Thất thoát, lãng phí, nợ công ngày càng lớn

ANTĐ - Đồng hồ nợ công toàn cầu (Global debt clock) trên trang The Economist.com cho thấy, nợ công của Việt Nam hiện ở mức trên 80,070 tỷ USD, nghĩa là bình quân mỗi người dân Việt Nam đang gánh 886,36 USD nợ công, tăng 11,2% so với năm 2013. Trong đó, đầu tư công là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến món nợ khổng lồ này.

Giám sát, kiểm tra thường xuyên đầu tư công sẽ hạn chế tình trạng lãng phí, thất thoát

Trong 3 năm qua, nợ công của Việt Nam không ngừng tăng lên. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương công bố hồi cuối năm 2013, năm 2012 con số này đã lên tới trên 1,6 triệu tỷ đồng (gần 80 tỷ USD), đồng nghĩa với việc mỗi quý Việt Nam phải trả nợ gốc và lãi tới 25.000-26.000 tỷ đồng (trên 1 tỷ USD), tương đương 16% thu ngân sách. Và con số này vẫn tiếp tục tăng lên trong năm ngoái. 

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, toàn bộ thâm hụt ngân sách Nhà nước là để dành cho đầu tư công và được tài trợ bởi vốn vay trong và ngoài nước. Thêm vào đó, đa số nợ trong và ngoài nước cũng là để dành cho đầu tư công, hoặc là đầu tư trực tiếp của Chính phủ, của chính quyền địa phương hoặc chuyển cho doanh nghiệp Nhà nước đầu tư. Ngân sách quốc gia có hạn buộc Việt Nam phải đi vay nợ nước ngoài để đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư cơ sở hạ tầng, an ninh, quốc phòng, phục vụ nhiệm vụ ổn định chính trị, xã hội, phát triển kinh tế. Nhưng đáng chú ý, nhiều dự án đầu tư công lại kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí. Câu chuyện về hàng nghìn dự án chậm tiến độ trong 6 tháng năm 2013 là những ví dụ. 

Trao đổi với báo giới, Tiến sĩ Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT) cho rằng: “Nếu vay nợ để hoạt động đầu tư  hiệu quả, tạo ra công ăn việc làm thì là điều tốt. Ngược lại, vay nợ để các doanh nghiệp đầu tư thất thoát, đẩy chi phí cao thì sẽ là một gánh nặng đè lên vai người dân. Áp lực này được nhìn nhận đang san sẻ vào thuế, phí, và lạm phát”. Thực tế trên cho thấy vấn đề vĩ mô của đất nước tưởng như xa vời với người dân nhưng lại rất sát sườn khi nó được quy về một mối là “gánh nặng thuế, phí”. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, thông thường, nợ công ở dưới ngưỡng 60% GDP là trong mức cho phép. Theo cách tính toán quốc tế, nợ công của Việt Nam đang ở mức trên 100% GDP, bao gồm cả nợ của trung ương, nợ của các địa phương, các doanh nghiệp Nhà nước. Lý giải cho việc tán thành phương án tính nợ công bao gồm cả nợ của các doanh nghiệp Nhà nước, bà Phạm Chi Lan nói: “Doanh nghiệp Nhà nước phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn Nhà nước bởi có 2 tình huống. Một là doanh nghiệp Nhà nước được Nhà nước bảo lãnh để vay nợ. Hai là doanh nghiệp không được bảo lãnh nhưng khi nợ không thể trả thì Nhà nước lại đứng ra trả nợ, như việc Bộ Tài chính đã từng trả nợ cho 4 nhà máy xi măng lớn trước đây”!

Bản chất của nợ công không xấu, nhưng lại tiềm ẩn rủi ro đối với nền kinh tế khi không được xem xét, đánh giá một cách đầy đủ. Trên thế giới, một số quốc gia còn có mức nợ công/GDP cao hơn Việt Nam. Ví dụ như Nhật Bản, nợ công của đất nước này đang ở mức trên 200%. Nhưng theo các chuyên gia kinh tế, con số nợ công chỉ là hiện tượng, còn bản chất nằm ở việc quốc gia đó có khả năng chi trả nợ công hay không, hiệu quả sử dụng đồng vốn Nhà nước như thế nào? Câu trả lời này tương đối khó đối với bối cảnh của Việt Nam hiện tại, khi mà doanh nghiệp Nhà nước được “nuông chiều”, được Nhà nước đứng ra trả nợ giúp và đầu tư công vẫn kém hiệu quả. “Chúng ta phải cải thiện chất lượng tăng trưởng cũng như tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh, sử dụng đồng vốn ở cả khu vực công và tư”- bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh. 

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, để hạn chế được thất thoát trong đầu tư công, giảm thiểu tham nhũng thì phải công khai minh bạch rất cao đối với toàn bộ hoạt động của bộ máy Nhà nước. Tức là cơ quan quản lý phải trả lời được câu hỏi: tiền để làm gì, tiền được chi tiêu ở đâu?