình ảnh người thầy trên bục giảng.