Thay đổi bao bì để tăng giá sữa

ANTĐ - Không ít người tiêu dùng tỏ thái độ bất bình trước việc một số hãng sữa tăng giá với lý do thay đổi bao bì. Đây phải chăng là chiêu “lách luật” của các hãng sữa trước quy định về đăng ký giá của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ 1-1-2013?

Một số nhãn hiệu sữa bột đã được “thay tên đổi họ” (ảnh minh họa)

Đổi tên gọi, chất lượng vẫn vậy

Thay vì tên gọi sữa hộp Enfalac A+ cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi hay Enfakid A+ cho trẻ từ 3 tuổi trước đây, các loại sữa này hiện đều được đổi thành “sản phẩm dinh dưỡng”.  Trong khi đó, Lactogen Gold 2 có tên mới là “thức ăn công thức dinh dưỡng” dành cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi. Sản phẩm Friso Gold cho trẻ từ 1-3 tuổi cũng ghi là “thực phẩm bổ sung”. Kèm theo việc “thay tên đổi họ” này, các hãng sữa đã kịp tăng giá thêm 10% so với giá bán trước tháng 1-2013. 

Chị Thúy Hiền (Lò Đúc) sau khi nhận được tin nhắn điều chỉnh giá sữa của đại lý gần nhà không khỏi lo lắng: “Giá sữa lại tăng, nhưng chất lượng có tăng?”. Đây cũng là thắc mắc của nhiều người tiêu dùng bởi chất lượng sữa và giá sữa vẫn luôn “bí ẩn” với rất nhiều người dân. 

Theo chị Hồng Anh (Cầu Giấy), người tiêu dùng nào cũng muốn mua những sản phẩm có mẫu mã đẹp. Nhưng chi thêm tiền tới gần 10% chỉ để lấy cái vỏ đẹp, trong khi kinh tế khó khăn như hiện nay là quá lãng phí. Tuy nhiên, người tiêu dùng không còn lựa chọn khác ngoài việc chấp nhận giá bán mới, bởi không thể để con đói vì thiếu sữa.

Đáng chú ý, không riêng gì mặt hàng sữa mà một số sản phẩm tiêu dùng thiết yếu khác cũng thường xuyên dùng chiêu này để tăng giá. Điều đáng nói ở đây là giá sữa được điều chỉnh trong bối cảnh, Bộ Tài chính có quy định từ 1-1-2013, doanh nghiệp muốn điều chỉnh giá sữa bột cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá.

Tăng giá phải minh bạch

Theo quy định của Luật Giá, Bộ Tài chính chỉ chấp thuận cho tăng giá bán sản phẩm nếu doanh nghiệp đưa ra được bản tính toán giá thành hàng hóa, dịch vụ (đối với hàng sản xuất trong nước), giá vốn nhập khẩu (nếu là hàng hóa nhập khẩu) hợp lý. Đối phó với quy định này, doanh nghiệp đã kịp thời thay đổi mẫu mã, tên gọi sản phẩm sữa bột để tránh phải kê khai cho mỗi lần điều chỉnh. Các sản phẩm sữa đã nhanh chóng biến thành sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, hay thức ăn công thức dinh dưỡng. 

Ngoài lý do đổi bao bì, thì doanh nghiệp hay viện lý do giá nguyên liệu nhập khẩu, tỷ giá tăng khiến giá cả mặt hàng tăng. Được biết, ở thời điểm hiện tại, giá nguyên liệu sữa trên thế giới và tỷ giá đều ổn định, cơ quan quản lý cũng chưa nhận được thông tin đăng ký giá bán mới của bất cứ doanh nghiệp sữa nào.

Trao đổi với phóng viên ANTĐ, ông Vương Ngọc Tuấn - phụ trách Văn phòng Tư vấn khiếu nại, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: “Việc các doanh nghiệp thay đổi tên như vậy mới là đúng. Vì nếu là sữa thì phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn quy định của Nhà nước về các thành phần của sản phẩm”. Theo ông Tuấn, Hiệp hội đã từng phát hiện có những sản phẩm gọi là sữa nhưng không đủ tiêu chuẩn chất lượng quy định, mà chúng chỉ là thực phẩm bổ sung, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, giá sữa tăng rất cần phải công khai minh bạch những nguyên nhân tạo nên sự tăng giá.  Rõ ràng, quản lý giá và chất lượng sữa vẫn là vấn đề nhức nhối. Trong khi chờ đợi biện pháp quản lý hữu hiệu từ cơ quan chức năng thì người tiêu dùng tiếp tục phải móc hầu bao chi trả cho những khoản vô lý”.

Tin cùng chuyên mục