Thấu hiểu lòng dân ngay

ANTĐ - Hiếm thấy câu hỏi nào được xã hội tranh cãi nảy lửa như câu hỏi dành cho Bộ trưởng GTVT, khi chất vấn ông nên ngồi ở văn phòng thông qua cấp phó cùng bộ máy đốc thúc công việc, hay cần phải “ra đường” cầm tay chỉ việc, thậm chí “trảm tướng” ngay tại hiện trường?

- Đã là “tư lệnh” ngành, ai chẳng muốn ngồi trên sa lông, có máy điều hòa hai chiều nóng-lạnh êm ru, chỉ tay 5 ngón. Không ai muốn “xông pha” ra tận công trình để “bắt tận tay, day tận trán” kiểu làm ăn tắc trách, chậm tiến độ, kém chất lượng đâu. Thế thì hóa ra là đốc công à?

- Thì cũng có thiểu số ý kiến cho rằng, “tư lệnh” là phải vạch ra đường lối, cơ chế thực thi. Nếu cứ phải “chạy” ra đường, ra sân bay... thì điều đó chứng tỏ cấp dưới thiếu năng lực, bộ máy trì trệ, trên bảo dưới không nghe hoặc có nghe nhưng bỏ ngoài tai. 

- Khi ông Bộ trưởng phải lăn lộn, lặn lội trên các công trình cầu đường, tức là đã thừa nhận “tướng lĩnh” và bộ máy của mình yếu kém. Nhưng tôi nghĩ, ông ấy ra đường là để không nghe báo cáo láo, để biết sự nhiễu nhương của cấp dưới, để biết sự vận hành của bộ máy địa phương quan cách ra sao, nhất là nghe thấu những tâm tư, nguyện vọng của dân.

- Từ chuyện Bộ trưởng Giao thông ra đường, nhiều người cho rằng, các vị “tư lệnh” ngành khác cũng nên vi hành vào bệnh viện, trường học, công sở, hải quan, thuế... Không quá khó đâu, để các vị có thể thấy ngay vì sao người dân, doanh nghiệp kêu ca mãi mà chưa thấu tai người có trách nhiệm và lương tâm.

- Ai cũng xông pha… trận tiền thế thì thấu hiểu ngay lòng dân mà!