Thay đổi kiểu làm ăn "chộp giật", 40% khách quốc tế quay trở lại Việt Nam

ANTD.VN -Trong những năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng nhanh, góp phần đưa du lịch trở thành 1 trong 5 ngành có thu nhập ngoại tệ lớn nhất nước, với hơn 20 tỷ USD mỗi năm. Một tín hiệu đáng mừng, mới đây Tổng Cục Du lịch đã công bố kết quả điều tra khách quốc tế năm 2017, trong đó 40% số khách từng đến Việt Nam quay trở lại.

Thay đổi kiểu làm ăn "chộp giật", 40% khách quốc tế quay trở lại Việt Nam ảnh 1

Lượng khách quốc tế quay trở lại Việt Nam ngày càng tăng

Cú hích của ngành du lịch

Được biết, những người làm du lịch Việt Nam từng lo ngại khi 80% khách du lịch nước ngoài không quay trở lại. Còn trước đó, theo Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA), khách du lịch quay lại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 6%. Ngay cả với khách nội địa, chỉ 24% đến thăm các điểm du lịch lần thứ hai và 13% đến lần thứ ba.

Như vậy, con số mới nhất mà Tổng Cục Du lịch đưa ra vào đầu tháng 7-2018: gần 60% số khách đến Việt Nam lần đầu tiên và 40% số khách đến Việt Nam từ lần thứ hai trở lên là một tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch Việt.

Đây là kết quả điều tra khách quốc tế năm 2017. Cuộc khảo sát đã được tiến hành với 27.000 phiếu theo phương pháp chọn mẫu tại 12 cửa khẩu quốc tế trên cả nước (4 cửa khẩu đường không, 4 cửa khẩu đường bộ và 4 cảng biển).

Chia sẻ với PV Báo An ninh Thủ đô, PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch cho rằng, có một số nguyên nhân khiến du khách quay trở lại Việt Nam và không thể không kể đến trong những năm gần đây du khách đến Việt Nam du lịch nhận thấy những cơ hội liền quay trở lại nhiều lần để đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt, điều này còn liên quan đến câu chuyện phát triển kinh tế của các điểm đến. PGS-TS Phạm Trung Lương cũng đưa ra một lý do quan trọng không kém, nhiều địa phương trên cả nước đã chú trọng chất lượng các khu nghỉ dưỡng.

“Loại hình du lịch nghỉ dưỡng có sức hút lớn đối với các du khách. Đứng ở góc độ thuần túy du lịch, đây là điều đáng phấn khởi. Bên cạnh cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ tươi đẹp; chất lượng, tiện nghi của các khu nghỉ dưỡng biển đã được nâng cao, thu hút du khách quay lại” - PGS-TS Phạm Trung Lương nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc Công ty TransViet Travel, hướng dẫn viên du lịch là một trong những yếu tố tác động đến việc du khách có quay trở lại Việt Nam hay không. Ví như trong một hành trình khám phá Đông – Tây Bắc khi mùa thu về, hướng dẫn viên không chỉ giới thiệu với du khách những điểm đến họ sẽ đặt chân mà còn giới thiệu thêm nhiều tour tuyến khác tại Việt Nam cũng được ưa chuộng như tour Hà Nội - Huế - Đà Nẵng - Sài Gòn, du ngoạn đồng bằng Sông Cửu Long... gây tò mò, khơi gợi cho du khách ý tưởng sẽ tiếp tục đến Việt Nam du lịch để có thêm nhiều trải nghiệm.

Vẻ đẹp của các bãi biển Việt Nam hấp dẫn du khách quốc tế

Quảng bá du lịch không thể “treo đầu dê, bán thịt chó”

Tuy nhiên, con số 40% lượng khách quay trở lại vẫn hết sức chênh lệch với các quốc gia láng giềng khi 82% lượng khách du lịch quay trở lại Thái Lan trên hai lần và 89% lượng khách du lịch quay trở lại Singapore.

Để kích cầu du lịch, gia tăng lượng khách quốc tế, PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch đưa ra 3 lời khuyên cho các doanh nghiệp lữ hành. Một là cần tìm ra được tài nguyên đặc biệt của điểm đến du lịch mà nơi khác không có để quảng bá xúc tiến.

Hai là cần tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ, bởi cùng là tour du lịch biển đảo, du khách chắc chắn sẽ ưu tiên nơi có dịch vụ vượt trội hơn. Du khách đi du lịch muốn bình yên, thư giãn, sử dụng dịch vụ tốt có thể tránh cho họ những phiền hà không đáng có. Nếu hài lòng, họ không ngại ngần giới thiệu tới các bạn bè mình.

Điều thứ 3, các doanh nghiệp lữ hành cần lưu ý, nên quảng bá du lịch có trách nhiệm: làm tốt hơn và quảng bá đúng với thực tế, tránh hiện tượng “treo đầu dê, bán thịt chó”.

PGS-TS Phạm Trung Lương nêu lại bài học khi gần đây, một số du khách tới Việt Nam du lịch đã “tố” trải nghiệm thực tế khác một trời một vực so với hình ảnh quảng cáo, hay, du khách bị tài xế lái xe taxi “chặt chém”... PGS-TS Phạm Trung Lương so sánh, điều đó như một “điểm đen trên tờ giấy trắng”, gây ảnh hưởng rất lớn đối với ngành du lịch Việt. Mà theo lẽ thường, người ta rất khó còn nhớ tới tờ giấy trắng mà chỉ ấn tượng với điểm đen. Lấy lại uy tín rất khó, vì vậy, khi dịch vụ còn non trẻ thì nên hoàn thiện chứ chưa nên quảng bá rầm rộ và cần đẩy lùi tư duy làm du lịch kiểu “ăn xổi”.

Đồng thời, các chuyên gia du lịch cũng chỉ ra: khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam ngoài ăn, ngủ, tham quan danh lam thắng cảnh thì vẫn ít có các hạng mục vui chơi giải trí và mua sắm. Do đó, về kế hoạch dài hạn, Việt Nam cần tạo dựng những “thiên đường” mua sắm cho khách du lịch, nơi mà họ có thể mua những đồ lưu niệm, sản phẩm thủ công truyền thống độc đáo với giá cả phải chăng.

Theo kết quả điều tra mới nhất, Tổng Cục Du lịch cũng chỉ ra 93,46% khách hài lòng về chuyến du lịch tại Việt Nam; 5,91% đánh giá mức bình thường; 0,63% đánh giá ở mức không hài lòng. Khách đi theo tour chiếm gần 40%, khách đi tự túc chiếm 60%.

Chi tiêu trung bình của khách lưu trú tại Việt Nam hiện cao nhất là hơn 1.790 USD mỗi lượt, thuộc về khách châu Đại dương. Lần lượt xếp sau là khách châu Mỹ với 1.525 USD, khách châu Âu - 1.295 USD, khách châu Á - 995 USD. Độ dài thời gian chuyến đi bình quân đối với khách lưu trú là 9,27 ngày.