Thay đổi quy chế tuyển sinh đại học 2022 không ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Năm 2022, quy định về cách thức đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên một hệ thống lọc ảo của Bộ GD-ĐT vẫn đang khiến nhiều người băn khoăn về quyền lợi của thí sinh cũng như quyền tự chủ của các trường đại học.

Quy định tuyển sinh đại học mới ngăn gọi thí sinh nhập học sớm

Phân tích số liệu trong vài năm gần đây cho thấy, có hiện tượng tỷ lệ thí sinh trúng tuyển sau lọc ảo nhưng số nhập học thực tế lại ngày càng giảm. Do đó, một số cơ sở đào tạo đã xét tuyển bằng các phương thức khác (không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển) để yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học ngay, tuy nhiên việc này lại làm thí sinh mất cơ hội nhập học ở các trường có mức ưu tiên cao hơn hoặc phải nộp tiền để “giữ chỗ” gây bức xúc dư luận.

Bộ GD-ĐT khẳng định các trường vẫn được quyền tự chủ xét tuyển và xác định thí sinh trúng tuyển sớm

Bộ GD-ĐT khẳng định các trường vẫn được quyền tự chủ xét tuyển và xác định thí sinh trúng tuyển sớm

Do thí sinh xét tuyển và trúng tuyển cùng lúc vào nhiều trường nên tỷ lệ thí sinh ảo rất cao, hệ quả là các thí sinh “giữ chỗ” làm mất cơ hội của nhiều thí sinh khác. Bên cạnh đó, các trường không xác định được tỷ lệ thí sinh nhập học dẫn đến tuyển sinh vượt chỉ tiêu, chất lượng tuyển sinh không hoàn toàn đảm bảo do không xét tuyển cùng một thời điểm (trường không có điều kiện để lựa chọn các thí sinh có chất lượng tốt hơn). Đặc biệt, một số cơ sở đào tạo xét thí sinh trúng tuyển nhưng không đưa lên hệ thống để loại các thí sinh này ra khỏi danh sách dự tuyển, làm ảnh hưởng đến kết quả lọc ảo chung của toàn hệ thống.

“Để khắc phục những tồn tại, bất cập trên, dự thảo Quy chế tuyển sinh đã có những điều chỉnh về mặt kỹ thuật, đó là thực hiện lọc ảo chung tất cả phương thức xét tuyển trong xét tuyển đợt 1. Theo đó, thí sinh sẽ trúng tuyển một nguyện vọng tốt nhất trong khả năng của mình, đồng thời hạn chế tối đa số lượng thí sinh ảo” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) khẳng định. Tuy nhiên, do việc lọc ảo chỉ triển khai sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 nên rõ ràng thời điểm các trường có thể công bố danh sách thí sinh trúng tuyển và yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học có thể chậm hơn 2 - 3 tuần so với các năm trước. “Với cách thực hiện này, hệ thống lọc ảo sẽ mang lại lợi ích lớn hơn cho thí sinh và cho toàn hệ thống các trường” - bà Nguyễn Thu Thủy cho biết.

Lọc ảo chung không hạn chế tự chủ của nhà trường và thí sinh

Theo kế hoạch, Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ tuyển sinh theo 3 phương thức gồm xét tuyển thẳng, dựa vào kết quả học tập THPT (học bạ) và dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Với phương thức xét học bạ, trường dự kiến nhận hồ sơ đợt 1 từ ngày 1-3 đến hết ngày 29-4, thông báo kết quả vào ngày 4-5. Tương tự như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhiều trường đại học đưa ra phương thức tuyển sinh bằng kết quả học tập kết hợp chứng chỉ quốc tế.

Đây là cơ hội để các thí sinh đăng ký và cạnh tranh suất vào đại học sớm trước khi có kết quả tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, năm nay do Bộ GD-ĐT chưa ban hành Quy chế tuyển sinh nên các trường đều chưa thể tiến hành xét và công bố điểm chuẩn, thí sinh trúng tuyển như các năm trước. Từ thực tế này, câu hỏi được nhiều người đặt ra là quy định này có ảnh hưởng đến quyền tự chủ tuyển sinh của các trường khi phải chờ đợi đợt lọc ảo chung và liệu việc này có hạn chế quyền lựa chọn của các thí sinh khi mỗi em chỉ đỗ 1 nguyện vọng duy nhất.

Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết, dự thảo Quy chế tuyển sinh đã có những điều chỉnh về mặt kỹ thuật đó là thực hiện lọc ảo chung tất cả phương thức xét tuyển trong xét tuyển đợt 1. Việc này không làm ảnh hưởng đến quyền tự chủ của các cơ sở đào tạo, các trường vẫn có thể xét tuyển sớm và thông báo danh sách đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) cho thí sinh. Các trường tự chủ và chịu trách nhiệm trong việc xét tuyển, quyết định điểm trúng tuyển và đưa lên hệ thống để lọc ảo.

Thí sinh vẫn có thể xét tuyển và biết được khả năng mình trúng tuyển vào nhiều trường (không làm giảm cơ hội trúng tuyển của thí sinh). Thực chất, hệ thống của Bộ không xét tuyển mà chỉ hỗ trợ sắp xếp nguyện vọng của các thí sinh dựa trên các ưu tiên của các em để lựa chọn ra nguyện vọng cao nhất mà các em có thể trúng tuyển. Theo đó, thí sinh sẽ trúng tuyển một nguyện vọng tốt nhất trong khả năng của mình, đồng thời hạn chế tối đa số lượng thí sinh ảo.

Bà Nguyễn Thu Thủy khẳng định, thí sinh vẫn được đăng ký không giới hạn về số nguyện vọng và các em được trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất, ưu tiên nhất của mình (đã sắp xếp theo thứ tự nguyện vọng) khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, nguyên tắc “chỉ đỗ 1 nguyện vọng duy nhất” là đảm bảo quyền lợi của thí sinh (theo nguyện vọng ưu tiên nhất), bởi nếu thí sinh đỗ nhiều nguyện vọng mà chỉ nhập học 1 nguyện vọng sẽ lấy mất cơ hội của một số thí sinh khác. Các cơ sở giáo dục đại học vẫn đảm bảo quyền tự chủ trong tuyển sinh theo quy định, áp dụng các phương thức xét tuyển đa dạng với các đối tượng thí sinh đa dạng, đồng thời dự báo được chính xác số lượng trúng tuyển do số lượng thí sinh ảo giảm tối đa.

Năm nay sẽ không còn tình trạng một thí sinh trúng tuyển nhiều trường đại học

Năm nay sẽ không còn tình trạng một thí sinh trúng tuyển nhiều trường đại học

Thí sinh nông thôn lo bị thiệt

Cùng với việc các trường đại học đưa ra nhiều phương thức xét tuyển, không ít lo lắng đã được thí sinh gửi tới Bộ GD-ĐT về việc mất cơ hội cạnh tranh công bằng do thuộc khu vực học tập khó khăn. Giải thích về việc này, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, tâm lý thu gọn chỉ tiêu đối với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT là không chính xác. “Đối với mùa tuyển sinh năm nay, phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ vẫn là phương thức xét tuyển cơ bản và chủ yếu nhất ở hầu hết các trường. Đối với thí sinh vùng nông thôn được cộng điểm khu vực do điều kiện học tập khó khăn hơn so với học sinh những vùng đô thị. Đây có thể coi là một điểm ưu tiên hơn dành cho các em. Tất nhiên, nếu các em muốn đăng ký vào những ngành “hot”, trường “hot” thì phải chấp nhận có sự cạnh tranh lớn hơn” - ông Điền phân tích.

Cung cấp cho thí sinh thông tin về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết, năm nay, chưa đến 10% chỉ tiêu được các trường dành cho các phương thức khác. Do đó, tới 90% vẫn xét tuyển theo 2 phương thức học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT, vì thế cơ hội của thí sinh vẫn rất lớn. “Ngoại trừ những trường thi tuyển bằng các môn năng khiếu, còn lại hầu hết các trường đều có sử dụng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ. Không trúng tuyển vào trường này, các em vẫn có cơ hội ở rất nhiều trường khác. Còn với mong muốn đỗ vào những trường top đầu thì mức độ cạnh tranh lúc nào cũng cao hơn, dù bằng phương thức nào đi chăng nữa. Chính vì thế, thí sinh luôn cần giữ tâm thế vươn lên để vào được các trường hàng đầu” - bà Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.

Như vậy, theo thống kê của Bộ GD-ĐT thì dù số lượng chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT có giảm đi nhưng nó chỉ dịch chuyển giữa 2 phương thức sử dụng học bạ và điểm thi tốt nghiệp. Việc này không ảnh hưởng lớn đến thí sinh ở các vùng nông thôn, khó khăn.