Thất nghiệp thấp nhưng không đáng mừng

ANTĐ - Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đã công bố tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta trong quý II-2014 là 1,84%, giảm mạnh so với quý I và thuộc nhóm các nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới. Phóng viên ANTĐ đã có cuộc phỏng vấn TS Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội - Bộ LĐ-TB&XH về vấn đề này.

- PV: Nhiều ý kiến cho rằng con số tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta hiện ở mức 1,84% là phi lý, không thực tế. Xin bà cho biết con số này đã được tính toán như thế nào?


- TS. Nguyễn Thị Lan Hương: Tôi phải khẳng định rằng con số về tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta nói trên là một con số chính thức chứ không phải vẽ ra cho vui. Đây là số liệu được đưa ra từ cuộc điều tra về lao động việc làm do Tổng cục Thống kê thực hiện hàng quý, trên tổng mẫu điều tra khoảng 50.000 hộ gia đình, áp dụng các phương pháp điều tra chuẩn của thế giới và được sự hỗ trợ chuyên môn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Cuộc điều tra của Tổng cục Thống kê vốn rất có uy tín.

Theo định nghĩa, người có việc làm là những người có việc làm ít nhất 1 giờ trong 7 ngày (trong tuần được tiến hành điều tra), còn thất nghiệp là những người trong tuần nghiên cứu không làm việc, đã đi tìm việc và không tìm được việc làm. Đây là định nghĩa theo tiêu chuẩn chung của ILO và các nước trên thế giới cũng đang áp dụng. Ở các nước tiên tiến, tỷ lệ thất nghiệp có khi lên tới 7, 8% là vì họ thất nghiệp thật, người lao động của họ khi thất nghiệp không hề có việc làm khác và được hưởng bảo trợ xã hội. Còn Việt Nam là nước nông nghiệp với phần lớn lao động ở khu vực phi chính thức, hầu như không có thất nghiệp thật mà chỉ là thất nghiệp tương đối, bởi người lao động có thể bị mất việc, không tìm được việc làm đúng sở trường của mình nhưng vẫn xoay xở tìm được việc làm khác để kiếm tiền. Điều đó lý giải vì sao tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam thấp.

- Nói như vậy thì tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam thấp chưa chắc đã phản ánh đúng bản chất thị trường lao động hiện nay, cũng không chắc đã là tín hiệu tích cực?

- Đúng là như vậy. Với nền kinh tế như Việt Nam thì tỷ lệ thất nghiệp không phải là một tiêu chí mạnh để đánh giá sự phát triển của thị trường lao động, để phục vụ quản lý lao động, việc làm. Các chỉ số quan trọng hơn là tỷ lệ lao động trong các ngành, trong khu vực chính thức, phi chính thức và chất lượng việc làm. Cùng với đó là các yếu tố khác như thu nhập, quan hệ lao động, an toàn lao động, thời gian lao động… 

Thực tế cách đây vài năm khi nền kinh tế nước ta đang khủng hoảng thì tỷ lệ thất nghiệp vẫn rất thấp và thậm chí còn giảm dần từ 3,5% xuống khoảng 2%. Tỷ lệ thất nghiệp thấp nhưng thực tế chất lượng lao động rất thấp, thu nhập thấp, năng suất lao động thấp và rất nhiều người được đào tạo phải làm trái ngành, trái nghề. Tôi cho rằng, với một thị trường lao động có trình độ thấp, thu nhập thấp, chuyển dịch cơ cấu lao động chậm như ở Việt Nam hiện nay thì đó là một thị trường trì trệ chứ không đáng mừng.

Việt Nam có tỷ lệ thất nghiệp thấp song số lao động làm trái nghề lại cao

- Theo bà, đâu là điều cần thiết để phát triển thị trường lao động Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?

- Cũng phải nói rằng, bản chất của việc tỷ lệ thất nghiệp trong quý II-2014 giảm so với quý I, giảm so với cùng kỳ 2013 có một số điểm tích cực nhất định. Cụ thể, tổng số việc làm mới được tạo ra trong quý 2 vừa qua tăng mạnh, cao gần gấp đôi so với tổng nguồn cung lao động trong thời gian này, khiến cho sức ép lao động giảm. Bên cạnh đó, một số ngành nghề sử dụng nhiều lao động như xây dựng, công nghiệp đang phục hồi, nền kinh tế cũng có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn. 

Vấn đề đặt ra với thị trường lao động và công tác quản lý lao động, việc làm ở nước ta hiện nay là năng suất lao động quá thấp. Điều này bao gồm nhiều nguyên nhân: chất lượng nhân lực lao động thấp chỉ có 18% là lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật nên công nghệ còn thấp; sự luân chuyển lao động cao; tiền lương lao động thấp; quản lý lao động yếu kém không thúc đẩy được động lực phấn đấu cho người lao động… Muốn thay đổi được thì mục tiêu dài hạn không còn cách nào khác là phải nâng cao được chất lượng lao động và thay đổi tư duy quản lý lao động.

- Xin cảm ơn bà!